Nghệ An:
Vầng trăng khuyết không thôi tiếng cười
(Dân trí) - “Đời chẳng có gì thì em phải vui thôi, chẳng lẽ buồn hoài cũng chán chẳng thay đổi được gì”, câu nói của em, chất giọng Quỳnh Lưu lanh lảnh làm chúng tôi xua tan đi mọi thứ xung quanh.
Bác Nguyễn Sỹ Bảy - chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Quỳnh mời chúng tôi đến thăm nhà dạy nghề cho người tàn tật Quỳnh Lưu. Ngôi nhà nhỏ mới xây xong ngay trong khuôn viên nhà một thành viên hội tại thôn 6 xã Quỳnh Văn, ở đó có một cô gái vượt lên ốm đau bệnh tật để thành cô giáo cho các bạn đồng cảnh với mình.
Bác Nguyễn Sỹ Bảy - chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Quỳnh Lưu là người xem cháu Nga như một "thiên tài" ở huyện miền biển này.
Nga mặc áo trắng hoa tím biếc, ngồi sát chiếu, cười tươi như con trẻ được nhận quà mẹ. Nga nhỏ thó, chưa tới 25kg chỉ thấy da và xương. Bố mẹ em, ông Đậu Đức Dự và bà Hồ Thị Nhã, là những người bao phen xuôi ngược kiếm tìm bệnh viện mong con mình lại được đi đứng. Số phận an bài, Nga chấp nhận, bố mẹ chấp nhận, em chỉ biết làm bạn với radio và ngẩn ngơ với những khung trời qua song cửa.
Nga không đi học, là chị đầu sau 3 đứa em, Nga học lỏm của em mà thành thạo con tính con chữ. Càng lớn, ấy là về tuổi (Nga sinh năm 1983) còn người thì vẫn nhỏ bé yếu ớt, Nga thèm muốn học một nghề làm kế sinh sống, chứ chẳng muốn gia đình phải nuôi nấng mình như con trẻ.
Năm 2012, em đánh liều ra Thủ đô theo học một lớp dạy nghề thêu và làm tranh giấy cuộn. Mấy tháng lăn lộn, nhờ hoa tay có sẵn, em mang được nghề về quê.
Tháng tháng em nhận mẫu của người đặt hàng rồi tẩn mẩn ghép những lọn giấy, dán bằng thứ keo sữa thơm phức, thành hình bức tranh gửi ra Hà Nội cho người ta bán.
Nga làm tranh giấy cuộn đầy say mê, hào hứng và.. mệt nhọc. Em chỉ cử động được một cánh tay. Cánh tay kia không giơ lên được, em dùng nó như giá đỡ hỗ trợ cho cánh tay khỏe hơn.
Mỗi bức tranh bán ở quê thì vài ba trăm, còn nếu ở Hà Nội thì đến 5,6 trăm “nhưng mà làm gì được như thế, đầu ra mới là quan trọng, làm mà không có ai mua thì chịu”, Nga bẽn lẽn.
Trong căn nhà dạy nghề còn thơm mùi sơn mới, những bức tranh giấy cuộn của Nga được treo trang trọng. “Những cái mẫu này em tìm hiểu trên mạng, rồi nhờ các em học ngoài Hà Nội phô tô màu chuyển về vì ở chỗ em không có. Em làm theo nguồn họ đặt hàng”, Nga nói.
Ngoài làm tranh khổ lớn, Nga còn làm cả thiệp. Mùa Noel này, thiệp họ bán 20-25 ngàn một cái, mỗi cái Nga nhận được 9-10 ngàn. Đáng lẽ em sẽ có thu nhập khá, nhưng mùa đông năm nay lạnh tê tái, “em ốm một cái nên nghỉ luôn hai tháng” Nga thủ thỉ.
Nga bóp bóp cổ tay, cười xòa: “Bao giờ em đau chân nhức tay là biết trời sắp chuyển lạnh”. Nụ cười của em không làm người đối diện có cảm xúc thương cảm, mà làm cho người ta cái cảm giác dễ gần đến lạ. “Đời chẳng có gì thì em phải vui thôi, chẳng lẽ buồn hoài cũng chán chẳng thay đổi được gì”.
Nga bên bức tranh ghép từ những sợi giấy.
Hiện, tại ngôi nhà dạy nghề của hội, Nga đang chỉ dẫn từng bước cho các bạn cùng cảnh ngộ, 3 bạn ở Tân Kỳ, 3 bạn Nghĩa Đàn và 2 bạn ở trong huyện Quỳnh Lưu.
“Em chỉ có ước mơ lớn nhất là khỏe mạnh để sống bên bố mẹ, để làm những gì có ích giúp được bạn bè. Em là Nga, nhưng trên mạng mọi người hay gọi Hằng Nga, em chỉ thiếu chú Cuội mà thôi”, em cười lém lỉnh.
Trước khi chúng tôi chia tay ra về, Nga nhắn nhủ: "Cho em gửi lời thăm hỏi, chúc báo Dân trí nhà anh luôn hàng đầu Việt Nam nhé. Em là "tín đồ" của báo Dân trí nhà anh đó...".
Nói đoạn, Nga lại cười cùng chúng tôi. Nga bảo tiếp: "Em là vầng trăng khuyết nên không nào ngơi tiếng cười cả, nhà báo à".
Nga bên bức tranh thêu dở của mình.
"Công việc luôn đem lại niềm vui cho em...", Nga cho biết.
Những bức tranh ghép từ ngón tay của Nga càng tăng thêm vẻ đẹp...
Một phòng tranh nho nhỏ của Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Quỳnh Lưu xây dựng cho Nga. Đây cũng là nơi trưng bày những bức trang Nga thêu được...
Nguyễn Duy - Danh Thắng