Vượt qua nỗi đớn đau như thế...
(Dân trí) - Một thời từng là niềm hy vọng vàng của thể thao Việt Nam tại SEA Games 2003, nhưng trong một lần luyện tập, chị đã bị chấn thương phải nằm viện điều trị. Ước mơ dang dở và cuộc sống của chị giờ đây là những tháng ngày ngồi trên chiếc xe lăn…
Những ngày đầu tháng 6 này, chúng tôi có dịp về thăm lại nữ vận động viên (VĐV) môn Vật của thể thao Việt Nam Lê Thị Huệ. Trong căn nhà nhỏ ở thôn Châu Chính, hàng ngày mọi sinh hoạt của chị đều nhờ cậy vào người mẹ già.
Sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em, chị Huệ là con thứ 5 trong gia đình, căn nhà vốn đông anh chị em nhưng giờ đây người lập gia đình ra ở riêng, người đi làm ăn xa nên nhà trở nên neo người, ngoài chị còn có bố mẹ già.
Ngồi trên chiếc xe lăn, chị tâm sự: “Những tháng ngày đẹp nhất trong cuộc đời em đã cống hiến cho thể thao. Em mong muốn mang vinh quang về cho Tổ quốc nhưng số phận đã không mỉm cười với em”.
Ngày 12/5/2003 là một ngày định mệnh của Huệ, ngày buồn của thể thao Việt Nam. Trong khi tập luyện cùng các đồng đội tại Trung tâm huấn luyện Thể thao quốc gia 1, chị đã bị ngã dẫn đến chấn thương đốt sống cổ nặng, dập tủy, gây liệt tứ chi. Sau hai ca phẫu thuật liên tiếp, có ca kéo dài hơn 19 giờ đồng hồ, chị Huệ may mắn hơn võ sĩ Judo Trần Thanh Ngời là thoát khỏi lưỡi hái tử thần, song những tháng ngày còn lại với Huệ là cuộc sống trên chiếc xe lăn.
Những người yêu thích thể thao, nhất là môn vật biết về Huệ là một VĐV đầy tài năng của thể thao Việt Nam. Huệ đã từng đoạt huy chương vàng môn vật hạng 55 kg giải Vô địch quốc gia năm 2002.
Huệ tâm sự: “Trong thể thao chấn thương là chuyện thường tình, dù sao chuyện cũng đã xảy ra rồi, nếu cứ nghĩ mãi về chuyện đã qua thì mình sẽ không tồn tại được đến ngày hôm nay”.
Huệ cười khi chúng tôi nhắc rằng Huệ là niềm hy vọng vàng của Việt Nam tại SEA Games 22. Và mắt chị ngân ngấn nước khi nói về cuộc sống hiện tại, về sức khỏe của mình. Một cô gái mạnh mẽ ngày nào giờ không thể làm được bất cứ việc gì, tất cả mọi việc chỉ biết trông cậy vào chị gái và người mẹ già.
Đôi chân chị mềm thõng buông trên ghế, tay run run, co quắp. Chẳng cần phải đến lúc trời thay đổi thời tiết, ngay cả những ngày bình thường, vết thương cũng hành hạ chị nhức buốt, đau rát. Và chị kể về mẹ, về chuyện mẹ bán non một vụ lúa để có tiền chạy vạy xin khoản bảo hiểm thương tật để cô con gái tàn tật bớt âu lo khi nhìn về tương lai.
Mọi sinh hoạt cá nhân đều là mẹ làm cho chị. Những ngày khỏe hơn, chị chống nạng đi vòng vòng quanh nhà, tập các bài tập nhẹ nhàng với hy vọng các cơ không bị liệt hẳn. Người dân xã Quảng Châu nói về chị với tất cả niềm thương cảm và xót xa cho một tài năng của thể thao Việt Nam có số phận thật long đong. Gìơ đây, mọi người nhắc đến chị như một tấm gương về sự mạnh mẽ, về nghị lực khi đối mặt với nghịch cảnh.
Khi được hỏi về mơ ước chị khẽ khàng: “Biết là mình thiệt thòi nhưng mình không dám đòi hỏi, bởi mình đã là gì đâu. Chỉ mong sao sức khỏe của mình khá lên để có thể tự lực, không phải phụ thuộc vào mẹ như bây giờ”.
Bài và ảnh: Duy Tuyên - Huyền Trang