“Vòng kim cô” thời @
(Dân trí) - Sổ liên lạc luôn “mách lẻo” vi phạm, điểm kém của teen với bố mẹ. Nghĩ cách “đối phó” với cuốn sổ này cũng được xếp vào một “nhiệm vụ” trong năm học mới. Nhưng với sổ liên lạc điện tử thì thành “nhiệm vụ bất khả thi đấy”, G.Linh (1993, P.M) nói.
Trước đây, cuốn sổ liên lạc là phương thức thông dụng để bố mẹ và thầy cô trao đổi, nắm bắt tình hình học tập, tác phong của teen khi đến trường. Điểm kém, bao nhiêu lần lên bảng không thuộc bài, mất trật tự trong giờ, vào lớp trễ, mặc sai quy định… tất tần tật đều được “tường thuật” chi tiết. Và hiện nay, một số trường THCS đã triển khai thí điểm hình thức sổ liên lạc điện tử, nhận thông tin qua tin nhắn hoặc truy cập vào website.
Trăm phương ngàn kế cắt đứt “liên lạc”
Bố mẹ sát sao, thầy cô nghiêm khắc cũng là để các bạn học sinh chuyên tâm học tập, tránh lơ là ham chơi quá nhiều. Đa số các bạn học sinh chấp hành theo đúng quy định, liệt kê “thành tích” và đệ trình bố mẹ xin chữ ký xác nhận rồi nộp lại cho thầy/cô giáo chủ nhiệm.
Vậy là “quy trình” đã được hoàn tất. “Nó giống như một vòng tròn khép kín vậy: học sinh, bố mẹ, thầy cô. Cứ cuối tuần, mỗi học sinh phải “kê khai” đầy đủ điểm số các môn, vi phạm nếu có rồi về nhà xin chữ ký bố mẹ, sau đó nộp lại cho giáo viên chủ nhiệm. Nhưng dù sao thì ghi trên giấy vẫn còn lách được, chứ như trường đứa em tớ dùng sổ liên lạc điện tử theo hình thức tra cứu trên mạng hoặc nhắn tin thì chết chắc, hết đường sửa” - M.Trang (1994, G.V).
Bình thường điểm tốt, không có vi phạm thì chắc chắn bạn nào cũng vui vẻ tự giác khoe sổ, nhưng nếu “dính” lỗi hay điểm kém thì không ít bạn bày đủ mọi cách, nghĩ trăm phương ngàn kế để cắt đứt “liên lạc”. Học khá, thông minh nhưng chểnh mảng nên P. Đăng (1992, P.C.T) cũng nhiều lần lên bảng “xơi ngỗng”. Nhưng vì không muốn bố mẹ mắng, Đăng thường chỉ ghi những điểm tốt, sau đó đưa bố mẹ ký. Có được chữ ký rồi, cậu khéo léo ghi thêm điểm kém hoặc vi phạm của mình vào phần chỗ trống. “Thầy giáo tớ tinh lắm, chỉ nhìn thoáng qua chữ ký là biết giả hay thật ngay, nên thôi phải làm cách này cho chắc. Mà đâu chỉ mỗi mình tớ, gần như cả lớp đều lách luật mà”.
Nếu sổ có phần ghi chú, phê bình của thầy cô giáo thì cách “xưa như trái đất” mà vẫn được ưa chuộng là nhờ bà bán xôi, bán chè ký hộ. Vừa nhanh, vừa tiện lại vô cùng hiệu quả” - T. Đ. Nguyên (lớp 11, P.T.C) cười thản nhiên về những lần mình “cắt liên lạc hiệu quả”. Mặc dù cách này khá nguy hiểm với “tội danh” giả mạo chữ ký nhưng thực tế lại rất an toàn vì theo Q. Thư (1992, Đ. Đ): “Hai năm trót lọt rồi nhé, cô chủ nhiệm tớ chả bao giờ gọi điện đâu. Cả lớp gần 60 đứa thì kiêm sao nổi”.
Sửa điểm kém, giả mạo chữ ký đã trở thành “chuyện bình thường ở trường”. Các bạn trẻ thản nhiên cho rằng “từ 3 lên 8, 5 thành 9 đâu có sao. Chẳng qua hôm đó đen bị gọi lên bảng mà chưa ôn kỹ”, K. Tùng (L.T.V). Nhưng “chuyện bình thường” đã trở nên không thể coi thường vì nó đã làm cho các bạn có một thói quen xấu. Hành động, a dua theo sự gian dối sẽ hình thành trong suy nghĩ các bạn sau này, biến các bạn thành những con người quen sống với “hàng giả” và chấp nhận nó như một “điều tất yếu của cuộc sống”.
Sợ vì… không thể nói dối
“Vất vả” đối phó với sổ liên lạc là thế nhưng khi nghe đến phương thức tra cứu trên website thì “Cả lớp tớ phản đối lắm nhưng không phải vì lằng nhằng chuyện mỗi đứa được cấp một mã số, sau đó bố mẹ đăng ký số điện thoại di động để nhận tin nhắn và vào mạng tra cứu mà là sợ… không thể sửa nay nói dối được nữa”. Tự nhiên cả lớp lại ra sức bảo vệ cuốn sổ liên lạc” - D. Bình (11A7, H.T) nói.
“Chỉ cần một tin nhắn hay click chuột là bố mẹ biết hết à. Tụi lớp mình la ó cái “sổ” mới này lắm. Công nhận thời đại @ thì chắc chắn sẽ phải có những thay đổi hiện đại và nhanh chóng hơn về thông tin. Nhưng quan trọng vẫn phải là ý thức tự giác học của mỗi bạn phải thay đổi chứ không phải chỉ lo kiếm điểm tốt đối phó với cha mẹ” - ý kiến của hai bạn K.Yến và D.Bách (1992, L.Q.Đ).
Bằng cách truy cập vào hệ thống trả lời tự động, hoặc nhắn tin để nhận không chỉ thông tin của con mình mà còn cập nhật các hoạt động của trường, học phí hàng tháng. Cô Xuân An, phụ huynh học sinh trường Marie Curie (Hà Nội) tỏ ra hào hứng và hoanh nghênh sổ liên lạc điện tử: “Mỗi tháng cô chỉ cần đóng 10.000 tiền dịch vụ là có thể biết được điểm các môn học của con, ngày giờ học, lịch thi và các sự kiện, hoạt động của trường. Chứ trước kia, gọi cho cô chủ nhiệm cũng phiền lắm. Hay nhất là con cô không thể nói dối, giấu gia đình điểm kém”.
Một thầy giáo kể vui rằng: “Nhất quỷ, nhì ma thứ ba học trò. Nghịch ngợm, bướng bỉnh là bản tính của các em, nhưng bản chất vẫn trong sáng. Thầy cô phê và gửi sổ liên lạc về nhà cho bố mẹ là học sinh phải biết sợ, như Tôn Ngộ Không sợ vòng Kim Cô vậy. Cuộc sống hiện đại, nhiều bậc phu huynh bận bịu đi làm, không có thời gian kiểm tra bài vở, sổ liên lạc của con, nhiều em lại gian lận, nói dối cha mẹ. Thế nên gọi sổ liên lạc điện tử là vòng Kim Cô thời @ cũng không sai”.
Năm học mới đã bắt đầu với bao niềm hân hoan, hứng khởi, với những quyết tâm và dự định mới. Tự giác trong học tập và ý chí phấn đấu mới chính là chìa khóa của bạn. Mất một buổi đi chơi để ôn bài và đạt điểm tốt không quan trọng bằng việc đánh mất niềm tin của thầy cô và bố mẹ đâu, teen nhé.
Ly Vũ