Xin lỗi, nếu 8X chúng tôi không đọc!

Trong suốt thời gian qua, nhiều tờ báo không ngừng rung chuông báo động: Văn hóa đọc của giới trẻ ngày càng xuống cấp. Nhưng thế nào là văn hoá đọc của người trẻ? Phải chăng, đó là mỗi ngày hì hục đọc bao nhiêu trang sách, cắp cặp lên thư viện hay lê la khắp các hàng sách cũ?

Bất đẳng thức bất công

Báo Lao động, 16/7/2003: “Nhà thơ Thanh Thảo - …Văn hoá nghe nhìn đang là thứ mốt. Nền tảng văn hóa, thẩm mỹ thực sự trong xã hội ít nhiều thay đổi…Văn hóa nghe nhìn đáp ứng kiến thức ảo, hời hợt mà nhiều người cứ tưởng là kiến thức thật”.

Bạn có hai tai và hai mắt. Nếu kết hợp cả mắt cả tai để xem TV, online, thưởng thức nghệ thuật… thì giới trẻ gọi bạn là hiện đại. Nhưng với người lớn tuổi, thế là bạn đang bị văn hóa nghe nhìn đè bẹp.

Trong các đánh giá lâu nay, văn hóa đọc thường được so sánh với văn hóa nghe nhìn. Để định danh cho dễ, một bất đẳng thức được thành lập:

  Văn hóa đọc ngày nay < Văn hóa nghe nhìn

  Văn hóa nghe nhìn = Văn hóa… TV, Internet, băng đĩa…

Theo tư duy như vậy, bao nhiêu tội tình vì giới trẻ không tiếp cận với sách nhiều như xưa đổ hết lên đầu cái TV và lên đôi tai, đôi mắt.

Cùng một thông tin tiếp nhận, nhưng mắt đọc và mắt nhìn thuộc hai loại đẳng cấp khác nhau. Bởi lẽ mắt đọc buộc trí  tưởng tượng và khả năng tập trung cao hơn, còn với mắt nhìn thì… hình như cuộc đời trôi vèo qua không một dấu ấn? Đôi mắt trở thành cán cân đo đếm sự trí thức hay không của một người, nhất là người trẻ.

Nhưng nếu chiểu theo số thống kê của Cục Xuất bản thì thế này: Chia lượng sách báo phát hành mỗi năm ra, bình quân một người Việt Nam được đọc 2,8 cuốn sách và 7,07 tờ báo/năm, trong đó đô thị đọc 7,05 tờ.

Người ta nói sách báo đang tràn ngập thị trường, nhưng đấy là họ nhìn thấy ở sạp và cửa hiệu, mà đã là cửa hàng thì tất phải nhiều chủng loại. Còn nếu muốn tìm sách đáng để đọc, ví dụ nghiên cứu về kinh tế hay xã hội học, thử tìm một năm có bao nhiêu cuốn giá trị?

Như vậy, ròng rã 365 ngày, nếu giới trẻ không tìm kiếm thông tin ở các phương tiện nghe nhìn và internet thì cái gì sẽ đi vào trí óc họ? Mắt nhìn đem đến cho con người tri thức nhanh hơn và khách quan hơn.

Vì thế, nếu xét đến giá trị thông tin mà con người tiếp nhận được thì việc đọc hay nghe nhìn không thể bị chia thành đẳng cấp cao thấp khác nhau. Đơn giản, đó là hai phương thức chính giúp chúng ta hòa nhập vào xã hội hiện đại tốt hơn mà thôi.

N việc/24 giờ

Thăm dò do báo Lao động tiến hành gần đây: Không kể sách chuyên ngành (62% sinh viên có đọc) loại sách được đọc nhiều nhất là… truyện tranh (60%), kế đến là truyện ngắn (50%), truyện dịch (35%), tiểu thuyết trong nước (30%) và thơ (20%).

“Giới trẻ ngày nay ít đọc nên cũng ít đọc được nhiều sách hay. - Hồng Dương, lớp A4, K40 Tiếng Anh thương mại (ĐH Ngoại thương) khẳng định - Nhiều loại sách báo giải trí dễ khiến lớp trẻ đọc theo kiểu hưởng thụ hơn là suy ngẫm.

Vì thế, tiếp cận với tác phẩm kinh điển, họ thường thấy khó hiểu và ngại đọc. Nhiều lúc tớ muốn trao đổi với bạn bè về Tam Quốc, Chiến tranh và Hòa bình, Bố già… song không phải ai cũng biết. Nhưng cũng phải công bằng thế này, nếu một ngày của mấy thập niên trước, việc giải trí lớn nhất có vẻ là thú đọc thì bây giờ, một ngày của lớp trẻ ngoài học tập, lao động đến căng người ra còn có những công việc hoàn toàn mang tính thời đại như… đi học thêm, online, đi shopping… nữa.

Do đó, nếu giới trẻ chỉ ngồi nhà đọc sách không thôi sẽ là hiện tượng đáng nghĩ. Xã hội làm sao phát triển các loại hình dịch vụ mới? Chỉ chăm chỉ đọc và đọc thôi, cuộc sống sẽ thế nào?”.

Để không ngưng trệ trong hàng chồng sách mỗi ngày dày thêm, lịch của Dương thế này:

Sáng: Học ở trường

Trưa: Nghỉ ngơi

Chiều: Tự học, hoặc đi làm thêm rồi đi đá bóng, hoặc đọc sách, hoặc lên mạng tìm tài liệu, hoặc đi thăm ông bà

Tối: Xem thời sự, hoặc đi chơi, hoặc học tiếng Anh và đọc sách. Trang web yêu thích nhất: Vnexpress, Tin tức Việt Nam  và www.entrepreneur.com

22 tuổi, Dương đã đặt chân tới 7 nước và khắp các miền Việt Nam. Ở Malaysia, cậu lùng mua được cuốn Living History của Hillary Clinton. “Mỗi ngày đọc một ít, vừa học tiếng Anh, vừa thêm kiến thức thời đại. Với tớ, đọc trên mạng hay đọc kiểu truyền thống không quan trọng, quan trọng là có biết tìm đúng sách để đọc hay không mà thôi”.

Xin lỗi bạn, những cửa hàng sách cũ!

Tuổi trẻ chủ nhật, 14/11/2004: “…Hà Nội bây giờ sách cũ nhiều hơn. Một chiều ngang qua phố Lý Thường Kiệt, ngỡ ngàng vì phố “sách giáo khoa” ngày xưa đã thành phố sách cũ. Suốt dọc phố dài chỉ toàn sách cũ, các cửa hàng san sát nhau, người bán người mua tấp nập. Sách cũ góp phần không nhỏ vào việc khôi phục văn hóa đọc của người Hà Nội…”

Với nhiều người, hiệu sách cũ xưa nay giống như chốn lý tưởng cứu vớt cho tinh thần đọc đang ngày càng xuống cấp. Xét trên phương diện kinh tế, đây quả là nơi dừng chân tuyệt hảo cho các cô cậu học trò lúc nào cũng ngập tiền… xu.

Nhưng nhìn từ góc độ đổi mới tư duy thì sự lấn lướt và những lời ca tụng những cửa hàng này chưa phải là điềm tốt. Nhiều sinh viên thường tìm mua giáo trình ở hiệu sách cũ cho đỡ tốn kém. Song liệu tiết kiệm được vài ngàn khi mua sách cũ có quý giá hơn việc làm tươi mới cái đầu trẻ lúc nào cũng cần tiếp nhận thông tin?

Sách cũ không có tội, nó thậm chí bảo vệ túi tiền và lưu giữ nhiều tri thức quý báu mà không phải lúc nào cũng có thể tìm được trên mạng hay trong sách mới. Nhưng sách cũ, đặc biệt giáo trình cũ, đôi khi làm giới trẻ trì trệ trong tư duy.

Giải thưởng Loa Thành - giải thưởng dành cho sinh viên xuất sắc ngành kiến trúc-xây dựng năm 2004 vừa qua đã phải loại bỏ 31% số đồ án tiếp nhận vì nhiều đồ án là sản phẩm copy hoặc sử dụng quy trình công nghệ của các năm 60 - 70 thế kỷ trước. Chuyện chẳng đáng ngạc nhiên, bởi nhiều giáo trình mà sinh viên được học đều cũ rích, trong khi sách mới và tài liệu tham khảo trên mạng thì đầy rẫy, nhưng mà… họ ngại. 

“Nhiều lúc muốn tìm sách quý chỉ có thể ra hiệu sách cũ, nhưng thực tế, sách chỉ rẻ khi nó không còn giá trị cao, chứ cuốn nào thuộc dạng “vang bóng một thời” thì cực đắt” - Ngô Thu Thảo, sinh viên K49 Báo chí (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) nói. Vì thế, nếu bạn đặt niềm tin vào hiệu sách cũ để xây dựng “văn hóa đọc” cho riêng mình, nên đặt nó ở thuyết tương đối mà thôi.

Khi văn chương không phải loại sách được quan tâm nhất

Với người Việt Nam, văn chương luôn là một phần máu thịt. Thậm chí các nhà văn hóa học còn chỉ ra rằng, trong mỗi con người Việt luôn ẩn chứa một nhà thơ. Vì thế, nói đến đọc sách, người ta hay nói về thế hệ trước đây đã đọc Sông Đông êm đềm, Gienny Ghechac, Hãy để ngày ấy lụi tàn, Mùa tôm, Đồi gió hú... trên những trang giấy đen sì như thế nào. Kỷ niệm một thời thiếu thốn và ít phương tiện giải trí được nâng lên thành biểu tượng của văn hóa đọc. 

“Hằng ngày, bạn có thể đọc bất kỳ cái gì miễn bạn thấy hứng thú và có ích. Quan trọng là khi bạn cần kiến thức ở lĩnh vực nào, bạn phải biết tìm sách công cụ ra sao.

Người Việt Nam đi du lịch thường chuẩn bị quần áo, giày dép và đồ ăn, trong khi người nước ngoài luôn mang theo sách: đi đường cầm sách chỉ dẫn, ngồi nghỉ đọc sách nghiên cứu hoặc giải trí. Sách có ở khắp nơi, ngay cả trên xe buýt - nơi mà người ta khuyến cáo không nên đọc vì sẽ hại đến mắt.

Vì thế, nếu muốn gắn từ đọc với từ văn hóa thì bạn phải biết gắn việc đọc với niềm yêu thích của mình mỗi ngày.” 

ThS Đỗ Anh Đức - Giảng viên khoa Báo chí (ĐH KHXH&NV)

Nhưng ngày nay, tiêu chí đánh giá của giới trẻ về sách cũng thay đổi khá nhiều. Ngay ca khúc Obladi, Oblada - nhạc phẩm từng đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc Anh của The Beatles huyền thoại - cũng bị xếp hàng đầu trong số 10 ca khúc… dở nhất mọi thời đại.

Với thế hệ 8X, 9X, bây giờ Harry Porter có sức hấp dẫn không kém gì Tây Du Ký, đọc những truyện ngắn nho nhỏ dễ hơn nhiều nếu phải tối ngày ngâm nga Tấn trò đời…

Sách văn học không còn ở ngôi vị hoàng đế như trước, thế vào đó là sách tin học, ngoại ngữ, bí quyết làm giàu, chân dung những nhà chính trị, nhà kinh tế lớn… - những cuốn sách mà nhiều người yêu văn chương gọi đó là “sách thực dụng”.

“Thực ra, nó rất có ích với chúng mình, nhất là trong thời hiện đại cần tri thức tổng quan về cuộc sống - Lê Mai Hương Trà (18 tuổi, lớp Pháp 2001-2004, Ams) nói - Tủ sách của bố mẹ mình toàn Chiến tranh và hòa bình, Những người khốn khổ, Thủy Hử… Đọc cũng hay, nhưng mình cần đọc nhiều loại khác nhau chứ không phải chỉ mỗi văn học”.

Ai cũng biết, văn chương giúp con người thanh lọc tâm hồn như thế nào. Nhưng đã là sách có giá trị thì bất kể ở lĩnh vực nào cũng giúp trí tuệ con người đẹp hơn. Khi mà nền văn học nước nhà còn đang uể oải đòi cách tân, đòi đổi mới với những tranh luận đầy chỉ trích cá nhân về nộm thơ, đạo văn và các thứ phê bình nhàn nhạt thì có sách khác cho công chúng đọc cũng là một sự thanh lọc đáng quý đấy chứ.   

Cái thư viện tội nghiệp

Nếu bạn là một trong số không nhiều người trẻ có thẻ thư viện thì hẳn sẽ bực mình: Chuyện của Tây là chuyện của Tây. Công viên nhà mình phải nhiều đôi… ôm nhau hơn là ngồi đọc sách chứ. Muốn đọc tử tế phải đi thư viện.

Nào thì lên Thư viện Quốc gia. Được cái thư viện lớn nhất này rất ít khi ế ẩm. Nhiều hôm còn kín đặc chỗ. Nhưng để ý chút thôi sẽ thấy, khắp nơi, trên bốn bức tường là vô vàn dòng chữ: “Không vứt kẹo cao su ra sàn nhà”, “Đề nghị không nói chuyện riêng”, “Không hút thuốc lá trong phòng”… và buồn hơn nữa là “Không xé cắt tài liệu trong thư viện”. Thậm chí, ở các cửa ra vào và trên những khoảng tường trống, thay vì treo tranh ảnh hay những thông báo chỉ dẫn, người ta treo những… nội quy xử phạt cho các hành vi cắt xé tài liệu, làm nhàu sách báo…

Chuyện có vẻ thường ngày ở huyện, nhưng ngẫm ra, chỉ mấy dòng chữ cỏn con đó thôi lại đủ “tố cáo” những thói quen xấu của không ít trí thức trẻ - một con số chắc không nhỏ đến mức người quản lý buộc phải chưng lên bộ mặt văn hóa đọc của quốc gia những dòng chữ khẩn khoản đến vậy.

Kết

Như thế, văn hóa đọc không chỉ thể hiện ở việc mỗi ngày bạn hì hục đọc bao nhiêu trang sách mà còn thể hiện ở việc bạn đối xử với sách và với việc đọc như thế nào. Bạn không nhất thiết phải chăm chỉ như những chú mọt, phung phí tiền đi mua… quá nhiều sách cũ, chịu khó lên thư viện ăn kẹo cao su, bỏ mặc cuộc đời sau những cuốn cổ thi… để dán được cái mác là “người có đọc”.

Nếu bạn thấy hứng thú thực sự khi tìm ra thông tin quý giá, đam mê thả hồn vào những sản phẩm văn hóa giá trị, biết cách đọc sao cho bổ ích nhất với mình, và biết làm cho việc đọc thêm ngày càng phổ biến… thì bất kể bạn đang ngồi trước một cuốn truyện tranh, một màn hình máy tính hay một cuốn sách đen sì vẫn có ý nghĩa hơn là bạn đang ngồi trong thư viện với một chồng sách mà bạn không biết nên bắt đầu từ đâu.

Theo Việt Hoài
Hoa Học Trò 2!