Virus thở than
“Học chán, yêu chán, cuộc sống buồn thật. Hà Nội lúc nào cũng chật hẹp, dòng đời bon chen mệt mỏi. Thò chân ra khỏi nhà thì tắc đường, đi thêm vài bước là “ăn quả lừa như chơi”. Mình không thể hòa nhập được, cảm giác không còn muốn phấn đấu nữa…”
Đó là lời than thở của T.M.A, sinh viên Kinh tế năm 3.
Virus than thở đã lây lan đến nhiều sinh viên khác. Và một từ gần như “cố hữu” được phát ra vô thức trong các cuộc chuyện trò là Chán!
Sinh viên từ tỉnh xa bước chân vào môi trường mới, đứng trước một thành phố lớn, nhộn nhịp nhưng xa lạ thì sự bỡ ngỡ là không thể tránh khỏi. Cuộc sống có thể có nhiều khó khăn, nhưng chính hiện thực ấy mới là người thầy “dạy dỗ” của sự trưởng thành.
Không ít thanh niên sống buông thả, hư hỏng để đến khi “sa chân lỡ bước” lại đổ tại “bản chất tốt nhưng dòng đời xô đẩy”. Lời biện minh có vẻ hợp lý nhưng ngây ngô. Họ là những thanh niên có sức sống, có tuổi trẻ chứ không phải như đám lục bình “ngơ ngác” trôi dạt trên sông. Cơ hội đến và đi. Nó sẽ chỉ ở lại với những ai biết đón nhận chứ không thụ động chờ đợi.
“Trẻ không chơi, già hối hận!” có người đã vin vào đấy để biện minh cho cuộc sống nhạt nhẽo của mình. Đáng ngạc nhiên là rất nhiều người trong số họ có tư chất thông minh, gia đình khá giả. Chỉ có điều họ sở hữu một sức ỳ quá lớn. Họ đang mắc một căn bệnh chung là sự dựa dẫm, ỷ lại. Vào đâu? Vào chính những “ô dù” to tướng được dựng lên để che chắn, vào “ông bô - bà bô” đã lo sẵn cho họ công việc, thậm chí cả tương lai phía trước.
“Bố mình là phó tổng biên tập một tờ báo lớn. Mình đang là sinh viên, trước kia cũng háo hức muốn viết điều tra nọ, phóng sự kia nhưng là thân con gái, giờ đã có bố sau này lấy chồng dựa vào chồng là được rồi. Thế nên chỉ viết những gì nhỏ nhẹ, không động đến ai, vừa không mệt lại đỡ thiệt thân” - M.L tuyên bố.
Bây giờ dựa vào bố mẹ, sau này dựa vào chồng, về già dựa vào con. Dường như những cô gái trẻ ấy đã có đủ “tam tòng” - như cái cách mà họ nói. Nhưng không biết đến bao giờ họ mới thoát khỏi thân phận con tằm trốn kỹ trong vỏ bọc được tạo nên bởi bàn tay người khác.
Tất cả những suy nghĩ ấy đã làm nên những tính cách yếu đuối, những tâm hồn trẻ bị “lão hóa”, thậm chí “chết yểu” trước tuổi của mình. Trong khi đó, cuộc sống hiện đại hối hả không có chỗ cho những vi trùng buồn chán.
Đừng để tên mình trong list những “cụ già” ở tuổi 20 phơi phới!
Theo Xuân Quỳnh
Sinh Viên Việt Nam