“Vọng ước” của chàng trai gõ máy tính bằng đũa

(Dân trí) - Tại căn nhà “siêu mỏng” chưa đầy 8m² nằm sâu trong ngõ 111 Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội), chàng trai tật nguyền gõ máy tính bằng đũa Phí Quang Huy đang từng bước thực hiện ước mơ xây dựng tủ sách Vọng ước cho cộng đồng người khuyết tật.

Tuổi thơ không trọn vẹn

 

Sinh ra là một đứa trẻ khỏe mạnh, đáng lẽ Phí Quang Huy sẽ được hưởng một một tuổi thơ trọn vẹn như bao bạn bè cùng trang lứa, nhưng bất hạnh ập đến khi bố Huy đột ngột qua đời, gánh nặng gia đình đè nặng lên vai mẹ Huy. 10 tuổi, chứng teo cơ giả phì đại (Duchenne) do di truyền khiến Huy bị liệt phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều do người khác giúp đỡ.

 

Nói về quãng thời gian này, Huy chia sẻ: “Đó là cú sốc lớn nhất đời mình, khi bạn bè cùng trang lứa đến trường thì mình lại nằm một chỗ trong căn nhà bé nhỏ. Những lúc ấy, chỉ muốn chết đi để khỏi trở thành gánh nặng cho gia đình”.

 

Tình cờ, một ngày, Huy thấy trước cửa nhà mình có một mảnh báo viết về Terry Fox- VĐV Canada bị ung thư xương phải cắt bỏ một chân đã thực hiện cuộc chạy xuyên Canada để quyên tiền và kêu gọi sự chú ý tới việc nghiên cứu chữa trị ung thư, Huy như thấy mình mở được cánh cửa mới.
 
“Vọng ước” của chàng trai gõ máy tính bằng đũa - 1

Nụ cười lạc quan luôn thường trực trên môi chàng trai tật nguyền này

 

“Mình chợt thấy so với anh ấy mình chưa là gì cả. Những suy nghĩ tiêu cực trong mình bỗng tan biến hết, chỉ còn lại ước vọng sống mãnh liệt”. Cậu bạn kể lại.

 

Do sức khỏe yếu, lại thường xuyên phải đi chữa bệnh, nên Huy buộc phải dừng con đường học hành của mình khi mới tốt nghiệp tiểu học. Tuy vậy, với chàng trai tật nguyền này, dường như con đường đó mới chỉ thực sự bắt đầu.

 

Biết con trai đam mê ngoại ngữ từ nhỏ nên bà Nguyễn Thị Thanh Huyền (mẹ của Huy) đã tìm mua sách tiếng Anh về nhà để Huy tự học. Hằng ngày, bên cạnh những lời động viên, chăm sóc, bà còn giúp Huy lật từng trang sách, đồng hành cùng Huy trên từng chặng đường tri thức. Huy cho biết, chính nhờ tình yêu bao la của mẹ mà cậu có thêm dũng khí để sống tốt hơn.

 
Trong một lần làm rơi đũa, Huy chợt nảy ra ý định dùng đũa để gõ bàn phím. Thế là, trong căn nhỏ chưa đầy 8m² có ba người sinh sống đó, lại có thêm một chiếc máy tính nữa. Thời gian đầu, do chưa quen, cậu làm rơi đũa suốt. Bàn tay chỉ có ba ngón cử động được đau cứng vì phải giữ chặt đũa, nhiều chữ gõ bị chệch đi. Khó khăn lắm, Huy mới gõ được một đoạn văn bản ngắn.
 
Phí Quang Huy lên kế hoạch cho tủ sách "Vọng ước" bằng cách dùng đũa để gõ văn bản trên máy tính.
 
Thế nhưng, dường như những khó khăn ấy không làm Huy nhụt chí, mà càng thôi thúc cậu hơn bao giờ hết. Kết quả là, hiện tại, Huy là một trong những thành viên tích cực của Trung tâm Sống độc lập (Hà Nội).

 

Bên cạnh đó, Huy còn làm gia sư tiếng Anh tại nhà cho các em cấp 1, cấp 2; rồi tự học đồ họa, thiết kế website, tham gia cộng tác viết bài bình luận bóng đá, làm thơ,…cho các trang mạng xã hội và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người.

 

Tủ sách cho người khuyết tật

 

Năm 2009, Huy được chị họ giới thiệu với Đặng Thị Linh (Phú Xuyên, Hà Tây), một bạn nữ bị bại liệt từ nhỏ, phải gắn cuộc sống của mình với chiếc xe lăn, nhưng luôn lạc quan và tin tưởng.

 

Nghe Linh tâm sự về mong muốn, khát vọng được tiếp cận với tri thức, Huy chợt nảy ra ý định xây dựng tủ sách cho người khuyết tật, như một món quà nhỏ dành tặng người bạn gái đầy nghị lực cũng như những người khuyết tật khát khao học tập.
 
“Vọng ước” của chàng trai gõ máy tính bằng đũa - 2
Phí Quang Huy trong một lần thu thập sách cho tủ sách "Vọng ước"

 

Huy chia sẻ: “Là người khuyết tật và phải thôi học từ năm 10 tuổi, nên mình thấu hiểu đói tri thức khổ sở như thế nào. Vì thế, mình mong muốn làm một điều gì đó, nhỏ thôi, để giúp đỡ những người có hoàn cảnh giống mình”.

 

Nghĩ là làm, chàng trai bị teo cơ giả phì đại này liền phác thảo kế hoạch rồi cùng những người bạn tâm huyết đến nhà những người thân, họ hàng, bạn bè xung quanh khu phố,… để xin lại những cuốn sách cũ.

 

Nói về hành trình gom sách thành lập tủ sách của mình, Huy kể lại: “Người cảm thông và hiểu thì giúp đỡ mình tận tình. Còn những người chưa hiểu thì nhìn mình với ánh mắt ái ngại, và nghĩ mình đang lo chuyện bao đồng. Chưa kể lúc ốm đau, đi lại khó khăn. Nhưng cứ nghĩ đến một ngày nào đó, tủ sách được thành lập rồi, mình lại có thêm dũng khí để hoàn thành nó ”.

 

Dần dần, chàng trai đầy nghị lực ấy cũng đã chứng tỏ được rằng, bằng nhiệt huyết và quyết tâm, thì mọi khó khăn sẽ được đẩy lùi. Kết quả là, 25/10/2010, tủ sách dành cho người khuyết tật mang tên “Vọng ước” được thành lập tại Quang Lăng (Phú Xuyên, Hà Tây) do người bạn gái đầy nghị lực Đặng Thị Linh quản lý.

 
“Vọng ước” của chàng trai gõ máy tính bằng đũa - 3
Tủ sách "Vọng ước" tại Phú Xuyên
 

Khi được hỏi về cái tên “Vọng ước”, Huy cười thật tươi: “Vọng ước là những khát vọng, ước mơ của mình cũng như những người khuyết tật và các em học sinh nghèo qua trang sách, báo. Hi vọng nó sẽ mở mang kiến thức và dìu dắt họ thực hiện ước mơ”.

 

Mặc dù hiện tại, tủ sách Vọng ước mới chỉ có khoảng vài trăm đầu sách, thế nhưng đã trở thành địa chỉ tri thức mà nhiều người khuyết tật, người dân nghèo và các em học sinh ham đọc sách tìm đến.

 

Khi được hỏi về dự định trong thời gian tới, Huy hào hứng: “Trước mắt, mình muốn mở rộng và củng cố tủ sách Vọng ước ở Phú Xuyên. Tiếp đến, để thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận tri thức nhân loại, mình sẽ thành lập thêm một tủ sách Vọng ước nữa ở Hà Nội. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất chính là tìm địa điểm để đặt tủ sách. Nhưng mình tin, trong tương lai không xa, ước mơ ấy sẽ trở thành hiện thực”.

 

Hà Quyên