Đắk Lắk:

Xúc động “tình yêu không lời” của đôi vợ chồng trẻ

(Dân trí) - Không may mắn khi sinh ra cả anh và chị đều bị khiếm thính và câm bẩm sinh, cuộc sống tưởng chừng như bế tắc với cả hai. Nhưng với sự quyết tâm, nghị lực anh chị đã nên duyên với nhau và lập nghiệp bằng chính khả năng của mình cho dù còn gặp rất nhiều khó khăn, thử thách.

Mối tình đẹp của hai con người đặc biệt

Chúng tôi có dịp ghé thăm nhà vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Tài (28 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thúy Thanh (27 tuổi) tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) theo lời giới thiệu của một đồng chí công tác tại Bộ chỉ huy Quân sự huyện.

Cuộc trò chuyện của anh chị với người khác phải thông qua trang giấy
Cuộc trò chuyện của anh chị với người khác phải thông qua trang giấy

Gặp gỡ anh chị, giữa căn nhà chỉ nghe tiếng máy nổ để gia công đồ gỗ mỹ nghệ, còn lại tuyệt nhiên không hề có một âm thanh nào giữa người với nhau. Thấy chúng tôi tới chơi, anh chị nhoẻn miệng cười và ra dấu mời khách ngồi chơi.

Cuộc trò chuyện giữa anh chị và chúng tôi gặp không ít khó khăn khi cả hai vợ chồng đều bị câm và khiếm thính bẩm sinh. Mọi thông tin trao đổi đều thông qua những câu hỏi viết trên giấy và những dòng tâm sự chất chứa đầy tình cảm của đôi vợ chồng đặc biệt này.

Anh Tài kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh trớ trêu của bản thân, anh được sinh ra trong gia đình có 4 anh em nhưng chỉ duy nhất một mình anh bị khiếm thính và câm bẩm sinh. Anh Tài từng cảm thấy đau đớn và buồn tủi trước sự bất công lớn của cuộc đời, đã có lúc anh từng muốn buông xuôi tất cả, phó mặc cho cuộc sống.

Tuy vậy, trong thâm tâm mình anh chưa một lần muốn mình là một phế nhân, là gánh nặng cho gia đình, anh bắt đầu xin bố mẹ cho đi học nghề mộc, sau đó anh tiếp tục lên TP. Hồ Chí Minh để trau dồi thêm tay nghề và được học chữ viết.

Thời gian rảnh chị Thanh thường phụ chồng công việc nhẹ
Thời gian rảnh chị Thanh thường phụ chồng công việc nhẹ

Năm 2008, anh Tài quay về Đắk Lắk và học thêm nghề gỗ mỹ nghệ tại trường dạy nghề dành cho người khuyết tật tỉnh. Tại đây, định mệnh đã cho anh gặp được chị Thanh - chị cũng bị khiếm thính như anh và đang học lớp may tại trường.

Hai con người chung hoàn cảnh đã nhanh chóng đồng cảm và nảy sinh tình cảm, tình yêu của anh chị không được thể hiện bằng những lời nói yêu thương mà chỉ qua những cử chỉ hình thể và ánh mắt trao cho nhau trìu mến.

Sau một năm tìm hiểu, anh chị chính thức thành vợ, thành chồng. Đám cưới của anh chị là điều khiến cho nhiều người bất ngờ, xúc động và ngưỡng mộ trước tình yêu lớn lao của cả hai. Một đám cưới tuy không ồn ào nhưng rất ý nghĩa, tất cả quan khách tham dự đều chúc phúc cho tình duyên của đôi vợ chồng trẻ.

Một thời gian sau, khi chị Thanh biết tin mình có thai, cả chị và anh đều đã khóc vì vui mừng và cũng vì lo lắng. “Vợ chồng mình sợ đứa con sinh ra cũng bất hạnh như bố mẹ nó, rồi sau này lớn lên nó cũng sẽ khổ sở vì không bao giờ biết được thế giới xung quanh có những âm thanh gì, cũng không được nói lên những điều nó mong muốn.

Đến khi sinh con ra, thấy con trai òa khóc và được người thân cho biết cháu bé hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường mà không bị như bố mẹ, vui quá nên cả anh và mình cũng ôm nhau mà khóc”, chị Thanh xúc động nhớ lại.

Anh hướng dẫn người cũng bị khuyết tật như anh được học nghề
Anh hướng dẫn người cũng bị khuyết tật như anh được học nghề

Chăm chỉ lao động để thoát nghèo

Để có tiền nuôi vợ con, anh Tài đã mở một xưởng gỗ mỹ nghệ nhỏ ngay tại nhà của bố mẹ mình. Thấy anh khéo tay, hiền lành, chăm chỉ nên người dân trong vùng rất yêu mến và đặt những đơn hàng cho anh làm.

Mặc dù thù mức thu nhập của nghề không đáng là bao, nhưng anh Tài còn hướng dẫn nghề cho một người khuyết tật câm bẩm sinh ở gần nhà được học nghề của anh. Bởi đối với anh, những người khuyết tật cũng cần có được công việc, được lao động để họ không còn tự ti và cảm thấy bản thân bất tài.

Còn chị Thanh, khi con trai đã cứng cáp hơn chị gửi con vào nhà trẻ, để xin vào làm tại một cơ sở may rèm cửa trên địa bàn với mức lương 100 ngàn đồng/ngày. Với mức thu nhập ít ỏi, anh chị vẫn luôn cố gắng hơn để kiếm tiền nuôi con mình được khôn lớn, trưởng thành.

Do cả bố mẹ của anh và chị đều rất khó khăn, nên dù vất vả trong cuộc sống, vợ chồng anh chưa bao giờ muốn làm gánh nặng cho gia đình mà luôn muốn tự vươn lên, tự lao động bằng sức lực của mình để thoát khỏi cái nghèo.

Vợ chồng anh giao tiếp với nhau bằng cử chỉ, ánh mắt
Vợ chồng anh giao tiếp với nhau bằng cử chỉ, ánh mắt

Bà Phan Thị Hồng – Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi huyện Cư M’gar, cho biết:  “Hai vợ chồng anh Tài và chị Thanh tuy đều bị câm, điếc bẩm sinh nhưng ham học hỏi và rất có nghị lực. Hiện tại công việc làm ăn của vợ chồng chỉ làm đủ kiếm sống qua ngày, hoàn cảnh gia đình còn gặp nhiều khá khó khăn nhưng vợ chồng luôn tần tảo, chăm chỉ .

Chính quyền địa phương cũng đã có những món quà nhỏ gửi cho vợ chồng, tuy ít nhưng cũng là động lực khuyến khích vì đây là tấm gương để những người khuyết tật khác noi theo, vươn lên trong cuộc sống”.

Mong ước của vợ chồng anh là có được một mái nhà thật hạnh phúc
Mong ước của vợ chồng anh là có được một mái nhà thật hạnh phúc

Khi chúng tôi hỏi về ước mơ hiện tại của hai vợ chồng, anh Tài và chỉ Thanh liền cùng nhau chỉ tay lên tấm bảng có dòng chữ “Wellcome to fullhouse” mà anh chị treo trước cửa nhà. Đây cũng là ước nguyện của đôi vợ chồng khiếm thính, mong ước sẽ có được một căn nhà riêng, nơi đó dù không nghe được những âm thanh, lời nói của hai vợ chồng nhưng đó sẽ là nơi anh chị và con trai mình sẽ cảm nhận được hạnh phúc bằng cả trái tim yêu thương.

Thúy Diễm