"Vì yêu cứ đâm đầu", nhiều bạn trẻ phớt lờ cảnh báo nguy cơ
(Dân trí) - Quá mù quáng trong tình yêu, nhiều bạn trẻ bất chấp các dấu hiệu tiêu cực, cảnh báo "red flag" nhằm duy trì mối quan hệ.
Hiện nay, trên mạng xã hội lan truyền thông điệp về những "red flag" cần phải chú ý trước khi bắt đầu một mối quan hệ. Từ khóa này xuất hiện ngày càng nhiều trên các nền tảng như Twitter hay TikTok. Thậm chí, một vài kênh còn được xây dựng nhằm mục đích liệt kê những red flag mà mọi người cần đề phòng.
Bắt nguồn từ những lá cờ đỏ được sử dụng trong quân sự để cảnh báo nguy hiểm, red flag (cờ đỏ) là thuật ngữ dùng để chỉ những tín hiệu nguy hiểm mà mọi người cần tránh xa.
Ngày nay, thuật ngữ này được nhắc tới nhiều hơn, như red flag trong tình bạn, trong công việc, nhưng phổ biến nhất vẫn là trong tình yêu.
Hầu hết red flag bắt nguồn từ những hành vi tiêu cực gây ảnh hưởng cho người khác cả về thể chất lẫn tinh thần. Việc nhận biết red flag giúp các bạn trẻ có thể bảo vệ bản thân khỏi những năng lượng xấu cũng như giải thoát khỏi những mối quan hệ độc hại.
Tại sao người trẻ phớt lờ red flag?
Dẫu biết đằng sau red flag là những nguy hiểm tiềm tàng ảnh hưởng tới mối quan hệ, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn phớt lờ.
Theo ý kiến của Tiến sĩ Lawrence Josephs (Đại học Aldelphi, New York, Mỹ) trên kênh Psychology Today, nhiều người tin rằng các red flag không thể hiện đúng bản chất của đối phương như những gì họ tưởng. Họ còn cho rằng những sai sót mà người kia gây ra đều có thể sửa chữa được. Chính vì những lầm tưởng ấy, một kẻ lừa tình có thể trở thành người chung thủy, kẻ bạo hành bị tưởng nhầm là người tử tế, kẻ ích kỷ lại có thể được đồng cảm...
Nguyễn Huyền Trang (18 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Mình từng trải qua một mối quan hệ rất độc hại, khi mà người kia liên tục nói dối. Mình bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ này trong thời gian khá dài; có những ngày chúng mình cãi nhau liên tục, khiến hôm sau mình không tiếp thu được kiến thức ở trường và kết quả học tập bị ảnh hưởng.
Mình nhận thức được là mối quan hệ này đem lại nhiều điều tiêu cực, nhưng vẫn cố gắng duy trì, bởi mình tin rằng người kia sẽ thay đổi vì mình, để cả hai có thể cùng nhau tốt hơn. Thật may là sau này, mình có thể dứt ra khỏi mối quan hệ đó, bởi mình đã đợi rất lâu nhưng không hề có sự thay đổi".
Tương tự, Trần Vân Anh (19 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Mình nghĩ nhiều người phớt lờ red flag là do ấn tượng ban đầu của họ về mối quan hệ quá tốt".
"Trước đây, mình có quen một người. Ban đầu, người đó đối xử rất tốt với mình, khiến mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Dần dần, bản chất của người đấy bộc lộ, sẵn sàng sử dụng những lời lẽ nặng nề để đáp trả mình. Đó là lúc mình nghĩ cần phải chấm dứt mối quan hệ này. Dù vậy, mình vẫn khá tiếc khoảng thời gian ban đầu", Vân Anh nói.
Tiến sĩ Lawrence Josephs cho biết: "Tính cách của con người về cơ bản là không thể thay đổi. Nếu có, sự thay đổi đấy sẽ diễn ra rất chậm theo năm tháng, thậm chí là cả thập kỷ. Vì vậy, những gì bạn thấy sẽ chẳng bao giờ có thể thay đổi, và tốt nhất là bạn nên dừng lại. Red flag là những dấu hiệu cho thấy vấn đề có thể xảy ra. Nếu bạn tiếp tục phớt lờ chúng, những vấn đề trong mối quan hệ sẽ không bao giờ khắc phục được".
Vân Anh cũng nêu quan điểm: "Mình nghĩ các bạn đừng nên phớt lờ các red flag, bởi nếu cứ tiếp tục đâm đầu vào chúng, bạn sẽ mãi bị mắc kẹt trong một mối quan hệ độc hại. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới bạn mà còn tới các công việc xung quanh nữa".
Huyền Trang lại cho rằng mặc dù biết bảo vệ bản thân mình khỏi vượt quá red flag là điều quan trọng, nhưng cũng cần nhìn vào khía cạnh tích cực của các mối quan hệ, chứ không nên chỉ tập trung tìm kiếm những lỗi sai từ phía đối phương.
Như vậy, bạn trẻ cần phải dứt khoát trong việc phát hiện và tránh xa những red flag xuất hiện trong mối quan hệ của mình, thay vì phớt lờ chúng với mong muốn có thể cứu vãn tình trạng của bản thân mình.