Sinh viên với các di tích lịch sử:
Vô tư hay thiếu ý thức?
(Dân trí) - “Cái này là bệ thờ thần Youni, có từ thế kỷ 16 đấy, chụp ảnh đi tụi bây”. Vừa dứt lời, Long, sinh viên trường Đại học Khoa học Huế nhảy tót lên... lên ngồi chễm chệ để các bạn chụp ảnh.
“Muốn có ảnh độc, phải liều một tí”
“Ảnh thế mới khỏi đụng hàng chớ. Chụp ảnh mà cứ đứng nghiêm trang như chào cờ hát quốc ca thì bạn bè nó cười cho thối mũi”- một bạn sinh viên sau khi... cưỡi lên mình rùa ở đền thờ Văn Thánh - Võ Thánh (Huế) tâm sự. “Đôi khi cũng thấy hơi “phạm thượng” nhưng nghĩ tới độ “hoành tráng” của bức ảnh nên thôi. Mất gì của mình đâu chứ”.
Vách động ở Ngũ Hành Sơn (tỉnh Quảng Nam) ken đặc chữ.
1001 kiểu “dấu ấn để lại”
Một lần đến thăm danh thắng Ngũ Hành Sơn (Quảng Nam), người viết không khỏi giật mình khi đọc thấy đủ các câu với đủ kiểu chữ cũng như màu mực trên vách động. Đại loại như “Kỷ niệm hè 2002”, “Tôi đã đến - ĐHSP ĐN ”, “Giao mùa - 2002”... Điều đáng nói ở đây là những câu này được ghi cách đây hơn 5 năm thế nhưng bây giờ vẫn còn tồn tại.
Không những vậy lớp sau còn chằng chịt lên lớp trước. Có chỗ Ban quản lý di tích đã quét một lớp xi măng cùng màu với vách động nhưng chưa được bao lâu lại xuất hiện những dòng chữ mới. Đáng buồn hơn nữa khi phần lớn những câu chữ đó lại là của các bạn sinh viên, những người có ý thức và được giáo dục.
Viết, vẽ lên di tích, xả rác, nhổ bã kẹo cao su... có lẽ là chuyện không hiếm thấy khi theo chân các bạn sinh viên trong mỗi chuyến đi tham quan, thực tế. Dường như các bạn đều coi đó là chuyện bình thường và cũng là một cách ghi... “dấu ấn để lại”. Tuấn, cựu sinh viên trường Cao Đẳng Sư phạm Huế sau 5 năm trở lại chùa Thiên Mụ, hồ hởi chỉ vào dòng chữ trên khối chuông treo ở chùa: “Cái câu “kỷ niệm lần đầu đến Huế” này là mình viết từ năm nhất, ai ngờ đến bây giờ vẫn còn. Vui quá!”.
Cần giáo dục ý thức bảo vệ các di tích lịch sử cho các em ngay từ khi còn nhỏ.
Không có biện pháp xử lý
Một nhân viên bảo vệ ở khu di tích Đại Nội Huế cho biết, mặc dù ở trong các di tích đều đặt tấm biển “Vui lòng không sờ vào hiện vật” nhưng phần lớn các khách tham quan, chủ yếu là người Việt trong đó đa số là các bạn sinh viên dường như phớt lờ không quan tâm đến nó. Trong khi đó, bất cứ một hiện vật nào ở mỗi khu di tích nằm trong quần thể di tích Huế đều có giá trị và mang ý nghĩa lịch sử to lớn.
Hơn thế nữa, các nhân viên quản lý di tích cũng không thể xử lý những khách tham quan sờ vào hiện vật. Không lẽ phải cử người đứng canh trước mỗi bức tượng để nhắc nhở mọi người và phạt tiền những ai vi phạm. Vì vậy nên không thể nào quản lý được hết tất cả mà chỉ trông chờ vào ý thức của khách tham quan.
Tuy nhiên, với tình trạng như hiện nay, việc các di tích lịch sử ngày càng xuống cấp là một thực tế khó chống lại. Rõ ràng nếu mọi người, đặc biệt với các bạn sinh viên, những trí thức trẻ không có ý thức với di sản của cha ông để lại thì khó có thể bảo tồn cho các thế hệ sau được nguyên vẹn. Hơn nữa, vô tình chúng ta lại làm xấu hình ảnh của mình trong mắt những người khách du lịch nước ngoài. Thật đáng buồn khi chính họ, những người từ xứ sở khác đến nước ta lại có ý thức bảo vệ giữ gìn trong lúc chúng ta lại vô tư, vô tâm với “tài sản” của chính mình.
Lê Quang Minh