"Vẽ" tranh bằng... lửa

Theo đuổi niềm yêu thích “vẽ” tranh từ lửa ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất, cho đến nay, Huỳnh Quốc Tuấn (năm thứ tư, khoa Kiến trúc Mỹ thuật, chuyên ngành Thiết kế Nội thất, trường ĐH Công nghệ TP. HCM) đã có hơn 3 năm trong nghề.

Không ngừng sáng tạo


Tuấn đang vẽ tranh bằng lửa.

Tuấn đang vẽ tranh bằng lửa.

Tuấn chia sẻ, vẽ vốn là đam mê của cậu từ nhỏ. Quan sát học hỏi từ thầy cô đến bạn bè, Tuấn nhận ra, mỗi người đều có những sáng tạo đặc biệt khi vẽ tranh. Anh bạn trẻ mong muốn, những bức tranh của mình cũng sẽ có nét đặc biệt, in đậm dấu ấn cá nhân.

Một lần, trong quá trình làm món quà thủ công tặng bạn, Tuấn vô tình làm cháy đồ. Những vết tích của ngọn lửa in hằn lên giấy bỗng thu hút Tuấn bởi hình thái vô cùng tự nhiên và ấn tượng.

Cậu liên tưởng đến việc sử dụng chính ngọn lửa làm công cụ cho những bức tranh của mình. Lên mạng tìm kiếm thông tin và học hỏi, Tuấn dần tổng hợp kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau trên thế giới.


Một số tác phẩm của Tuấn.

Một số tác phẩm của Tuấn.

Bức vẽ thử nghiệm đầu tiên của Tuấn được thực hiện khá gian nan, cậu phải nháp thử hàng chục lần. “Vẽ tranh lửa đòi hỏi phải thử nghiệm nhiều lần mới quen tay. Tuy gia đình không khó khăn gì nhưng việc thử nghiệm rất tốn kém, do giấy cháy khá nhiều, hầu hết mình đều tự chi, ngại xin ba mẹ.

Đôi khi phát sinh cháy nổ, mình bị bỏng nhưng cũng không dám nói vì sợ ba mẹ lo. Mình còn phải tiếp xúc với khí độc và hóa chất trong quá trình mày mò nghiên cứu đốt ra màu”, Tuấn chia sẻ.

Nếu những bức tranh thông thường được vẽ bằng cọ, với màu nước, sơn dầu thì những bức tranh đặc biệt của Tuấn đòi hỏi nhiều công đoạn phức tạp hơn, trong đó, khó nhất là điều khiển ngọn lửa trong quá trình đốt.

Lửa không thể xóa và sửa, khi cháy cũng lan rất nhanh và chỉ cần mất kiểm soát, cả bức tranh sẽ phải bỏ để “vẽ” lại từ đầu. “Mỗi bức tranh là một tác phẩm độc nhất, vì lửa, khói, gió là không cố định. Chính mình cũng không thể “vẽ” lại được một tác phẩm thứ hai”, Tuấn cho biết.


Một bức tranh vẽ bằng lửa về Nhà thờ Đức Bà (TP. HCM).

Một bức tranh vẽ bằng lửa về Nhà thờ Đức Bà (TP. HCM).

Đưa tranh lửa ứng dụng vào nội thất

Cũng chính sự độc đáo này làm nên nét riêng giá trị cho những tác phẩm của Tuấn. Người xem tranh của Tuấn chia sẻ cảm nhận là những bức tranh rất có hồn, đem lại cảm giác khoan khoái, tự nhiên, có nét nhẹ nhàng nhưng cũng mạnh mẽ.

“Những bức tranh của mình thường được “vẽ” theo sở thích cá nhân, cũng có khi “vẽ” theo đặt hàng của khách yêu tranh. Nhưng gần đây, vì muốn công việc của mình ý nghĩa hơn, giúp được nhiều người hơn nên mình bán một số tác phẩm để gây quỹ hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn”, Tuấn tâm sự.

Tuấn cho biết, sau khi tốt nghiệp, cậu sẽ tiếp tục phát triển đam mê và đưa vào công việc để tạo phong cách riêng cho bản thân.

Tuấn cũng tiết lộ mong muốn tận dụng thế mạnh ngành học để mở một không gian café từ vật liệu tái chế và cây xanh, kết hợp trưng bày phòng tranh cá nhân, tạo điều kiện cho những bạn có chung đam mê đến cùng giao lưu, học hỏi.

“Không thể xóa và sửa, chỉ cần một vết nám sai cũng sẽ phải “vẽ” lại từ đầu. Tranh lửa đòi hỏi người “vẽ” phải điều khiển khéo léo ngọn lửa, khói, gió, thay vì cọ vẽ như khi vẽ các bức tranh thông thường”, Tuấn cho biết.

Theo Phạm Văn

Sinh viên Việt Nam