“Xả giận” mùa chia tay
(Dân trí) - Rời phòng thi, các teen đã nhanh chóng í ới chuẩn bị “lễ chia tay”, “ngày lưu bút” để đánh dấu kết thúc 4 năm cấp II gắn bó. Bên những dòng viết xúc động, những giọt nước mắt tiếc nuối… là cả những “ân oán” học trò đến kỳ “thanh toán”.
Trước kia, buổi chia tay là dịp để các bạn cùng chụp ảnh lưu niệm hay trao tay những quyển lưu bút đầy ắp các trang viết nhớ lại quãng thời gian 4 năm học biết bao kỷ niệm. Còn bây giờ, liên hoan chia tay là phải thật “hoành tráng”, “tèm thì ra Ilu rồi kéo nhau đi pose (chụp ảnh) ở bến Hàn Quốc (khu đầm sen trên đường Tô Ngọc Vân), nếu không thì cũng phải nhậu một bữa ra trò ở Sheraton rồi karaoke hay ra bar uống rượu nữa”.
Chia tay là dịp để “thanh toán”?
Rục rịch từ tháng 5 với bao kế hoạch, dự định “chia tay, chia chân”, các 9x không chỉ lo ôn thi thật tốt mà còn lo tổ chức “ngày tạm biệt” sao cho thật ấn tượng và ý nghĩa. Từ họp bàn chọn quán ăn, thuê địa điểm, thậm chí là đi du lịch… đều được các bạn nghiên cứu kỹ lưỡng. Nhưng vẫn có những chuyện “người tính không bằng trời tính”…
H.Thanh (17 tuổi, N.C) kể về ngày chia tay của lớp mình: “Đã hẹn trước ngày thi cả tháng, mọi thứ tưởng chừng tốt đẹp. Ai ngờ trong lớp mình xảy ra một vụ ẩu đả khi M.T đọc được dòng lưu bút của L. bày tỏ tình cảm của mình với bạn trai của T. Thế rồi, T. ngấm ngầm kéo một nhóm anh chị đến “xử lý” L. đúng ngày chia tay lớp. L đã xấu hổ và khóc rất nhiều.”
Không ít buổi chia tay đã biến thành những trận “thư hùng” để các bạn dằn mặt nhau: “Mày không động đến ai thì cũng chả ai thèm động đến mày đâu, biết chưa. Trước khi ra trường, cho mày một bài học mà không có trường lớp nào dạy đâu”. Rất may như trường hợp của L được các bạn trong lớp cùng đứng ra bảo vệ, nếu không thì L có lẽ đã “nhừ tử” như lời cảnh báo của M.T cùng hội của cô.
Trước đây, Hằng và Q.C là một đôi bạn thân, sau nhiều lần biết C nói xấu sau lưng mình, H đã bỏ qua và muốn chính C phải giải thích. Hằng đã chủ động nói chuyện “phải trái rõ ràng” để “khi ra trường rồi, không còn gì phải băn khoăn, áy náy nữa”. Lời qua tiếng lại, C chỉ tay vào mặt Hằng và dùng những từ ngữ khiêu khích khiến cô bé đã… rút kéo trong cặp ra đâm C.
“Em không hiểu sao lúc đó lại hành động như thế, chỉ biết là bạn ấy chửi em trước. Em đã tát vào mặt C một cái rồi C xông vào túm tóc, dập đầu em xuống đất. Em không thể chịu được nên lấy kéo thủ công trên bàn đâm bạn ấy” - Hằng buồn rầu kể lại.
Ngạc nhiên hơn, các bạn trong lớp đã không can ngăn Hằng mà còn xông vào “cổ vũ”, “đánh hôi” C. Nhiều bạn vừa đánh vừa hét “Dám nói xấu người khác thì dám có gan chịu đòn, đừng trách chúng tao là ác”.
C ngay sau đó đã được đưa cấp cứu ở bệnh viện còn bố mẹ C khi biết tin ngay lập tức gọi công an phường tới… bắt H. Cô giáo chủ nhiệm đang lo cho các bạn ôn tập nay lại vất vả vừa thăm C trong bệnh viện vừa thuyết phục gia đình C không kiện H. Nhờ cô mà cuối cùng H tránh được án kỷ luật ghi trong học bạ trước ngày ra trường và chấp nhận bồi thường 5 triệu đồng cho gia đình C.
Hằng thương bố phải đi bảo lãnh, thương mẹ khóc sưng mắt và van xin thầy cô cho em được đi học tiếp, cô bé vừa tâm sự vừa khóc: “Hành động của em là không đúng, nhưng thực sự lúc đó em không thể nào kiềm chế được. Em không muốn làm bạn đau, em biết lỗi rồi. Mong thầy cô và bạn bè đừng xa lánh em và cho em cơ hội”.
Buổi liên hoa chia tay, không khí cả lớp chùng hẳn xuống. Không còn những gương mặt vô tư vui đùa, không còn những cái nắm tay, những cái ôm siết chúc nhau thi tốt.
Những dòng lưu bút “đen”
Nhắc đến mùa chia tay là không thể nào thiếu lưu bút. Quyển sổ rất đẹp được các bạn trang trí công phu để ghi lại những dòng tâm sự từng thành viên trong lớp, đính những tấm ảnh ngộ nghĩnh ở các dịp liên hoan và cả những câu chuyện “thầm kín” chưa một lần chia sẻ. Vậy mà có những 9x lợi dụng những trang lưu bút để bôi xấu thầy cô, chê bai bạn bè.
Thế đấy, sắp ra trường rồi. Mình nhịn đủ rồi, chả sợ gì nữa…”. Thắng hay bất cứ ai đọc được đều có thể đoán ra M. đó viết về… cô giáo chủ nhiệm.
Nhiều thầy cô giáo tâm huyết, tận tụy với học sinh và có những biện pháp nghiêm khắc đối với những học sinh hư, cá biệt cũng được các bạn “trút giận” hết vào cuốn sổ lưu bút. Từ những biệt hiệu như “Van-nít-tơ-roi” ám chỉ cô Q. dạy môn Sinh học, thầy H “lởm” dạy Văn vì thầy toàn mặc quần áo cũ, chưa bao giờ có đồ mới đến những tấm ảnh cắt ghép ảnh các thầy cô đi kèm lời lẽ thô tục của các bạn đã khiến cuốn sổ lưu bút mất đi sự trong sáng vốn dĩ của nó.