Xem clip "nô lệ tin nhắn" ý nghĩa của teen trường Ams

(Dân trí) - Bằng những tình huống hài hước, có thật trong thực tế, clip "Tin nhắn mới" đưa ra một thông điệp rõ ràng về giao tiếp thời hiện đại: giới trẻ đang phụ thuộc quá nhiều vào tin nhắn và nó vô tình trở thành rào cản giữa người với người.

"Tin nhắn mới" là clip do cá bạn học sinh trường THPT Hà Nội - Amsterdam thực hiện, cũng là clip giành giải nhất cuộc thi làm phim nghiệp dư quốc tế "Qua ống kính trẻ thơ" (Kid Witness News) lần thứ 7 tại Việt Nam.

 

Nội dung của clip "Tin nhắn mới" xoay quanh việc những bạn trẻ ngày nay thường xuyên sử dụng tin nhắn là phương tiện giao tiếp chủ yếu. Nhiều khi, các bạn ngại nói, hoặc không biết cách diễn đạt cảm xúc qua nét mặt, lời nói nên sử dụng tin nhắn trở thành một thói quen xấu.

 
Clip "Tin nhắn mới" của các bạn trường Ams.
 

Nhóm làm phim đã cường điệu sự phụ thuộc của giới trẻ vào tin nhắn bằng cách hạn chế tối đa việc sử dụng ngôn ngữ nói, để các nhân vật giao tiếp bằng tin nhắn. Các cảnh quay được dàn dựng theo lối ngẫu nhiên, đi từ nhân vật chính cụ thể tới việc miêu tả cuộc sống xung quanh cậu bé mọi người đều lạm dụng tin nhắn.

 

Con cái nói chuyện với mẹ bằng tin nhắn, chàng trai tỏ tình bằng tin nhắn, tới lớp học sinh đều ôm điện thoai nhắn tin, cô giáo cũng dùng tin nhắn... hầu hết những chi tiết này đều mang tính chất thậm xưng, nhưng nó chính là ý đồ của các tác giả trẻ tuổi.

 

Chia sẻ về quá trình làm phim, "ê kíp" tuổi teen trường THPT Hà Nội - Amsterdam tiết lộ: "Khi tham gia chương trình chúng em đã học hỏi được rất nhiều từ việc tiếp cận với công nghệ thông tin như máy quay, máy dựng, các phần mềm dựng phim… và cảm thấy tự tin hơn khi được giao tiếp và làm việc nhóm với các bạn trong đội, kết bạn với các thành viên của đội khác.

 

Ngoài ra, chúng em cũng được trải nghiệm và phát hiện ra chính khả năng của mình khi tham gia vào những vai trò khác nhau trong đoàn làm phim như nhà biên kịch, quay phim, đạo diễn, diễn viên; chịu trách nhiệm về hậu cần, âm thanh, ánh sáng… những công việc thực tế mà chúng em đã không tưởng tượng ra nếu như chỉ xem các bộ phim thông qua tivi tại nhà".

 
Bạn trẻ trở thành nô lệ của tin nhắn tới mức chàng trai cầu hôn cũng bằng…tin nhắn.
Bạn trẻ trở thành "nô lệ" của tin nhắn tới mức chàng trai cầu hôn cũng bằng…tin nhắn.
 

Hiện này, clip "Tin nhắn mới" đang nhận được đông đảo sự ủng hộ của cư dân mạng dù rằng đây chỉ là một bộ phim nghiệp dư, do học sinh thực hiện.

 

"Clip này muốn nói là ngày càng hiện đại thì con người ta ngày càng trở nên ít cảm xúc, và lười nhác.. Mình thấy clip này khá thú vị mà. Học sinh làm được vậy là giỏi lắm rồi", bạn Trần Triệu phân tích về clip trên Youtube.

 

"Thực ra câu chuyện này mới đầu khi xem chưa hết mình thấy hơi "nhảm nhí", nhưng phần kết làm mình ấn tượng, tất nhiên ý tưởng không quá mới lạ, phong phú nhưng làm như vậy là rất được rồi.

 

Còn một vài chi tiết có thể dùng biện pháp nói quá để nhấn mạnh nên mọi người phải hiểu ý. Chúc các bạn trẻ phát huy, chịu khó tìm hiểu thêm để ngày càng làm những đoạn phim hay và ý nghĩa", bạn Vũ Văn Trung bình luận .

 

Cuộc thi "Qua ống kính trẻ thơ" do Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Nội, ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam, ĐH Sân khấu điện ảnh… đồng phối hợp tổ chức.

 

Với chủ đề "Giao tiếp", ngoài clip đoạt giải nhất là "Tin nhắn mới", giải nhì được trao cho đội trường Quốc tế Wellspring với bộ phim mang tên “Vệ sĩ”. Trường THCS Marie Curie đoạt giải ba với bộ phim mang tên “Ô nhiễm ánh sáng”.

 

Phim phóng sự “Hiểm họa từ rau muống” của trường Phan Chu Trinh giành giải phim phóng sự hay nhất. Hai giải khuyến khích thuộc về bộ phim “Poseidon” của trường THPT Dân lập Lô-mô-nô-xốp và bộ phim “Cuộc chiến chống lại rác” của trường THCS Mỹ Đình.

 

Sau khi nhận giải thưởng, nhóm bạn trẻ trường HN - Amsterdam sẽ đem clip tranh tài với tác phẩm của học sinh 6 nước Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Úc vào tháng 12 tới ngay tại Hà Nội. Trước đó, năm 2011, nhóm học sinh trường Marie Curie từng là đại diện cho đoàn Việt Nam, tham dự cuộc thi "Qua ống kính trẻ thơ" ở Ấn Độ.

 
Bạn trẻ trở thành nô lệ của tin nhắn tới mức chàng trai cầu hôn cũng bằng…tin nhắn.
Bạn trẻ nhắn tin cho mẹ thay vì nói chuyện khi hai mẹ con đang ở gần nhau. Những lời nói, suy nghĩ đều được nhân vật thể hiện bằng tin nhắn, biến cuộc sống thành một bộ phim câm (Ảnh chụp từ clip).
 
Bạn trẻ trở thành nô lệ của tin nhắn tới mức chàng trai cầu hôn cũng bằng…tin nhắn.
Nhiều bạn trẻ dường như đã quên mất cách thể hiện cảm xúc của mình khi quá phụ thuộc vào điện thoại, máy móc

Trong lớp học, bạn bè không trò chuyện với nhau mà âm thầm ôm lấy chiếc điện thoại của riêng mình

Trong lớp học, bạn bè không trò chuyện với nhau mà âm thầm ôm lấy chiếc điện thoại của riêng mình
 

Minh Vi