Vương Vũ Thắng và 180 ngày sau sự cố “Trí tuệ Việt Nam”
Kể từ khi xảy ra sự cố iCMS - Fraser và “Trí tuệ Việt Nam”, Vương Vũ Thắng, Giám đốc của Vinacomm, gần như mai danh ẩn tích. Chàng giám đốc trẻ tuổi và các cộng sự của mình đã đứng lên thế nào sau những chuyện đã xảy ra?
Sự cố “Trí tuệ Việt Nam” đã tác động đến nhận thức của bạn như thế nào?Bạn không khép cửa lại với những người tìm đến đấy chứ?
Trước hết, xin cảm ơn đã cho tôi cơ hội đề cập lại vấn đề này. Sự cố Trí tuệ Việt Nam (TTVN) một lần nữa khẳng định với chúng tôi điều mà chúng tôi vẫn chia sẻ với nhau từ lâu: “mỗi khó khăn đều ẩn chứa một cơ hội, và cơ hội chỉ đến với những người luôn tiến lên phía trước”.
Ngược lại với việc khép cửa, sau sự việc này đã có nhiều người hơn tìm đến với chúng tôi để chia sẻ sự đồng cảm của họ với những người trẻ tuổi và để hợp tác. Giờ đây chúng tôi đã có những đối tác quan trọng trong và ngoài nước cho sự phát triển tương lai và đặc biệt là có thêm những người bạn chân thành.
Qua sự kiện này, tôi cũng đã tìm được cho công ty một giám đốc điều hành mới mà trong những điều kiện bình thường khó mà có được.
Điều gì đã giúp bạn vượt qua thử thách? Cá tính bản thân đóng góp bao nhiêu phần trăm cho năng lượng để bạn vượt qua và đi tiếp?
Tôi nghĩ cá tính của tôi, sự nỗ lực của từng cá nhân trong công ty, niềm tin, niềm hy vọng, sự chia sẻ, giúp đỡ của những người xung quanh đã giúp chúng tôi vượt qua được thử thách này và trở nên mạnh mẽ hơn.
Ở Vinacomm chúng tôi gọi chung những điều đó là “tình yêu”. Mà trong tình yêu thì không có khái niệm phần trăm, chỉ có thể nói yêu thực sự hay không mà thôi. Tình yêu thực sự luôn giúp người ta làm được những điều kỳ diệu dù ở trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.
Những người lớn - những người tham gia quản lý, ban giám khảo và cố vấn, có sự giúp đỡ và động viên các bạn sau sự cố này không?
Trong chuyện này, chúng tôi thấy rất được động viên khi luôn nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của hầu hết những “người lớn” mà chúng tôi biết. Họ có cái nhìn vấn đề rất chính xác, hiểu biết và tích cực. Tuy không được giúp đỡ một cách cụ thể nhưng đây chính là một yếu tố quan trọng củng cố niềm tin của chúng tôi.
Chuyện của các bạn được giới trẻ quan tâm, song có lẽ chưa mấy ai biết sau những chuyện đã xảy ra như thế, các bạn đã đứng lên như thế nào. Thành thực mà nói, các bạn tự đánh giá lại con đường đã đi ra sao? Điều lớn nhất hay nói là “con cá to”, tức bài học mà các bạn thu được sau chuyện này là gì?
Sự cố này có thể tóm tắt trong một câu: nhóm iCMS đã không khai báo tên tác giả cuốn sách tham khảo khi dự thi TTVN 2003. Sau khi trả lại Cúp, nhóm iCMS đã liên lạc với tác giả Fraser và nhận được sự cho phép toàn quyền sử dụng cùng với lời “chân thành chúc 4 lập trình viên tài năng thành công” đăng tải tại chính website của ông.
Sản phẩm của chúng tôi đã được thị trường công nhận nên sau sự việc này nó chỉ chậm lại một chút rồi lại lấy được đà phát triển cũ nhờ những cố gắng không mệt mỏi của tập thể Vinacomm, và thậm chí còn ở phạm vi rộng hơn trước. Chỉ hơi mất công hơn trước đây khi phải giải thích để khách hàng hiểu hơn về vấn đề bản quyền, nhưng đây cũng là một điều tốt cho thị trường về ý thức sở hữu trí tuệ của người sản xuất lẫn người dùng.
Về con đường đã đi, chúng tôi tin rằng chúng tôi đã đi một con đường tất yếu trong bối cảnh non trẻ của nền công nghiệp phần mềm Việt Nam. Điều quan trọng hơn là bài học mà chúng tôi rút được: “Khi phạm một sai lầm, dù có hay không chủ ý, hãy nhanh chóng thừa nhận nó và khắc phục ngay tức khắc. Sau đó hãy biến nó thành động lực để tiến lên phía trước tạo ra các cơ hội mới”.
Các bạn nghĩ là mình thiếu thứ gì đó để thành công hơn, may mắn hơn hoặc là “trót lọt” hơn?
Chúng tôi không nghĩ là mình thiếu may mắn. Chúng tôi đã có thứ quan trọng nhất, đó là tình yêu và niềm tin chân thành vào công việc chúng tôi làm, sự may mắn hay bất cứ thứ gì khác không thể thay thế được.
Vinacomm trở thành công ty truyền thông từ bao giờ vậy? Liệu đây có phải là một sự đi theo trào lưu khi ở Việt Nam các công ty ban đầu là Tin học như FPT, VASC cũng mang tham vọng trở thành những công ty lớn trong lĩnh vực này?
Thế giới hiện nay đã thay cụm từ “Công nghệ thông tin” (IT) bằng “Công nghệ thông tin và truyền thông” (Information & Communication Technology - ICT). ICT sẽ có mặt khắp nơi và ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của xã hội Việt Nam, vì vậy chúng tôi mong muốn đóng góp tích cực vào quá trình này.
Cuối năm 2003, chúng tôi đã chuyển mô hình từ công ty Giải pháp phần mềm sang công ty Công nghệ và Truyền thông.
Hoàn toàn không phải theo trào lưu, đây là một chuyển đổi chiến lược và nó đang chứng minh được tính đúng đắn của mình. Hiện công nghệ của chúng tôi đang phục vụ cho hàng triệu lượt người trên khắp thế giới hàng ngày qua việc ứng dụng tại các cơ quan truyền thông lớn như tập đoàn truyền thông DR Đan Mạch, Đài Truyền hình Việt Nam, báo Thanh niên Online, báo Công an Nhân dân… và mới đây là tờ báo điện tử dantri.com.vn, một tờ báo mới ra đời một tháng nhưng đã lọt vào top 5000 trang web được truy cập nhiều nhất thế giới.
Điều quan trọng là chúng tôi làm tất cả những điều này với niềm say mê được liên tục tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới phục vụ cho đông đảo cộng đồng.
Trương Đình Anh, Giám đốc Công ty Truyền thông FPT, từng tuyên bố trước 40 tuổi sẽ trở thành Thủ tướng. Bạn thì thế nào? Dân IT có phải là hay “nổ” quá không?
Tôi là người giàu ý tưởng và ưa thích sự mạo hiểm nên thích hợp với vị trí của một người khai phá hơn là người điều hành. Còn về tuyên bố của anh Trương Đình Anh, tôi thấy rất đáng tôn trọng, và mong những người trẻ của hôm nay và ngày mai ngày càng dám tuyên bố những ước vọng của mình như thế mà không sợ bị cho là “nổ”.
Với tôi, việc bạn muốn làm Thủ tướng hay trở thành một vận động viên hàng đầu đều có giá trị như nhau, điều quan trọng không nằm ở cái đích mà là ở con đường, liệu bạn có dám nỗ lực hết mình để đạt đến mơ ước thời trai trẻ?
Mong muốn của tôi là những dịch vụ, sản phẩm của mình làm ra được ứng dụng khắp toàn cầu, đất nước chúng ta sẽ trở thành 1 trong 15 nền kinh tế hàng đầu thế giới trong 50 năm nữa. Cá nhân tôi đang cố gắng từng ngày để đến được với ước mơ của mình.
Cảm ơn bạn!
Nguyễn Trương Quý (thực hiện)
Sinh Viên Việt Nam