Yêu đi… giật lùi

Không còn lạ khi nhắc đến một mối tình tuổi teen. Người ta nói, tình yêu là động lực trong cuộc sống nhưng không ít học trò khi vướng vào yêu đương lại… tụt dốc.

Yêu nhiều… học yếu

 

Có nhiều bạn đinh ninh, thậm chí “cam kết” khi bị bố mẹ phản đối chuyện yêu đương: “Con yêu nhưng sẽ không để ảnh hưởng đến kết quả học tập”. Thậm chí có cô cậu còn tin, khi yêu mình sẽ đạt kết quả học tập tốt hơn . Có những bạn làm được điều đó thật nhưng không ít người khi vướng vào tình yêu ở tuổi học trò kéo theo việc học hành tụt dốc không phanh.

 

Trang, cựu học sinh cuối cấp trường L.D điển hình cho một tình yêu đi… giật lùi như thế. Trang đã từng là học sinh giỏi, luôn là “ứng cử viên” hàng đầu trong các cuộc thi học sinh giỏi môn Hoá của trường. Rồi Trang “kết” một một chàng nổi tiếng đẹp trai, ga-lăng nhưng ham chơi ít học ở lớp bên. Khi yêu người ta, Trang nghĩ: “Sẽ giúp chàng học tốt, bớt lêu lổng”.

 

Dự định chẳng thành mà Trang còn bị anh bạn lôi vào những cuộc chơi của mình. Chẳng mấy chốc Trang biết thế nào là tụ tập, la cà quán xá, đi chơi đêm. Ngoài chơi bời cùng bạn bè, hai người còn phải đi chơi riêng, đi ăn, lang thang… Trang thấy mình thiếu thời gian một cách trầm trọng. Bởi thế nên cô phải “xén” thời gian học hành đầu tư cho việc yêu đương.

 

Kết quả học tập của Trang cũng một cách thảm thương. Kỳ thi tốt nghiệp năm ngoái, Trang vào bạn trai đều rớt từ kỳ thi thử cho đến thi thật. Thế nên giờ Trang vẫn còn đang mang mác… cựu học sinh cuối cấp, đang ôn thi.

 

Trong các buổi họp phụ huynh của nhiều lớp, những trường hợp bị nhắc nhở về kết quả học tập giảm thì thành phần “do yêu đương” chiếm tỷ lệ không nhỏ. Một giáo viên chủ nhiệm lớp 11 ở Hà Nội công nhận: “Những em học hành sa sút thường rơi vào hai nhóm: mê game và dính vào chuyện yêu đương. Tình yêu học trò cần có giới hạn nhưng nhiều em lại dành quá nhiều thời gian cho tình cảm”.

 

Yêu rồi hư?!

 

Không quy kết tất cả, nhưng không phải không có những bạn hình như… hư thêm khi yêu, ít nhất là đối với các vị phụ huynh.

 

Trước đây Hải Yến, 16 tuổi không bao giờ đi chơi đêm, đi đâu cũng xin phép tử tế. Chỉ từ khi yêu anh bạn trên một lớp, Yến bắt đầu có những “hành động” mờ ám. Yến luôn “khịa” ra đủ lý do để “trốn” ra khỏi nhà vào những giờ oái oăm nhất. Từ một cô con gái ngoan, giờ Yến nói dối cha mẹ luôn xoành xoạch. Khi hết lý do, Yến trốn đi chơi đêm với bạn trai, mặc bố mẹ lo lắng tìm khắp nơi… Sau những lần như thế, bố mẹ có mắng, có quát thì cô vẫn chứng nào tật đấy.

 

Cô Khuê, ở Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) đã từng “hết hồn hết vía” với cậu út đang học lớp 10 của mình. Thấy con trai có nhiều thay đổi như hay lén lút gọi điện, hay đi chơi đêm, rồi tiền trong ví cô cứ không cánh mà bay… cô Khuê đã ngờ ngợ. Cô tìm hiểu thì biết… con trai mình đang yêu. Chưa kịp trao đổi với con một lời, cô Khuê đã không tin nổi vào tai mình khi cậu con trai đã đùng đùng nổi giận: “Mẹ mà can thiệp vào chuyện tình cảm của con, con đi bụi ngay”.

 

Chưa hết, cô Khuê còn phát hoảng khi biết cậu con trai được xem là nhút nhát của mình còn đánh nhau vì ghen tuông. Cô bức xúc: “Bọn trẻ bây giờ cứ nói bố mẹ cấm đoán, nhưng chúng yêu đương kèm theo bao nhiêu vấn đề không hay, học hành sa sút, đánh nhau lại cứng đầu và luôn chồng đối thì bố mẹ nào đồng tình cho được”.

 

Yêu buông xuôi, yêu hết mình, nhiều teen phải gánh chịu hậu quả nặng nề hơn như nạo phá thai, làm cha làm mẹ khi còn đi học… thì rõ ràng tình yêu đang kéo họ theo chiều đi xuống. Thế nên, teen nên hiểu vì sao người lớn luôn cấm con cái yêu khi đang còn đi học.

 

Các chuyên gia khuyến cáo, trẻ vị thành niên không nên vướng vào chuyện yêu đương quá sớm. Vì sự rung động đầu mà các em thường có những cách ứng xử, hành vi làm ảnh hưởng xấu tới các mối quan hệ khác, nhất là việc học tập. Và những rung động này còn dễ kéo theo những hậu quả xấu khi mà các em không thể kiếm soát được cảm xúc của mình.

 

Theo Fan Ngọc

VTCNews