Cần Thơ:

Xúc động đêm giao lưu “Tuổi trẻ và kỷ vật kháng chiến”

(Dân trí) - Đêm giao lưu “Tuổi trẻ và kỷ vật kháng chiến” lần đầu tiên được tổ chức ở ĐBSCL, với sự tham gia của những chứng nhân lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ đã làm xúc động bao thế hệ trẻ có mặt trong đêm 16/5.

Xúc động đêm giao lưu “Tuổi trẻ và kỷ vật kháng chiến”  - 1

Đại tướng Phạm Văn Trà (bìa trái), Đại tá Tạ Thị Kiều (ngồi giữa) và Trung tướng Nguyễn Đức Soát (bìa phải) trong buổi giao lưu.
 
Đêm giao lưu diễn ra lúc 19h tại Hội trường lớn - Trường ĐH Cần Thơ. Tham dự chương trình có Đại tướng Phạm Văn Trà - Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; các tướng lĩnh Quân khu 9, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các phu nhân của các tướng lĩnh quá cố cùng đông đảo chiến sĩ bộ đội Quân khu 9, Bộ chỉ huy quân sự TP Cần Thơ và các bạn sinh viên, đoàn viên thanh niên trường ĐH Cần Thơ. 

 

Chương trình được tổ chức cũng nhằm chào mừng kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Điểm nhấn trong chương trình là các bạn trẻ có dịp nghe lại những kỷ niệm đáng nhớ của những chứng nhân lịch sử. Đó là 3 nhân vật trong đêm giao lưu: Đại tướng Phạm Văn Trà; Trung tướng Nguyễn Đức Soát và Đại tá Tạ Thị Kiều - người phụ nữ miền Nam vinh dự 6 lần được gặp Bác Hồ.

 

Đại tướng Phạm Văn Trà kể lại kỷ niệm nhớ nhất của mình là tình quân dân khi còn chiến đấu ở Long Mỹ (tỉnh Cần Thơ cũ). Đó là những năm 1966, khi Đại tướng cùng các chiến sĩ tiêu diệt Tiểu đoàn 3 của địch. Đại tướng được 2 mẹ con một người tên Sáu Gương cứu. Trong buổi giao lưu, Đại tướng Trà đã tặng kỷ vật của mình là một bức thư viết ngày 9/1/1964 gửi cho người cháu ruột và một khẩu súng cho Bảo tàng Quân khu 9.

 

Trung tướng Nguyễn Đức Soát thì nhớ lại lần đầu tiên bắn rơi máy bay của giặc, đó là vào ngày 13/3/1969. Trung tướng Soát cho biết, đó là một chiếc máy bay không người lái của Mỹ ở độ cao 300m. Sau lần bắn rơi này, Trung tướng Soát được tặng Huy hiệu Bác Hồ (đây là kỷ vật mà Trung tướng Soát yêu quý nhất).

 

Xúc động nhất có lẽ là kỷ niệm của Đại tá Tạ Thị Kiều (quê ở Mõ Cày, Bến Tre) với 6 lần được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên là năm 1965, khi Đại tá Kiều được cho ra miền Bắc thăm Bác. “Lần đầu tiên được gặp Bác đã được Bác ân cần thăm hỏi chuyện gia đình. Bác nói Bác nhớ miền Nam, nhớ những người dân miền Nam lắm. Bác căn dặn khi chúng tôi trở về quê hương thì đối với đơn vị phải khiêm tốn, tình thương, chân thật; còn đối với địch phải đề cao cảnh giác”.

 

Ngoài giao lưu với 3 chứng nhân lịch sử trên, chương trình cũng giới thiệu những kỷ vật được trao tặng cho các Bảo tàng Quân đội, quân sự.
 
Xúc động đêm giao lưu “Tuổi trẻ và kỷ vật kháng chiến”  - 2
Thiếu tướng Lê Mã Lương (phải) - đại diện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tặng cuốn sách viết về những kỷ vật kháng chiến cho đại diện Trường ĐH Cần Thơ.

 

Ngoài Hội trường, rất nhiều bạn trẻ, chiến sĩ bộ đội đến xem những hiện vật kháng chiến của các tướng lĩnh quân đội được trưng bày. Trung tướng Nguyễn Việt Quân - Tư lệnh Quân khu 9 - cho biết, cuộc vận động sưu tầm những “kỷ vật kháng chiến” đã thực hiện được 2 năm và đã sưu tầm hơn 10.000 hiện vật. Các hiện vật đang được trưng bày giới thiệu ở nhiều bảo tàng trong cả nước.
 
Xúc động đêm giao lưu “Tuổi trẻ và kỷ vật kháng chiến”  - 3
Nhiều chiến sĩ trẻ đến xem những hiện vật kháng chiến được trưng bày ngoài Hội trường

 

Kết thúc buổi giao lưu, Đại tướng Phạm Văn Trà nhắn nhủ với thế hệ trẻ: “Thế hệ chúng tôi không có điều kiện học hành như các bạn bởi chỉ lo chiến đấu với giặc. Nay các bạn trẻ sống trong thời bình thì cần phải ra sức học tập hơn nữa để có kiến thức mà góp phần xây dựng đất nước”.

 

Huỳnh Hải