Xúc phạm người khác từ cú click chuột - Bài 2: “Thú vui quái đản”... nhạo báng trên mạng xã hội

Họ sẵn sàng lên bàn phím vô tư mắng mỏ, chế giễu người khác. Tuy nhiên, mấy ai chịu để ý rằng chuyện thế giới ảo đã mang lại thảm kịch ngoài đời thật cho không ít những số phận.

Xúc phạm, bôi nhọ nặng nề

 

Huyền  Trang, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội phải trải qua những ngày khó khăn tại bệnh viện vì không chịu nổi cú sốc do thế giới ảo đem lại. Vốn xinh xắn, cao ráo lại năng động nên Trang đang là chủ của shop quần áo thu hút một bộ phận bạn trẻ mua bán, trao đổi tại cửa hàng cũng như trên mạng.

 

Bỗng dưng một ngày bạn bè gọi điện thông báo có một trang Facebook đăng hai status viết về quá khứ của cô, thu hút nhiều thành viên khác tham gia bình luận theo hướng gây gổ, xúc phạm với lời lẽ nặng nề.

 

Theo chỉ dẫn, Trang lên mạng và tá hỏa khi thấy ai đó lợi dụng facebook để viết những điều sai sự thật.

 

"Họ đưa cả mình và gia đình ra bôi nhọ, lăng mạ. Không những thế, nhiều người khác đã vào trong bài viết này bịa đặt nhiều chuyện khác riêng tư quanh đời sống của mình với mục đích bêu xấu, sỉ nhục”, Trang bức xúc.

 

Sự việc càng đẩy lên cao khi những hình ảnh, câu chuyện bịa đặt về đời sống riêng tư của Trang bị một số bạn bè cùng lớp in ra, chia sẻ cho nhau xem. Không chịu nổi “búa rìu” dư luận Trang uống thuốc ngủ tự tử nhưng măn mắn được người thân phát hiện, kịp thời đưa đi cấp cứu.

 

Không may mắn như gia đình Trang, một gia đình ở Cần Thơ đã mất hai người cùng lúc chỉ vì bị nhạo báng, xúc phạm trên  mạng xã hội. Khi clip quan hệ yêu đương đồng tính của đứa con trai duy nhất bị tung lên mạng với không ít lời bình luận đáng sợ người mẹ đã đột quỵ và qua đời. Chàng trai – nhân vật chính của câu chuyện cũng đã tự tử vì không chịu nổi sự giễu cợt của dư luận.

 

Bên cạnh đó, trên các diễn đàn, mạng xã hội, không quá khó để bắt gặp những hình ảnh kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Không ít nam sinh, nữ sinh bị ghép vào ảnh những nhân vật khỏa thân, hay bị người khác cố tình ghép vào những hình ảnh tang tóc… khiến người xem bức xúc. Vì xuất hiện trên mạng nên những hình ảnh này dễ dàng lan truyền và phủ sóng khắp mọi nơi.

 

Xúc phạm người khác là vi phạm pháp luật

 

Đi cùng hiện tượng này là “vấn nạn” “ném đá hội đồng”. Hễ ghét ai, không vừa lòng ai, dân mạng sẵn sàng đem hình ảnh bêu riếu, sau đó kêu gọi cộng đồng cùng đồng loạt thẳng tay ném đá. Họ không ngần ngại chỉ trích, xúc phạm với lời lẽ thậm tệ đến cả người thân, gia đình của nạn nhân…

 

Vì vậy, nhiều người rơi vào tình trạng mất hết danh dự và nhân phẩm. Cách đây không lâu, vì bị ghép ảnh chân dung vào tấm hình quảng cáo in ảnh cô gái mặc áo rộng cổ, một nữ sinh trường THPT  ở Thạch Thất, Hà Nội đã uống thuốc sâu tự tử vì không chịu nổi sự trêu chọc ác ý của bạn bè.

 

Sự việc chỉ tạm thời lắng xuống khi  công an vào cuộc xử lí. Lúc này, những teen cố ý ghép ảnh, bêu xấu bạn bè mới biết mình vi phạm pháp luật. Tùy vào mức độ nặng nhẹ mà các bạn trẻ này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, từ phạt hành chính đến ngồi tù.

 

 “Đây là bài học cảnh tỉnh cho những bạn  trót dùng facebook để bôi xấu người khác. Hãy nhớ rằng, hành động trên thế giới ảo của bạn sẽ ảnh hưởng đến chính bạn  và rất nhiều người khác ngoài đời thực.

 

Ngoài ra với những bạn cho rằng cái xấu cần được lên án để bị bài trừ và xem “phím chiến” cũng là một hình thức đấu tranh cũng cần phải hiểu rằng:  chính những lời nói, câu chữ, hành vi kém văn hóa, hung hăng không điểm dừng cũng đang biến chính bạn thành kẻ xấu”, Thu Trang, sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội nói.

 

(Còn nữa)

 

Theo Quang Tập

Tuổi trẻ thủ đô