Vì sao những nhân vật ảo hút fan trên mạng xã hội nhiều hơn cả người thật?
Liam Nikuro có 14.400 người hâm mộ trên Instagram nhờ bức ảnh thời trang đường phố. Cô gái Imma Gram - người mẫu cho các thương hiệu cũng là ngôi sao trên TikTok. Không ai trong số họ là người thật.
Các nhân vật do máy tính tạo ra ngày càng phổ biến với người dùng internet. Theo báo cáo của HypeAuditor, năm 2019, những nhân vật ảo có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội thường thu hút tỷ lệ tham gia tương tác của người dùng cao gấp 3 lần so với những ngôi sao là người thật.
Báo cáo từ nền tảng cung cấp các số liệu về Instagram cho thấy 32,1% fan của những nhân vật ảo là nữ và độ tuổi từ 18 đến 24.
Có nhận thức xã hội và thể hiện bản thân qua những bài đăng công khai, nhưng những nhân vật này hoàn toàn là sản phẩm của công nghệ.
Cô gái tóc hồng Imma Gram thường xuyên đăng tải những sản phẩm hot nhất của Dior, là người mẫu quảng cáo đắt sô và cũng là ngôi sao TikTok. Nàng mẫu ảo này cũng lên tiếng ủng hộ "Black Lives Matter" - chiến dịch chống bạo lực và phân biệt chủng tộc với người da màu.
Những nhân vật ảo như imma gram cũng tạo được dấu ấn trong ngành thời trang. Năm 2018, nhà sản xuất M từ công ty CGI có trụ sở tại Tokyo, đã tạo ra imma gram, với ngoại hình giống như búp bê.
Làm người mẫu cho các thương hiệu như Burberry, Bape và Dior, imma có hơn 202.000 người theo dõi. Trên trang cá nhân Instagram của cô có đầy hình ảnh từ các buổi chụp hình chuyên nghiệp và bìa tạp chí.
Anh trai của cô, plusticboy, cũng được tạo ra vào năm 2018. Hai anh em cùng xuất hiện trên các bảng quảng cáo ở Tokyo và cũng làm người mẫu cho Puma x Sly, một chiến dịch hợp tác giữa hai nhãn hiệu thể thao và quần áo Nhật Bản.
Ý tưởng về những nhân vật ảo có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội bắt đầu vào năm 2016 tại Mỹ, với sự xuất hiện của Miquela Sousa, hay Lil Miquela. Đến nay, Miquela đã có hơn 2,4 triệu người theo dõi trên Instagram.
Miquela là người có tiếng nói trước các vấn đề xã hội và đã làm việc với các thương hiệu thời trang lớn như Prada và Calvin Klein - một người có tầm ảnh hưởng thực sự. Năm 2018, tạp chí lối sống Anh Dazed thậm chí còn gây tranh cãi khi thuê cô làm biên tập viên nghệ thuật khách mời.
Làn sóng những nhân vật ảo cũng đang nổi lên từ Singapore và Trung Quốc.
Là một phần của dự án sinh viên, Reyme Husaini, 27 tuổi, tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Singapore La La La, đã tạo ra một nhân vật ảo có tên Ava Gram hồi tháng 4 năm nay.
Husaini dự định cho Ava tham gia các cuộc tranh luận về quyền của người đồng tính và bất bình đẳng chủng tộc.
Về mặt thương mại, anh nói thêm, các nhà tiếp thị thích sử dụng những nhân vật ảo hơn vì họ dễ kiểm soát hơn người thật và có thể thực hiện chỉnh sửa ảnh dễ dàng hơn nhiều.
Hirokuni Genie Miyaji, người tạo ra Liam Nikuro, chia sẻ: "Khoảng cách giữa những nhân vật thực và ảo ngày càng thu hẹp. Mặc dù bạn có thể nhìn thấy thông tin họ là ảo ngay trên phần giới thiệu, vẫn có nhiều người hỏi: "Bạn có thật không? Hoặc, không thể tin rằng người nổi tiếng mà họ đang theo dõi lại không thực sự tồn tại."
Gần đây, Imma Gram đã được giới thiệu trong một chương trình trò chuyện trên truyền hình Asahi và lúc này một số fan mới nhận ra rằng cô ấy là một người ảo.
Gần đây, Imma Gram đã được giới thiệu trong một chương trình trò chuyện trên truyền hình Asahi và lúc này một số fan mới nhận ra rằng cô ấy là một người ảo.
Liam Nikuro - nhân vật ảo nam đầu tiên có sức ảnh hưởng lớn đến từ Nhật Bản, xuất hiện vào tháng 4 năm 2019. Được gắn nhãn là ca sĩ và nhà sản xuất, anh chàng có lượng người theo dõi trực tuyến đáng kể - 14.400 fan trên Instagram - nhờ những bức ảnh thời trang đường phố và chăm chỉ đăng bài tương tác.
Người sáng tạo ra Liam, Hirokuni Genie Miyaji, cho biết Liam là có một nửa là Nhật và một nửa Mỹ. "Chúng tôi đã khảo sát khoảng 100 người về những người nổi tiếng và hình mẫu yêu thích của họ, sau khi thu thập các câu trả lời, chúng tôi quyết định sáng tạo ra Liam chủ yếu dựa trên "hoàng tử nhạc pop" Justin Bieber và thêm các đặc điểm của nhóm nhạc đình đám châu Á BTS châu Á."
Liam thường đăng ảnh đời thường của chính mình, giống như bất kỳ người có ảnh hưởng nào khác: trong phòng tập, ăn mì ramen hoặc có thể là chơi bóng rổ...
Mẫu nam ảo này sống cuộc sống của một người nổi tiếng ở Los Angeles, đi chơi với các ngôi sao như ca sĩ Mỹ Post Malone và tham gia cùng DJ Hà Lan San Holo trong các chuyến lưu diễn. Liam cũng có kế hoạch ra mắt một số ca khúc của riêng mình.
Miyaji cho biết Liam được tạo ra với mục đích giúp chống lại vấn nạn bắt nạt qua mạng (cyberbullying) ở Nhật Bản.
Khi Hana Kimura - một đô vật và là ngôi sao của show truyền hình nổi tiếng trên Netflix "Terrace House", tự sát hồi tháng 5 vừa qua, có thông tin rằng cái chết của cô có liên quan tới các vấn đề về bắt nạt trên mạng và sức khỏe tâm thần. Miyaji nói rằng công ty muốn sử dụng Liam để giúp đỡ những người đang gặp vấn đề về tâm lý như vậy.
"Chúng tôi muốn đứng lên vì những điều như thế. Nếu có một nhân vật ảo mà ai đó có thể nói chuyện, chúng tôi tin rằng nó sẽ giúp cứu họ. Liam có thể là người để trò chuyện, người đưa ra lời khuyên."
"Tôi mong muốn có thể đem đến điều gì đó tốt đẹp cho thế giới này." - Liam đăng tải trong một bài đăng. Người theo dõi có thể gửi trực tiếp tin nhắn qua Instagram để tâm sự về một ngày hoặc chỉ để đơn giản là được ai đó lắng nghe."
Sắp tới, Liam sẽ được sáng tạo giọng nói để có thể nói chuyện với mọi người. Hiện tại, nhân viên sẽ trả lời các tin nhắn Liam nhận được chỉ sau 1 giây.
Theo Trang Thu
Tiền phong