Vẽ kể chuyện

Những bộ tranh theo hình thức “vẽ kể chuyện” đang lan truyền, gây sự chú ý trên cộng đồng mạng. Trước Quần Tim Đỏ và Mèo Lắm Lông của Hoàng Anh Đức, nhiều bộ truyện tranh theo hình thức này lan truyền “khí thế”, như: Sói mặt đơ và cô bitch quàng khăn đỏ của họa sĩ minh họa Tạ Quốc Kỳ Nam; Có một ngày buồn như thế của Hà Trần; Nhà số 43 – Mèo của Lê Trung Tiến; Thư gởi nỗi buồn của Thăng Fly…

Những câu chuyện được kể bằng tranh của các tác giả trẻ đều xuất phát từ những nhân vật đơn giản, nét vẽ đơn giản, diễn tả nhiều mối quan tâm, cảm xúc, góc nhìn của giới trẻ với những thay đổi nhanh chóng của cuộc sống, thích hợp với hình thức chia sẻ nhanh trên mạng xã hội.

Đó là những góc nhìn vui, hóm hỉnh, bất ngờ trong Sói mặt đơ và cô bitch quàng khăn đỏ, với câu thoại “Hoy đi nha!” trở thành câu cửa miệng của cư dân mạng, một thời gian. Đó là nhu cầu biểu hiện cá tính riêng, những cảm xúc “khó ở” trong lòng của Trung Tiến, qua Nhà số 43 – Mèo. Đó là câu chuyện giới trẻ ước mơ làm một điều gì đó vĩ đại nhưng chạm phải những giới hạn của Thăng Fly…

Vẽ kể chuyện - 1

Học viên lớp “Vẽ kể chuyện” ở Toa Tàu (TP.HCM).

 

Hào hứng với “vẽ kể chuyện”, cư dân mạng đã lập ra những câu lạc bộ đăng tải online những sáng tác của các bạn, như Câu lạc bộ Truyện tranh tự vẽ là nơi “tụ tập” của các fan anime – manga – chibi, designer, fan art…

Các lớp học vẽ kể chuyện offline cũng được triển khai nhiều nơi, như: Khóa học vẽ truyện tranh Idea Production ở Hà Nội, được triển khai hơn 3 năm qua; Vẽ kể chuyện ở tổ hợp giáo dục nghệ thuật Toa Tàu (TP. HCM), đã trải qua hơn 10 khóa…

Anh Đỗ Hữu Chí (họa sĩ Bút Chì, đồng sáng lập Toa Tàu) cho biết, học “vẽ kể chuyện” là học cách sử dụng nghệ thuật vẽ làm phương tiện biểu đạt ý tưởng và cảm xúc qua các câu chuyện bằng hình ảnh (visual storytelling).

Học viên sẽ được dẫn dắt từ những khái niệm cơ bản nhất của việc vẽ và kể chuyện, từ đó vượt qua nỗi sợ sai để khám phá tiềm năng tưởng tượng và sáng tạo của bản thân. Lớp học được vận hành theo hình thức bootcamp là mô hình học – chơi ăn – ngủ tập trung.

Trong vòng vài ngày, ở một nơi gần gũi thiên nhiên tách hẳn sự ồn ào vội vã của thành phố, học viên sẽ “nhúng mình” vào không gian và thời gian sáng tạo, được vẽ, được xem, được kể chuyện và nghe kể chuyện.

Với tính thể nghiệm cao, chuyển tải những thông điệp giản dị, không đặt nặng yếu tố nghệ thuật và dễ dàng chia sẻ qua mạng xã hội, “vẽ kể chuyện” đã và đang được người trẻ đón nhận với sự háo hức, thích thú.

Theo Xuân Huy

Sinh viên Việt Nam