Về núi trồng lan

Đã từng học gần 10 năm ở 2 trường nghệ thuật tại Hà Nội và làm việc tại Đoàn nghệ thuật của tỉnh nhưng Mã Bảo Chung (tỉnh Cao Bằng) vẫn trở về gắn bó với núi rừng quê hương để sống cùng đam mê: phát triển nghề trồng lan.

Chung là một trong 150 gương mặt thanh niên ưu tú được nhận giải thưởng Lương Định Của, năm nay.

 

Đường học dài đằng đẵng

 

Trường đầu tiên Chung học là CĐ Nhạc họa Trung ương. Thuở ấy, anh chàng nhiều tài lẻ đã gây ấn tượng với mọi người bởi khả năng chơi guitar điêu luyện như sử dụng đàn tính hay thổi sáo.

 

Anh sinh viên dân tộc Tày còn nổi bật ở các lần thi thanh nhạc, với các bài dân ca hay ca khúc truyền thống cách mạng. Tốt nghiệp, Chung vẫn còn muốn học nữa nên tiếp tục thi vào trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Gần 10 năm bám trụ ở Hà Nội, đường học hành của Chung đã dài hơn so với bạn bè cùng trang lứa.

 

Ra trường, Chung về công tác tại Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng. Nhưng khoảng thời gian làm việc ở đây chỉ kéo dài chừng 8 tháng. Chung rốt cuộc, lại về với núi với rừng của mình.
 
Mã Bảo Chung. Ảnh: Báo Cao Bằng.
Mã Bảo Chung. Ảnh: Báo Cao Bằng.

 

Đầu tiên chỉ là trồng hoa để chơi, giờ thì anh trở thành ông chủ vườn lan rộng lớn, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hỏi rằng, anh có thấy tiếc nuối về quãng thời gian học tập đằng đẵng để rồi lại đi làm việc không đúng với chuyên môn, Chung bảo, anh thấy hài lòng vì mỗi giai đoạn của cuộc đời, anh đều được sống với đam mê. Ngày trước là thanh nhạc, bây giờ là lan. Quê hương, núi rừng và vườn lan lúc nào cũng có sức lôi cuốn kỳ lạ.

 

Đường lên núi nở hoa

 

Chung kể, đầu tiên, anh chỉ trồng chơi vài trăm giỏ lan. Nhưng do không có sự đầu tư đúng mức, lan của anh chết lụi chết tàn.

 

Cao Bằng tứ bề là núi và Chung bắt đầu những chuyến “phượt” rừng. Có những chuyến đi, mang đủ lương thực, Chung có thể ở trong rừng cả tuần. Anh tìm lan, rồi quan sát kỹ lưỡng từ khí hậu, thổ nhưỡng đến những “thói quen” đặc biệt của từng loài lan.

 

Chung bảo, đừng bao giờ bắt lan đi theo mình, mà mình phải theo lan, nghĩa là tôn trọng những yếu tố tự nhiên của loài. Chung đi từ huyện này đến huyện khác để học cách trồng lan.
 
Mã Bảo Chung bên vườn lan của mình.
Mã Bảo Chung bên vườn lan của mình.

 

Có những thời điểm, Chung phải bỏ đi 2 tạ hoàng thảo, 50kg phi điệp, đều là những loại lan quý có giá trị kinh tế cao. Nhưng rồi, khi thấu hiểu việc mình đang làm, mọi khó khăn ban đầu cũng trôi qua. Từ khoảng 30m2 ban đầu, giờ vườn lan của Chung đã rộng hơn 1.000m2.

 

Cả ngày, Chung cặm cụi với vườn lan, hầu như không cho mình thời gian nghỉ ngơi, trừ lúc ngủ. Chăm lan nhọc nhằn hơn nhiều loài cây khác. Chung bảo: Có những giò Giáng hương đuôi cáo giá từ 2,5 – 5 triệu đồng.

 

Trồng lan cũng cần cân nhắc thời điểm, từ tháng Hai đến tháng Sáu sẽ là khoảng thời gian lý tưởng để trồng lan. Có nhiều loài, phải áp dụng chế độ ẩm thường xuyên và ngày tưới 2 lần. Có những loài như Hoàng thảo Henry, vừa là loài lan đẹp, vừa là cây thuốc và không dễ trồng.

 

Có những loài lan đẹp lộng lẫy khi ở trong rừng nhưng đưa về đến nhà (cách rừng chừng 80km), khác khí hậu, thổ nhưỡng thì lụi tàn, héo úa. Nhưng vì yêu lan nên rất nhiều điều không thể đã biến thành có thể.

 

Sau khi nhận giải thưởng Lương Định Của, Chung càng có thêm động lực để lập ra những kế hoạch táo bạo cho vườn lan của mình.

 

Ngoài việc mở rộng vườn lan, Chung còn muốn mở thêm vườn lan ở các khu du lịch, lan tỏa tình yêu đến cộng đồng những người yêu lan, yêu núi rừng Việt Nam đầy hương sắc.

 

Theo San Hải

Sinh viên Việt Nam