Ý đồ sâu xa của “anh kết nghĩa”
Nàng sẽ vui vẻ nhận lời làm “em kết nghĩa”, và cho rằng “hắn chẳng có tình ý gì đâu”. Thực tế thì con trai nghĩ theo cách khác…
Dễ tiếp cận, dễ…yêu
Hoàng Vũ (lớp 12 trường THPT B) có rất nhiều “em gái nuôi”. Đa số đều bằng tuổi anh chàng, có khi…lớn hơn 1, 2 tuổi. Giải thích cho điều này, Vũ nói: “Với con gái, càng tán tỉnh nàng càng tạo khoảng cách, tại sao không bắt đầu bằng một sự gần gũi, thân thiện?
“Kết nghĩa” là cách để mình và con gái dễ nói chuyện hơn, dễ hiểu về nhau hơn. Vì chỉ là “anh kết nghĩa” nên các nàng sẽ hoàn toàn tin tưởng mình. Tất nhiên chỉ là “anh em” trên danh nghĩa nên nếu lỡ có thích nhau thì sao? Cứ làm bạn trước đã”.
Những cô bạn của Vũ luôn quý mến anh chàng. Dù cho Vũ có độc thân đi nữa thì anh chàng vẫn luôn có cơ hội để tìm kiếm tình yêu, khi xung quanh chàng đều là “em gái”, và các em ấy có rất nhiều…bạn gái.
“Đa số những tên con trai mắc phải sai lầm lớn, đó là bộc lộ tình cảm với nàng quá nhiều trước khi thân thiết với nàng. “Kết nghĩa anh em” là cách hay nhất khiến con gái không đề phòng để rồi bị “say nắng” chính anh kết nghĩa.
Đó là những trường hợp thường thấy. Con trai sợ “nếu kết nghĩa rồi thì sao tán tỉnh được”. Hãy nghĩ tới việc kết thân với nàng trước đã, chuyện tình cảm tính sau”, Hoàng Anh (sinh viên năm 1 ĐH Mở).
"Kết nghĩa" không đồng nghĩa với tán tỉnh hay lợi dụng. (ảnh minh họa)
Làm anh khó đấy, phải đâu chuyện đùa
Lợi thế của “anh kết nghĩa” chính là nắm được sở trường, tính cách của em gái, sẵn sàng được em gái tâm sự, chia sẻ. Nhưng nhiều chàng trai không biết cách tận dụng, lại quá vội vàng, muốn “kết nghĩa” chỉ để…tán tỉnh, nên thất bại thảm hại. T.P (lớp 11 trường THPT V) là một ví dụ điển hình.
“Ban đầu, mình tưởng P nhận mình làm em gái chỉ để…cho vui, ai dè cậu ấy rủ mình đi xem phim, tặng quà cho mình, nhắn tin hỏi han quan tâm, bảo rằng “anh trai phải có nghĩa vụ quan tâm đến em gái như thế”.
Khi mình cười đùa với những tên con trai khác thì P nổi giận. Mình cảm thấy có gì đó không ổn, nên cũng ngại nói chuyện dần. Mình biết rõ ý đồ của cậu ấy quá còn gì”, Mỹ Hoa (lớp 10 trường THPT V) kể.
Nhiều anh chàng thích có nhiều em gái nhưng rồi nhận ra việc này không hề “đơn giản”. “Khi thì cô A bắt mình dẫn đi mua kem, lúc thì B nhờ mình chỉ bài, C nhờ mình chở đi học.
Mình than thở thì họ đồng thanh: “Làm anh thì phải biết chăm sóc em gái chứ!”. Từ nay xin chừa, không dám nhận bừa nữa”, Quốc Thanh (sinh viên năm 1 ĐH Tài chính - Marketing).
“Anh kết nghĩa” – hiểu thế nào cho đúng?
Đối với những chàng trai “có thành ý”, khi họ quý mến và quá thân với một cô nàng nào đó, họ muốn cô gái ấy làm em gái mình vì họ sợ nếu nảy sinh tình cảm thì mất đi tình bạn đẹp.
Những “anh trai kết nghĩa” đích thực là người tạo cho em gái sự tự do, tôn trọng khoảng trời riêng, ít khi gặp nhau nhưng vẫn hiểu nhau, và không quá quan tâm đến nàng khi nàng không cần.
Ngược lại, những chàng muốn làm “anh kết nghĩa” mà cứ 5 phút lại nhắn cho “em gái”: “Đang làm gì, ở đâu, với ai, cần anh đến rước không?” thì rõ ràng hắn có “ý đồ”.
Dẫu sao thì mối quan hệ “anh trai - em gái” này cũng mập mờ thú vị, nhưng đừng để những sự hiểu lầm không đáng làm ảnh hưởng đến cả hai nhé! Khi đã hiểu sai ý nhau thì khó nói chuyện lại như lúc ban đầu.
Theo Mực Tím