Vì sao người trẻ "thoát fan", quay lưng với thần tượng?
(Dân trí) - "Việc bị những người từng hâm mộ mình quay lưng lại chỉ trích là hậu quả mà nghệ sĩ đó phải gánh chịu, cũng là bài học cho chính họ và cho cả những nghệ sĩ khác".
Những ngày vừa qua, dư luận không khỏi xôn xao trước "cuộc chiến" giữa ca sĩ Đông Nhi cùng fan của chính cô. Nhiều người từ chỗ hâm mộ cô ca sĩ này đã đòi "thoát fan" (hành động không còn là người hâm mộ của ai đó nữa) và thậm chí có người trở thành anti-fan. Vậy những người thoát fan liệu có "đáng sợ" như những gì cư dân mạng đồn thổi hay không?
Trải nghiệm thoát fan "để đời" của người trẻ
Bùi Thanh Hà (20 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ về câu chuyện thoát fan để đời trong "sự nghiệp làm fan girl" của mình: "Mình thoát fan vì idol (thần tượng) đăng bài ủng hộ đường lưỡi bò. Điều này làm mình cảm thấy những người hâm mộ Việt Nam không được tôn trọng và giống như một lời tuyên bố "Tôi không cần fan Việt" vậy".
Chia sẻ về hành động sau khi thoát fan của mình, bạn cũng nói thêm: "Mình đã gom hết những đồ liên quan đến "idol cũ", bỏ vào một cái hộp rồi đem cất vào một góc. Không đem vứt không phải vì tiếc nuối kỉ niệm hay lưu luyến gì mà vì mình thấy tiếc… tiền. Đối với một học sinh lớp 7, những thứ đó là cả một gia tài. Sau vụ này, mình cũng không trở thành anti-fan hay gì cả, người ấy với mình chỉ giống như "người dưng qua đường" thôi".
Khác với Hà, Phạm Thu Hằng (20 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) rời khỏi cộng đồng fan vì cảm thấy thần tượng của mình sau khi được nhiều người biết đến liền trở nên "mất chất": "Mình thấy người ấy có những lời nói, hành động quá khác so với trước. Vì mục đích để câu view và quảng cáo nên người đó không còn giữ được những nét mình thích như hồi xưa. Vậy nên mình lựa chọn "thoát fan", không còn quan tâm nhiều đến người đó nữa".
Hậu thoát fan: Có nên quay lưng và chỉ trích thần tượng cũ?
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Dương Hương Giang (22 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Cá nhân mình không tán thành hành động này. Nó giống như là chia tay xong nói xấu người yêu cũ vậy. Chưa biết được chúng ta có được lợi lộc gì trong chuyện này hay không, nhưng mình thấy trước hết nó đã tạo nên cho chính mình một hình ảnh không đẹp. Hơn nữa, khi chúng ta có những cảm xúc tiêu cực rồi bộc phát thành những hành động như vậy thì có thể sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của chính mình. Đó là lí do mình lựa chọn không làm điều đó".
Tuy không ủng hộ, Giang vẫn rất cảm thông và thấu hiểu cho những người lựa chọn con đường này: "Phần nào đấy mình vẫn rất thấu hiểu cho các bạn. Khi cảm xúc bị tổn thương quá nhiều thì đó là cách họ vượt qua cảm giác đau buồn, tiếc nuối cho tình cảm, tâm huyết mình đã bỏ ra vì một người đã làm ta thất vọng".
Bùi Linh Trang (22 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng rất đồng cảm với việc nhiều bạn trẻ sau khi thoát fan đã chỉ trích thần tượng cũ. Trang cho rằng đây là quy luật của cuộc sống và là một điều dễ hiểu: "Khi một người mình từng yêu thương làm mình thất vọng thì việc mình quay lưng lại với họ hay thậm chí là tẩy chay thì đó là điều hết sức bình thường. Đó là hậu quả mà người làm idol phải gánh chịu và cũng là bài học cho những idol khác".
Hâm mộ và "anti" như thế nào cho văn minh?
Có những người vì quá thất vọng về thần tượng của mình nên đã lựa chọn không quan tâm hay ủng hộ sản phẩm của thần tượng cũ. Song, bên cạnh đó cũng có những bạn đã lựa chọn chuyển sang phe đã từng là "kẻ địch" của mình - trở thành anti-fan (ngược với người hâm mộ, là người có thái độ ghét bỏ một nghệ sĩ nào đó). Vậy, trở thành anti-fan thế nào cho đúng cách, cho văn minh?
Trả lời cho câu hỏi này, Khuất Thị Thanh Hằng (20 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) nêu quan điểm: "Với mình, khi bất kì thần tượng nào vi phạm những quy chuẩn về đạo đức, thái độ sống hay thậm chí là coi thường khán giả thì chúng ta nên tẩy chay triệt để những hoạt động, sản phẩm của thần tượng. Điều này nhằm để cho họ ý thức được hành vi sai trái của mình. Tuy nhiên, làm anti-fan cũng phải có ý thức, không thể vì ghét người ta mà buông những lời lẽ miệt thị về đời tư cá nhân của họ được, sai ở đâu thì chúng ta lên án ở đấy. Đối với mình, những bạn có hành vi như thế rất… "trẻ trâu" và thiếu văn minh".
Đồng quan điểm với Thanh Hằng, Ngô Minh Cường (20 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng bày tỏ mạnh mẽ trước vấn đề này: "Anti thì cũng phải anti đúng cách. Dù ghét người ta đến đâu thì chúng ta cũng phải lên án họ với một lí do chính đáng và hợp lí thay vì hùa theo hiệu ứng đám đông. Giống như việc Sơn Tùng chụp ảnh chiếc áo ở dưới biển. Nhiều anti-fan liền nhảy vào bảo Sơn Tùng "xả rác" trong khi concept này đã có rất nhiều người chụp. Mình thấy trong câu chuyện này cũng có rất nhiều người đồng quan điểm với mình".
Đành rằng việc công kích, tẩy chay ai đó là điều trước giờ vẫn không được xã hội ủng hộ nhưng khi chúng ta đặt trong mối quan hệ giữa thần tượng và người hâm mộ, đó lại là tiếng nói của sự tổn thương khi họ cảm thấy không được tôn trọng, yêu thương như cách mà họ từng làm với thần tượng của mình. Tuy nhiên, tiếng nói ấy cũng cần được cất lên một cách hợp lí, đúng đắn thay vì vi phạm vào đạo đức, văn hóa.
Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Hãy cho chúng tôi biết ở phần bình luận bên dưới.