Xứng mặt “con ông cháu cha”!

Có lẽ cuộc sống của tôi sẽ rất phẳng lặng, giỏi thì được khen, dở thì bị chê như bao nhiêu người bình thường khác, cho đến một ngày tên tôi được gắn thêm bốn chữ “con ông cháu cha”.

Đó là ngày ba tôi được bầu làm bí thư tỉnh ủy. Năm đó tôi học lớp 7. Một đêm, ba gọi chị em tôi lại, dặn: “Công việc của ba bây giờ rất nhiều, không có nhiều thời gian để coi sóc các con. Các con phải ráng mà học cho đàng hoàng, không được ỷ lại”.

 

Cuộc sống gia đình tôi sau ngày ba tôi lên chức vẫn rất khó khăn. Ba mẹ tôi phải tăng gia sản xuất, nuôi heo, nuôi gà công nghiệp để tích góp lo cho chị em tôi ăn học. Ba đi làm về là xắn tay áo phụ mẹ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, tắm heo, cho heo gà ăn... không từ nan việc gì.

 

Tôi học trường chuyên của tỉnh. May là tôi thi đậu vào trường chuyên một năm rồi ba tôi mới lên chức, chứ không chắc cũng bị liệt vào dạng “con ông cháu cha” được gửi gắm vào học.

 

Tôi học không giỏi đều các môn, chỉ được nhất là môn văn nên lúc nào cũng có giải trong các kỳ thi học sinh giỏi. Nhưng cứ mỗi lần tôi nhận giải thưởng, nhiều người lại xì xầm “con ổng mà không có giải mới lạ”...

 

Một lần tôi được cử đi thi học sinh giỏi văn ở tận Sài Gòn, đoạt giải nhất, tỉnh tổ chức tuyên dương, khen thưởng, một vị lãnh đạo trong lúc trao bằng khen đã vui miệng hỏi tôi: “Chắc có mấy chục giải nhất hả con?”.

 

Tôi buồn lạ lùng và từ đó luôn né tránh các cuộc thi, từ chối các danh hiệu mà lẽ ra mình xứng đáng được tuyên dương, từ chối các loại học bổng mà lẽ ra mình xứng đáng được nhận (xét về điểm số và về hoạt động phong trào thì vượt xa tiêu chuẩn nhưng đơn giản là “con ổng mà khó khăn gì”).

 

Vậy chứ, giả sử tôi hư hỏng, thế nào cũng có người gièm pha: “Con ông cháu cha là thế đó!”. Có lần nghĩ dại, tôi ước mình không phải là con ba tôi, hoặc được đi thật xa để thoát khỏi cái bóng của ba tôi, chỉ để tôi được người khác nhìn nhận đúng là... tôi.

 

Rồi cũng đến ngày tôi được “thoát khỏi cái bóng của ba” như tôi mong ước. Đó là ngày tôi lên Sài Gòn học đại học. Đất rộng, người đông, tôi làm gì chắc chẳng ai để ý. Nhưng để “ngụy trang” kỹ hơn, tôi thường ít tiết lộ ba tôi làm gì.

 

Tôi sống ở ký túc xá, vừa học vừa tham gia hoạt động phong trào ở trường, dần dần rồi cũng có chút “tiếng tăm” nhờ cái máu ham thích phong trào. Vậy chứ có lần tôi cũng bị lộ chân tướng. Đó là lần đi cứu trợ lũ lụt ở Đồng Tháp.

 

Trên chiếc ghe tròng trành sóng nước đến những điểm cứu trợ, một anh nguyên là thường vụ thành đoàn hỏi tôi: “Ba mẹ ở quê làm gì?” - “Dạ, cán bộ nhà nước”. “Ba làm cơ quan nào?” - “Dạ, ở tỉnh ủy”. Ảnh còn hỏi đùa thêm một câu: “Bí thư không?”. Tôi trả lời thật: “Dạ, bí thư”. Mọi người trong đoàn mắt tròn mắt dẹt nhìn tôi, rồi khen: “Trời ơi, con ông bí thư mà...”.

 

Lúc đó tôi sung sướng lắm, không như suy nghĩ ấu trĩ trước kia muốn thoát khỏi cái bóng của ba. Tôi thấy mình thật hạnh phúc và xứng đáng là con của ba mình.

 

Năm cuối đại học, tôi được kết nạp Đảng. Tôi đùa với ba: “22 tuổi con vào Đảng, 18 năm là của ba, chỉ có bốn năm đại học là của con thôi”.

 

Ra trường, tôi từ chối một số vị trí “ngon” ở một vài cơ quan trong tỉnh, cả một suất đi học nước ngoài theo “diện qui hoạch”. Có lẽ do tôi vẫn bị ám ảnh bởi những chuyện xưa kia. Tôi quyết ở Sài Gòn, không trở về quê.

 

Tôi hứa với ba: “Con sẽ sống như ba, sống chết bằng đồng lương của một cán bộ nhà nước. Nhưng con không muốn có một con đường dọn sẵn cho mình. Con muốn tự mình đi lên và muốn được mọi người thừa nhận đó là năng lực thật sự của con”.

 

Ba tôi về hưu rồi. Niềm vui duy nhất của ông bây giờ là chờ đợi con cháu gọi điện hay về thăm. Ông luôn tự hào khi nghe ai đó nhắc đến chị em tôi: “Anh sống như thế nên chúng nó mới được thế”.

 

Cũng như chị em tôi vẫn luôn tự hào mình chẳng xuất chúng gì, nhưng ít ra mình cũng xứng mặt là... con ông cháu cha!

 

Theo Đ.P.T.
(TPHCM)
Tuổi Trẻ