Xưng hô "cá mè một lứa" với người yêu

(Dân trí) - “Hùng ơi, múc tao xô nước”, tiếng Luyến từ sau khu vực bể nước vọng ra phía mấy cậu SV. Chàng trai tên Hùng đáp: “Mày tự múc đi, tao đang bận”. Ai không biết cứ tưởng họ là bạn nhưng thực ra họ là một cặp “vợ chồng” SV.

Mày - tao… cho thân

Hùng và Luyến học cùng nhau từ hồi phổ thông, quê ở An Giang. Tốt nghiệp, Hùng lên thành phố học nghề, còn Luyến theo học tại một trường CĐ. Từ trước đã xưng hô với nhau là mày tao, dạo mới yêu cũng chuyển sang “anh anh em em” nhưng chỉ  chưa đến một năm sau thì lại… sỗ sàng trở lại như lúc là bạn.

Xưng hô "cá mè một lứa" với người yêu - 1

Nhiều đôi yêu nhau xưng mày - tao cho… thân (Ảnh minh họa).

Nghe cách họ gọi nhau, nhiều người ở khu trọ khi không quen phải giật mình. Yêu nhau kiểu gì mà "mày ơi, tao ơi" như thể là hai người bạn ngang hàng. Ai thắc mắc thì Luyến tỉnh bơ: “Quen rồi, bỏ không được, gọi vậy cho thân thiết!”. Hùng cũng cười xuề: “Tính tuổi nó (ám chỉ Luyến) còn hơn mình mấy tháng, có mày tao mình cũng chẳng thiệt!”.

Cũng tương tự như vậy, cứ mỗi lần nghe cặp đôi Chính - Nga, gọi nhau là nhiều người phải… ngơ ngác chẳng hiểu. Xưng với bạn trai mà cứ tưởng Nga nói với con trai mình vậy.

Cứ chiều chiều, cô lại vòng chiếc xe đạp cào cào ra quán net nơi Chính cày game í ới: “Thằng kia mày có về ăn cơm không, tao ăn sạch cho nhịn luôn đó”. Hôm nào ngoan ngoãn thì Chính gãi đầu đứng dậy ra về, còn không thì cự: “Mày ăn trước đi”.

“Hồi đầu cũng gọi là anh đó như nhưng nhiều lần xưng mày tao riết thành quen. Hắn xưng mày tao được thì mình cũng gọi được nên giờ gọi luôn cho... tiện”, Nga thường khoe với mấy người trong khu trọ.

Chuyện xưng hô mày tao giữa các đôi đang yêu nhau không phải là hiếm, thậm chí có người còn xem cách gọi này là mốt, như thế mới là Tây. Sau khi bạn gái đi du học ở Pháp về, Phương, ngụ ở Q.1 được chuyển ngôi từ "anh"… sang "mày", còn cô gái cũng đổi cho mình từ "em" thành "tao".
 
Mới đầu Phương cũng sốc nhưng Vy giải thích: “Ở Tây như thế, chỉ có hai ngôi vậy thôi”. Nếu nghe ai phàn nàn, Vy phản pháo ngay: “Thế là không văn minh ư? Thế Tây không văn mình bằng mình chắc?”.

Phương nghe nhiều cũng quen nhưng cậu tự ái, chịu cho Phương gọi như vậy nhưng chỉ được gọi trước mặt mình, không được gọi trước đông người. Khổ nỗi, Vy lại thích “phô” lối sống như Tây của mình lại càng nhằm lúc có mặt người khác mới gọi. Xa nhau đằng đẵng hai năm trời, gần nhau nửa năm nhưng suốt ngày họ cãi vã chỉ vì cách xưng hô mãi chưa ngã ngũ.

Rước thân thành họa

“Xưng mày tao bọn em thân nhau hơn, yêu nhau và dễ nói chuyện với nhau hơn. Chả phải e dè gì hết”, Luyến bảo vệ cho cách xưng hô của mình. Thế nhưng sự thân thiết quá mức đó lại là nguyên nhân tình yêu của họ tan vỡ.

Luyến phát hiện Hùng thường chát chít, nhắn tin cho một cô gái với lời lẽ anh em ngọt xớt. Khi Luyến biết được “kẻ thứ ba” thì Hùng đã đề nghị chia tay để đến với người kia. Hùng thuú nhận, cậu quá chán với tình yêu "mày- tao" nên khi nghe cô gái khác thủ thủ "anh- em" thì cậu bị đánh gục luôn. Hùng thấy mình được tôn trọng chứ không như khi ở bên Luyến.

Hay trường hợp của Phương với Vy, cả hai chưa tìm được tiếng nói chung trong cách xưng hô thì gia đình Phương đã kịp thời can thiệp. Trong lần đến nhà Phương chơi, Vy hồn nhiên gọi người yêu mày tao trước mặt ông bà, bố mẹ của Phương làm mọi người sững sờ.

Ngay sau buổi gặp đó, bố mẹ Phương gọi Vy ra nói chuyện, đề nghị cô lập tức xa con trai mình vì họ sẽ không bao giờ chấp nhận một cô con dâu “tao” bước vào gia đình. Đã bị ức chế từ lâu nên Phương cũng không còn muốn níu kéo, khuyên Vy đi tìm người còn trai khác để cô có thể gọi bằng “tao”. Vy giải thích hết lời nhưng chẳng ai thông cảm và hiểu cho cô khi gọi yêu như vậy mà không phải là hỗn hào.

Hay như đôi Nga - Chính, cách xưng hô nhanh chóng dẫn đến cách hành xử “mày tao”. Mỗi mỗi lần không vừa ý, Chính giơ tay giơ chân đánh “mày” của mình liền. Nga kháng cự thì cậu ta nói xanh rờn: “Tao với mày chỉ được đến đó thôi”. Chẳng biết tình yêu của họ kéo dài được đến bao giờ?

H.N

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm