Xe ôm thời công nghệ

Với một chiếc xe máy, một smartphone có kết nối 3G và định vị, nhiều bạn SV trở thành tài xế “xe ôm thời công nghệ” như một việc làm thêm giúp trang trải học hành.

Rảnh lúc nào, làm lúc đó

Khó khăn lớn nhất khi hành nghề xe ôm là phải tìm được một chỗ đậu xe lý tưởng, không đụng chạm đến cánh xe ôm chuyên nghiệp hoặc phải bỏ công sức chạy lòng vòng ngoài đường, mời khách. Nhưng chỉ cần một vài thao tác nhỏ trên smart-phone, tài xế xe ôm – sinh viên có thể dễ dàng tìm được khách.

Phạm Anh Khoa (trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG TP. HCM) có kinh nghiệm chạy xe ôm một năm, cho biết: “Mình từng làm một số công việc như: Phục vụ, bán hàng, thu ngân… Nhưng thời khóa biểu trên lớp thay đổi liên tục khiến mình không sắp xếp được thời gian, đành phải nghỉ làm.

Chạy xe ôm qua ứng dụng trên smart-phone giúp mình bắt khách thuận tiện hơn; thời gian chạy xe linh hoạt, rảnh lúc nào, làm lúc đó, không lo việc học tập bị ảnh hưởng”.

Ngoài chạy xe ôm, để tối ưu hóa công lao động, các bạn còn nhận thêm việc làm shipper (nhân viên giao hàng) cho các cửa hàng kinh doanh qua mạng.

Nguyễn Ngọc Tịnh (trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng) chia sẻ : “Giá cước vận chuyển rẻ, lại có thể theo dõi tài xế trên bản đồ nên các cửa hàng rất ưa chuộng thuê shipper – sinh viên. Mình đang là “mối ruột” của 5 cửa hàng, thường nhận chuyển các món hàng như: Quần áo, giày dép, đồng hồ và đồ ăn. Như vậy, cùng trên một quãng đường, mình nhận được hai khoản thu”.


Nguyễn Ngọc Tịnh đang đón khách

Nguyễn Ngọc Tịnh đang đón khách

Kim Hồng (trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM) lại chọn nhóm đối tượng khách là học sinh, sinh viên; địa bàn hoạt động ở gần các khu ký túc xá và trường học. Hồng bảo, nhiều bạn sinh viên không muốn đi xe buýt vì thời gian chờ xe lâu, nhất là giờ cao điểm.

Đi xe ôm kiểu này không sợ bị “chặt chém” vì có giá cố định lúc đặt xe, vừa nhanh, vừa đỡ phải chen chúc như đi xe buýt. Trên đường chạy xe, nếu chịu khó giao tiếp, bạn có thể mở rộng cơ hội: “Mình chở một chị cùng con từ trường học về. Qua trò chuyện mới biết, nhà mình với nhà chị chung xóm ở quê. Vậy là chị ấy chủ động “đặt hàng” mình đưa đón con cho chị mỗi ngày. Tính ra, mình kiếm được hơn 2 triệu đồng/tháng. Vậy là sống ổn đối với sinh viên như mình”, Hồng kể .

“Tai nạn nghề nghiệp”

Ngọc Tịnh gặp một tình huống trớ trêu, đó là bị khách hàng quấy rối. Tịnh kể: “Hôm đó, mình nhận chở một thanh niên ăn mặc lịch sự đến công viên Gia Định, Gò Vấp. Trên đường đi, anh ta cứ hỏi thăm mình dồn dập, nào là quê ở đâu, thích ăn gì, có người yêu chưa …

Vì gọi xe qua ứng dụng nên anh ta có được số điện thoại của mình. Sau hôm đó, mình nhận được vô số tin nhắn và cuộc gọi gạ gẫm đi chơi từ anh ấy. Sợ quá, mình phải đổi số điện thoại”.

Hiện tượng khách “ảo” cũng không phải là hiếm đối với nghề xe ôm “công nghệ”. Kim Hồng kể: “Nhiều lần, giữa trưa nắng, có khách đặt xe nhưng khi mình đến nơi, khách đã chọn phương tiện di chuyển khác làm mình phải chạy ngược về. Lúc đó, mình cảm thấy rất bức xúc nhưng cũng đành chấp nhận, coi đó như một khó khăn đặc thù của công việc này”.

Theo Huy Lâm

Sinh viên Việt Nam