Vũ điệu latin của cô gái trên xe lăn

Như mọi cô bé bình thường khác, từ khi lên năm tuổi, cô bé đến từ Sơn Tây (Trung Quốc) mang tên Trần Tư đã có mơ ước của riêng mình về tương lai. Cô ôm mộng trở thành vũ công, mặc quần áo đẹp và nhảy những vũ điệu quyến rũ trên sân khấu…

Những vũ điệu Latinh luôn được coi là "bảo bối" của giới vũ công trên toàn thế giới. Khi những chuyển động cơ thể của vũ công hòa quyện với những giai điệu Latinh, không chỉ người nhảy mà cả người xem cũng đắm chìm trong cảm xúc. Và những cảm xúc đó có lẽ còn được nhân lên gấp bội  khi trước mắt bạn, vũ công đang thực hiện điệu nhảy ấy lại là một cô gái trẻ ngồi trên chiếc xe lăn...

 

 

Hành trình ngoạn mục theo đuổi giấc mơ tưởng đã sớm lụi tàn

 

Như mọi cô bé bình thường khác trên thế giới, từ khi lên năm tuổi, cô bé đến từ Sơn Tây (Trung Quốc) mang tên Trần Tư đã có mơ ước của riêng mình về tương lai. Cô ôm mộng trở thành vũ công, mặc quần áo đẹp và nhảy những vũ điệu quyến rũ trên sân khấu.

 

Ngày 3/3/2000, khi cô vừa tròn 12 tuổi, một tai nạn bất ngờ xảy ra trong lúc cô bé đi qua đường sắt. Những cố gắng sau đó của gia đình và các bác sĩ đã cứu được tính mạng của cô, nhưng không cứu được cô khỏi số phận của một người tàn phế: cô đã mất cả hai chân.

 
Từ một cô bé rất thích cười và mau mồm mau miệng, Trần Tư trở thành một người cả ngày không nói không cười. Bảy năm trôi đi thật nhanh trong buồn bã, 19 tuổi, sau khi tốt nghiệp trung cấp, cô bắt đầu tìm kiếm việc làm nhưng luôn gặp phải thất bại.
 
Vũ điệu latin của cô gái trên xe lăn - 1
Trần Tư trên sân khấu với bạn diễn 

 

Cuối năm 2008, một món quà bất ngờ của cuộc sống đã đến với Trần Tư: Hội người tàn tật Trung Quốc đến tỉnh Sơn Tây tìm kiếm người cho đội khiêu vũ tàn tật. Trần Tư được Hội người tàn tật tỉnh Sơn Tây giới thiệu vào vị trí này.

 

Như người sắp chết đuối nhìn thấy chiếc phao cứu sinh, Trần Tư bắt đầu lao vào luyện tập với một cường độ và quyết tâm hiếm có. Dường như trong vòng vài ba ngày, cô muốn hoàn thành tất cả bài tập của cả một học kỳ.

 

Sức mạnh như được dồn nén từ ước mơ thuở nhỏ, từ những tháng ngày buồn khổ trên chiếc xe lăn, giờ đây được dịp bùng ra. Năm 2009, Trần Tư bắt đầu hợp tác với vũ sư Tôn. Cùng nhau luyện tập hai tháng, họ đến tham gia cuộc thi quốc tế Khiêu vũ trên xe lăn được tổ chức tại Bắc Kinh ngày 22/3/2009 .

 

Hai người đã đạt giải Ba trong phần thi Khiêu vũ Latin hỗn hợp (Rumba, Samba và Cha cha cha), đây là lần đầu tiên Trung Quốc giành được giải trong loại hình thi quốc tế này. Cũng trong năm đó, hai người đoạt giải Quán quân trong cuộc thi Khiêu vũ trên xe lăn thế giới lần thứ 8 toàn Nhật Bản.

 

Tháng 6/2011, cô bất ngờ nhận được lời mời tham gia chương trình "Tôi phải đến đêm xuân", lại đúng lúc người bạn nhảy mà Trần Tư đã quen thuộc là vũ sư Tôn bận công việc nên không thể cùng cô bước lên sân khấu chương trình được. Trần Tư và mẹ cô may mắn tìm được vũ sư Vương. Vũ sư Vương ban ngày phải lên lớp nên chỉ vào các buổi tối anh mới cùng Trần Tư luyện tập được.

 

Ban đầu anh cũng cảm thấy rất lạ lẫm vì chưa bao giờ anh có bạn nhảy là một người tàn tật. Nhưng sau khi tiếp xúc và tập luyện cùng Trần Tư, anh đã nhanh chóng bị sự kiên cường và niềm đam mê khiêu vũ của cô chinh phục.

 

Trong bài biểu diễn, vấn đề lớn nhất có lẽ là động tác xoay tròn 30 vòng của Trần Tư. Vì động tác này, cô tập luyện đến nỗi hai bàn tay rộp nước. Bạn nhảy của cô nói, để biểu diễn được những vũ điệu như mọi người nhìn thấy, Trần Tư thực sự phải nỗ lực gấp 10 lần những người bình thường như anh.

 
Vũ điệu latin của cô gái trên xe lăn - 2
Để biểu diễn được, Trần Tư phải nỗ lực gấp 10 lần những người bình thường.
 

Và những ước mơ nối tiếp ước mơ của một vũ công đặc biệt

 

Khi đã vượt qua được bản thân một lần để tỏa sáng trong những vũ điệu ngọt ngào dưới ánh đèn sân khấu, cô gái Trần Tư với sức mạnh không ngờ lại tiếp tục xây đắp cho mình những ước mơ mới với niềm tin tưởng mạnh mẽ như khi còn là một cô bé năm tuổi.

 

Ước mơ trước mắt của cô là được lựa chọn biểu diễn trong chương trình "Đêm xuân". Từ trước đến nay, chương trình "Đêm xuân" của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc vẫn được coi là sân khấu của các ngôi sao lớn. Nhưng từ năm ngoái, cơ hội để những  người khuyết tật được bước lên sân khấu lớn nhất và được theo dõi bởi hàng tỉ người Trung Quốc đã bắt đầu mở ra.

 

Để bước lên sân khấu này, bạn phải trình diễn trong chương trình "Tôi phải đến đêm xuân" và nhận được sự bình chọn của đông đảo khán giả. Với Trần Tư, việc có thể tham gia vào đêm diễn mừng xuân năm 2012 - năm con Rồng, còn là điều có ý nghĩa sâu sắc, bởi như cô nói, cô tuổi Rồng, năm 12 tuổi bị tai nạn cũng là năm Rồng, nên nếu cô thành công trong chương trình này thì đó sẽ là mốc đánh dấu sự vượt lên số mệnh của cô.

 

Trước khi đến với chương trình "Tôi phải đến đêm xuân", Trần Tư đã viết trên Blog những dòng sau: "Thượng đế rất công bằng, khi Người đóng một cánh cửa trước mặt bạn, thì Người cũng đồng thời mở ra một cánh cửa khác. Vài ngày trước đây, tôi có nhận được lời mời tham gia chương trình "Tôi phải đến đêm xuân".

 

Đây là một sự ngạc nhiên lớn, một sân khấu lớn. Sân khấu này không chỉ một lần nữa giúp tôi thực hiện được ước mơ của riêng mình, mà thông qua nó, tôi còn có cơ hội quảng bá cho bộ môn khiêu vũ trên xe lăn.

 

Tôi sẽ mãi mãi "đứng lên thật thẳng, bước đi thật đẹp". Với niềm tin mà cô đã có, chắc chắn Trần Tư không chỉ "đứng lên thật thẳng, bước đi thật đẹp", mà cô còn tiếp tục cống hiến cho khán giả những vũ điệu thật tuyệt vời.

 

Theo Vương Khâm

Phụ nữ và đời sống