“Vàng anh” và “nghi can”
Cảnh sát chỉ mất 10 ngày để tìm ra những kẻ tình nghi đã phát tán đoạn phim về “Vàng anh”. Kết quả này cho chúng ta niềm tin, cho dù tính chất tội phạm là cướp ở dưới tiệm vàng hay tung tin trên internet, nếu lực lượng công an quyết tâm, thủ phạm đều có thể bị bắt. Tuy nhiên, bài viết này chỉ nói về “bản án” mà dư luận đang dành cho 4 sinh viên vừa bị khởi tố.
Sau khi bị khởi tố, 4 nghi can là sinh viên được dẫn ra “cho nhà báo quay phim”. Ngay lập tức, hình ảnh và thông tin về nhân thân của họ tràn ngập trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Mấy năm gần đây, báo chí vẫn thường che mặt và đưa tên tắt những thường dân bị bắt, nhưng không hiểu sao đã không làm vậy với 4 sinh viên này. Luật pháp của Việt Nam không ràng buộc. Nhưng chúng ta cũng nên cân nhắc, bởi nếu tiếp tục như vậy, “danh dự và nhân phẩm” của các bị can, rõ ràng, đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Điều 72 của Hiến pháp tuyên bố rằng, không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực của toà.
Nhưng, không chỉ vụ “Vàng anh”, số phận pháp lý của nhiều công dân, trên thực tế, thường được định đoạt, không phải sau khi bị toà tuyên, mà tự nó đã bị “kết liễu” kể từ khi công an bắt đầu “phối hợp” với báo chí.
Nếu như đoạn phim “Vàng anh” vừa qua bị coi là “văn hoá phẩm đồi truỵ”, hành động “truyền bá” nó, rõ ràng là phải bị xử lý theo pháp luật hiện hành. Truyền thông cũng không thể nào đứng ngoài các diễn tiến liên quan đến sự kiện này. Nhưng, nếu như chúng ta đã từng đồng ý với đề nghị “đừng giết Vàng anh”, một trong hai tác giả của đoạn phim. Thì chúng ta cũng không thể không đối xử “nhân bản” tương tự với những người mà hành vi của họ, cho dù rồi có bị tuyên là có tội hay không, cũng có rất nhiều khả năng là do “bồng bột”.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, giám đốc Công an Hà Nội đã nói về 4 sinh viên vừa bị bắt này, rằng: “Các cháu không phải lưu manh chuyên nghiệp. Khi được triệu tập, các cháu đã khai báo rõ ràng và nộp nhiều tang vật”. Theo nguyên tắc Tố tụng Hình sự thì trong trường hợp của 4 sinh viên này (không phạm một tội đặc biệt nghiêm trọng, không có ý định bỏ trốn và không hề cản trở điều tra), cảnh sát hoàn toàn có thể để họ “tại ngoại hầu tra” và chỉ cần “cấm đi khỏi nơi cư trú”.
Tất nhiên, những hành động như: còng tay bị can, đưa lên xe thùng hụ còi, cho mặc áo tù và đưa vào cách ly trong trại cũng có một ý nghĩa “trấn áp” nhất định. Nhất là với một loại tội phạm mà xã hội có thể chưa ý thức đầy đủ về tính nguy hiểm khi tiến hành. Nhưng, pháp luật không phải là một công cụ vô tri. Đưa một người trẻ tuổi mà nhân thân không tới mức phải “cách ly” vào nhốt chung với tội phạm, đồng thời bêu riếu họ trước công chúng, thì liệu có còn ý nghĩa cải tạo.
Bốn người bị khởi tố trong vụ án này không phải ai cũng có hành vi nguy hiểm như nhau để có thể tất cả đều bị bắt. Vụ án chỉ mới được khởi tố điều tra, chưa thể khẳng định ai mới thực sự là chủ mưu để áp dụng những biện pháp răn đe nghiêm khắc nhất. Tội liên quan tới “văn hoá phẩm đồi truỵ” áp dụng với cả các hành vi “làm ra”, “tàng trữ” và “truyền bá” nó. Một trong hai người “làm ra” đoạn phim “Vàng anh” là Vũ Hoàng Việt, con của một vị thượng tá, chánh văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội. Ông Nguyễn Đức Nhanh trấn an dư luận rằng, “mọi công dân đều phải bình đẳng trước pháp luật, cho dù người đó là con công an”. Tuy nhiên, dư luận không thể không nghi ngờ về khả năng khách quan của ông bởi khi chưa kết thúc điều tra, ông đã vội kết luận là “hai cháu Thuỳ Linh và Việt” không hề phạm tội.
Rất có thể Thuỳ Linh và Việt quay lại đoạn phim này không nhằm “mục đích phổ biến”, yếu tố để xem xét hành vi của họ có phạm tội hay không. Nhưng, cơ quan điều tra cũng không thể bỏ qua rất nhiều tình tiết có thể nhận thấy khi xem lại đoạn phim. Trong một số video clip, có thể nghe tiếng con trai nói “Đưa lên web nhé?”. Cần có một giám định để xem, tiếng nói đó có phải là của Việt nói với bạn tình hay không. Cái cách mà Việt đưa máy tính cho bạn bè mượn để từ đó đoạn phim bị lọt ra ngoài cũng cần được làm rõ: vì sao trong máy đang có một đoạn phim cần giấu kín mà Việt lại dễ dàng đưa nó cho những người bạn có trình độ máy tính không thua kém gì mình.
Tính nghiêm khắc của pháp luật nằm ở chỗ, mọi cá nhân, mọi hành vi có liên quan đều phải được điều tra, chứ không phải bắt một số người, đưa lên báo, để dư luận yên tâm là những kẻ phạm tội đều đã bị tóm gọn. Nhưng, cho dù có thêm những ai bị bắt thì cách hành xử của báo chí và các cơ quan tố tụng với họ cũng phải trên nguyên tắc coi những người vừa bị khởi tố chỉ là những người đang bị tình nghi.
Không phải tự nhiên mà cảnh sát ở những nước văn minh thường đội lên những người bị bắt một cái mũ trùm đầu bằng vải trước khi dẫn họ ra khỏi nhà. Đấy không phải là một hành động mang tính trấn áp, đấy là một hành động bắt buộc nhằm hạn chế tới mức tối đa sự phát hiện của công chúng đối với họ. Bởi nếu như sự tình nghi của cảnh sát là không chính xác thì hậu quả có thể giảm thiểu khi những người đó quay lại với cuộc sống bình thường. Đó là lý do đã có không ít quan chức (nước ngoài) mất chức chỉ vì gọi một người vừa bị bắt nào đó mà quên nói rõ họ chỉ mới là kẻ bị tình nghi. Không phải ngẫu nhiên mà Hiến pháp Việt Nam có điều 72. Toà án đã trả tự do, tuyên vô tội cho hàng chục nghìn người, trong đó có những người đã bị giam giữ nhiều ngày; trong đó, có những người đã bị báo chí mô tả như những kẻ giết người, những kẻ lưu manh ngay từ khi vừa bị bắt.
Cuốn phim “Vàng anh” đúng là đã gây ra một ảnh hưởng xấu. Có không ít thủ phạm, nhưng cũng có rất nhiều nạn nhân. Pháp luật có nhu cầu phải được bảo vệ, dân chúng có quyền được thông tin. Nhưng, số nạn nhân của “Vàng anh” cũng đừng vì thế mà để tăng thêm một cách không cần thiết.
Theo Huy Đức
Sài Gòn Tiếp Thị