Vũ điệu trên cây đàn guitar

Percussive fingerstyle guitar, dòng guitar được coi mới nhất Việt Nam hiện đang “hớp hồn” giới trẻ. Dù là độc tấu nhưng việc người chơi đàn vừa tạo ra giai điệu chính, vừa đập gõ trên thân đàn để giả lập tiếng trống, khiến khán giả như đang được thưởng thức một bản hòa tấu của nhiều nhạc cụ.

Thú vị nhờ sự khác biệt

  

Percussive fingerstyle guitar (thường gọi là Fingerstyle guitar) mới có mặt ở Việt Nam từ 4 – 5 năm nay. Không giống như cách chơi guitar cổ điển, người chơi Fingstyle guitar có thể tận dụng tối đa tất cả các bộ phận trên cây đàn như dây đàn, thùng đàn để hòa trộn và kết hợp giai điệu, phần đệm và trống, giúp cho bản nhạc sống động và thú vị hơn. Chính vì thế, nghệ thuật chơi Fingerstyle guitar đòi hỏi tốc độ và sự khéo léo của đôi bàn tay nghệ sĩ cùng khả năng cảm âm thật tốt.

 
Tùng AG, một trong những người tiên phong đưa fingerstyle vào Việt Nam
Tùng AG, một trong những người tiên phong đưa fingerstyle vào Việt Nam
 

Tùng AG (sinh năm 1989, tên đầy đủ Đỗ Dương Tùng) là một trong những người tiên phong đưa dòng guitar mới này về Việt Nam. Anh bạn cũng là người sáng lập tổ chức VNFS (Vietnam Fingerstyle Guitar Organization).

 

Tùng cho biết, khi đang là sinh viên năm cuối, trường ĐH Phương Đông, bạn tình cờ được bạn bè cho xem clip Paddy Sun (Fingerstyle guitarist Trung Quốc) chơi bài Sunflower. Lúc đó, bạn thực sự bị cuốn hút bởi nhạc điệu cũng như cách chơi guitar “khác biệt”, đầy ấn tượng này.

 

Về nhà, Tùng xem đi xem lại clip đó suốt thời gian dài, càng xem càng thấy bị mê hoặc. Tìm hiểu thêm, Tùng được biết, cách chơi này thuộc phong cách Fingerstyle guitar. Ở nhà có cây đàn guitar classic (cổ điển) của bố nên Tùng lôi xuống tập tành, bắt chước theo clip.

 

Dù hình ảnh của clip khá mờ và khó xem, Tùng vẫn cố gắng tua chậm từng đoạn để xem Paddy Sun gảy dây nào, dùng ngón tay nào và dùng tai để cảm âm, nghe ra các nốt được sử dụng.

 

Sau 10 tháng kiên trì tập luyện, Tùng mạnh dạn đăng tải clip dạy chơi bài này lên YouTube và nó nhanh chóng gây được tiếng vang, cái tên Tùng AG được nhiều người biết đến hơn, bản Sunflower bạn chơi cũng được đánh giá là gần giống với bản gốc của Paddy Sun nhất.

 

Nhiều bạn trẻ liên hệ muốn gặp trực tiếp Tùng để được bạn hướng dẫn cách chơi. Bằng cách tập hợp những học viên đó lại, Sunflower Hội – tiền thân của VNFS ra đời, với mục đích tạo ra sân chơi thú vị, bổ ích cho những người có chung sở thích, đam mê với Fingerstyle guitar.

 

Tùng cho biết, với những người mới chơi, việc chọn đàn đóng vai trò quan trọng vì một cây đàn phù hợp sẽ góp phần tối ưu hóa việc bấm phím và di chuyển tay trái được linh hoạt. Đa số các guitarist hiện nay chơi Fingerstyle bằng đàn acoustic (đàn guitar mộc, không sử dụng điện).

 

Loại này thường có fretboard (cần đàn) nhỏ, dài; số lượng phím đàn trên fretboard nhiều hơn trên đàn guitar classic nên khi chơi Fingerstyle sẽ rất thuận lợi. Riêng đàn classic có fretboard khá to nên chỉ thích hợp để chơi cổ điển và đệm hát thông thường. Dây đàn được người chơi Fingerstyle chọn lựa là dây sắt vì độ vang của dây sắt tốt hơn dây nilon. Khi người chơi sử dụng các kỹ thuật đòi hỏi độ vang của dây đàn thì dây sắt sẽ phát huy tác dụng tốt nhất.

 

Nghệ thuật của tốc độ và sự khéo léo

 

Là một guitarist gạo cội, đến với Sunflower Hội từ những ngày đầu, đến nay, Nguyễn Danh Tú (năm thứ ba, Học viện Tài chính) đã có 6 năm cầm đàn và 4 năm gắn bó với Fingerstyle guitar. Tú cũng là người đứng ra “cân” hết các chương trình biểu diễn do Sunflower Hội tổ chức những ngày đầu, bởi khi ấy, tại Việt Nam, vẫn còn thiếu những guitarist có kỹ thuật tốt về dòng guitar này.

 

Theo Tú, Fingerstyle guitar xuất hiện cuối những năm 1980, được chơi đầu tiên bởi những nhạc sĩ người Mỹ. Sự thú vị của nó đã nhanh chóng “hớp hồn” nhiều người và lan tỏa ra nhiều nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc. Mỹ hiện vẫn được coi là “cái nôi” cho ra đời những kỹ thuật mới về Fingerstyle guitar.

 

Tú cho biết, việc chơi Fingerstyle đòi hỏi tốc độ và sự khéo léo nên những người đã có “vốn liếng” nhất định về guitar thì sẽ đơn giản hơn những người mới bắt đầu chập chững làm quen với cây đàn. Fingerstyle có nhiều kỹ thuật, trong đó, có một số kỹ thuật cơ bản như: Tapping, harmonic và slap harmonic.

 

“Các nghệ sĩ guitar khi chơi đàn thường dùng một ngón bấm, một ngón đẩy, riêng với Fingerstyle thì dùng một ngón để đánh ra tiếng, kỹ thuật này gọi là tapping. Harmonic gọi là âm bồi. Bồi âm cơ bản được người chơi dùng hai tay để tạo ra tiếng động giống như tiếng chuông. Slap harmonic thì dùng một ngón tay (có thể là ngón giữa) gõ vào khe 12 của phần đàn.

 

Kỹ thuật slap harmonic sẽ tạo ra 3 hiệu ứng: Tiếng gõ, tiếng bồi âm là tiếng trống và tiếng snare (dùng ngón tay dọc vào dây đàn). Ngoài ra, người chơi còn gõ vào thùng đàn, tại mỗi vị trí của thùng đàn lại tạo ra những âm thanh khác nhau và mọi người có thể tùy ý sáng tạo để tạo ra âm thanh phù hợp với bản nhạc”, Tú chia sẻ.

 

Phát triển cộng đồng Fingerstyle Việt Nam

 

Từ những thành viên nhỏ lẻ ban đầu, đến nay VNFS đã có hàng trăm thành viên, đa số là học sinh, sinh viên. Tổ chức đã có 6 cơ sở đặt ở những thành phố lớn và vẫn hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận. Các thành viên mới của VNFS ngày càng được trẻ hóa, trong đó có những em mới đang là học sinh THCS tài năng, có những ngón chơi Fingerstyle điêu luyện.

 

Những người chơi dòng guitar này đều khẳng định, sự kiên trì, mày mò và sáng tạo là những yếu tố mà người chơi Fingerstyle cần có. Bởi hiện nay, dù Fingerstyle đã phát triển mạnh mẽ song so với các dòng guitar khác thì nó vẫn “đuối” hơn, các clip dạy kỹ thuật Fingerstyle có trên mạng nhưng với số lượng còn hạn chế. Nếu không cố gắng, không thực sự thích thú thì rất dễ rơi vào cảnh bỏ dở giữa chừng.

 

Hiện VNFS đã tổ chức được một số cuộc thi và các buổi concert dành cho người hâm mộ Fingerstyle và nhận được nhiều cảm tình, phản hồi tốt. Với những bước tiến mau lẹ, những guitarist của VNFS luôn hy vọng, phong trào Fingerstyle tại Việt Nam sẽ có các bước phát triển mạnh mẽ và gây được tiếng vang trong cộng đồng Fingerstyle thế giới.

 

Theo Hồng Giang

Sinh viên Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm