Vướng bận người yêu, nữ sinh “ngại” về quê ăn Tết
Với đa phần sinh viên, Tết là kì nghỉ lý tưởng để về quê sum họp bên gia đình. Thế nhưng, bên cạnh những bạn không có điều kiện về quê ăn Tết do hoàn cảnh khó khăn thì lại có không ít bạn kiếm cớ ở lại thành phố vì không nỡ xa… người yêu!
Mẹ ơi, Tết này con không về
N là sinh viên của một trường ĐH có tiếng ở Sài Gòn. Từ trước khi nhà trường thông báo lịch nghỉ Tết, N đã gọi điện về báo với mẹ Tết này không về vì tìm được việc làm lương cao. Mặc dù không muốn nhưng mẹ N gật đầu đồng ý bởi con gái năn nỉ ỉ ôi, "ở lại vừa kiếm được tiền, vừa học hỏi được thêm kinh nghiệm, tốt cho tương lai của con". Thế nhưng, N ở lại vì không nỡ để người yêu ăn Tết một mình ở thành phố.
Ngày mới yêu nhau, dù bị bạn bè ngăn cản, N vẫn cương quyết rời khỏi kí túc xá để dọn đến ở trọ gần người yêu cho tiện “chăm sóc” nhau. Mang tiếng ở gần nhau nhưng nhiều khi N dẫn người yêu về phòng ở lại mấy ngày, lúc thì N đến phòng người yêu ngủ lại qua đêm. Xóm trọ ai cũng biết, họ ăn ở gần một năm nay như vợ chồng.
Chuyện của N chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện của bạn trẻ ngày nay, vì mải chạy theo tình yêu nông nổi, họ đã thờ ơ trước niềm mong mỏi, ngóng trông của cha mẹ ở phương xa.
Không dám ở lại thành phố như N, nhưng M.X cũng cố mua vé tàu về thật muộn để tranh thủ ở bên người yêu những ngày cuối năm. M.X cho biết: "Gia đình cũng quan trọng nhưng còn đó chứ mất đi đâu mà sợ, về sớm dọn dẹp cực thêm, ở lại đây đi chơi với người yêu vừa lãng mạn lại vừa không sợ hắn tăm tia em nào!".
Tuy nhiên, không phải ai cũng có cuộc sống tốt như N và M.X. Bạn Nguyễn T.H là sinh viên năm cuối ĐH Văn Hóa mấy năm nay phải ngậm ngùi đón Tết xa nhà để tiết kiệm tiền đi lại. Vì quê ở xa (Thanh Hoá) nên từ khi vào đại học, H chưa bao giờ được ăn Tết ở quê.
Gia đình H có năm người thì ba người vào Sài Gòn kiếm sống, ở quê chỉ còn mẹ và em trai nhỏ. Những ngày Tết, sau khi được nghỉ học, H phụ khuân vác với bố, đến khuya còn tranh thủ xin một chân giữ xe ở chợ.
Tết, đâu phải ai cũng vui…
T có người yêu nổi tiếng ăn chơi, mặc dù nhiều lần cô quyết tâm chia tay nhưng đều bị hắn lúc thì dỗ ngon dỗ ngọt lúc thì đe dọa mà quay lại. Tết đến là lúc T lo sợ nhất, bởi người yêu cô rất mê sát phạt đỏ đen, cứ vài bữa lại ngửa tay xin tiền cô. Tiền không có, hắn lại đi ghi nợ. Sợ gia đình hay biết, lại thương người yêu, T đành cắn răng ở lại thành phố làm thêm để có tiền trả nợ.
Trong khi đó, S lại có nỗi khổ riêng. Chỉ ít ngày trước khi về quê ăn Tết, cô nàng phát hiện mình đang có thai, lúc đó người yêu cô đã về quê trước. Một thân một mình những ngày giáp Tết với cái thai đang dần lớn lên trong bụng, S mới thấm thía hết những nỗi đắng cay của thân con gái trót dại.
Những câu chuyện trên chỉ là một số trong rất nhiều trường hợp bạn trẻ ăn Tết xa nhà vì những lý do không đáng có. Dù ngoại mặt có cố tỏ ra vui vẻ và bình thản đến đâu thì chắc hẳn họ cũng không giấu được nỗi nhớ quê, nhớ cái Tết thân thuộc, ấm áp giữa chốn thị thành xa lạ…
Đâu phải ai cũng may mắn được hưởng một cái Tết sum vầy bên gia đình và những người thân yêu, đâu phải ai cũng còn cha mẹ, còn một mái ấm để ngóng đợi mình về mối lúc xuân về… Đừng để khi mất đi chúng ta mới thấy nuối tiếc và ân hận thì cũng đã quá muộn màng.
Theo Hồng Quân
Đất Việt