Vàng Anh đấy ư?

Mọi người đã quen với một Vàng Anh khác. Một Vàng Anh đã đi qua cái thời khi người ta trẻ. Một Vàng Anh, với con mắt tinh quái, với cái miệng cứ vanh vách xướng lên những ý nghĩ chỉ vừa mới ngọ nguậy trong đầu người ta.

Những ai đã đọc những bài tạp văn ký tên Thảo Hảo, đăng trên báo Thể thao Văn hoá, và biết Thảo Hảo không phải là một bà đanh đá nào đó mà chính là cái cô Phan Thị Vàng Anh, thì còn bất ngờ hơn khi đọc tập thơ Gửi VB của chị.

 

Giờ nằm im và ngửa cổ

cho đầu thõng xuống cạnh giường

đề phòng nước mắt có chảy

chầm chậm

ngược dòng

tuôn.

 

Vàng Anh đấy ư!

 

Mấy năm trước, đang sống yên ổn ở Sài Gòn, Vàng Anh đột ngột xách va li ra Hà Nội. Không mấy ai biết chuyện gì xảy ra. Mỗi khi gặp lại, thấy con mắt, cái miệng và giọng điệu của chị vẫn như cũ. Đâu ai nghĩ chị đang “tập làm thơ”. Đâu ai biết, trong căn hộ chị thuê ở Hà Nội, “ba năm rồi”, “quơ tay”, “không-sợ-đụng-nhầm-tay-ai”.

 

Bóng đèn cuối cùng của chung cư đã cháy

Dò dẫm đi lên những cầu thang ướt như bùn chảy

Cái điện thoại cả tối không một tiếng reng

Trong tay làm một ngọn đèn

Loạng choạng

 

Vàng Anh đấy ư!

 

Tôi đọc thơ Vàng Anh có chịu ảnh hưởng một chút (có lẽ từ chị) cái nhìn săm soi. Bèn tò mò: VB là ai nhỉ? Đọc bài thơ Gửi VB ở trang 36 thấy Vàng Anh và VB xem ra cũng rất thân thiết. Hai người đã cùng nhau đi đây, đi đó. Nhưng, chỉ khi đến Hà Nội họ mới thực sự bị gió Hồ Gươm “thổi cho xiêu vẹo”, như “thú nhận” của Vàng Anh. Dưới bài thơ đề ngày 24/12/2002. Nghĩa là VB cũng không phải là lý do để chị bỏ Sài Gòn ra Hà Nội.

 

Nhưng VB, tôi đoán, có lẽ cũng đã góp phần khiến cho chị trong những ngày lạnh lẽo ấy, cố nuốt lòng kiêu hãnh Vàng Anh để vừa tự hỏi, vừa thú nhận: “Não đàn bà làm bằng gì mà chỉ nghĩ chuyện tình yêu? /Chụm đầu nghiêm trọng như âm mưu chỉ để bàn về một người đàn ông bé nhỏ?. Vàng Anh, nghe nói, sắp trở lại Sài Gòn. Chị đã từng là một thần đồng, một nhà văn, là một quan chức văn nghệ và đang sắp sửa làm một vai trò quan trọng hơn của phụ nữ.

 

Theo như bài thơ in ở cuối tập, khi bắt đầu “học làm thơ”, Vàng Anh đã định viết sao cho nó bay bướm, cầu kỳ, cho giống những nhà thơ mà chị nói là “tôi ngưỡng mộ”. Rất may, như chị tự nhận là “tôi bất tài”, tập thơ vì thế chỉ gồm những câu chữ mộc mạc, những hình ảnh rất thật của hai con mèo “vắng mặt không có lý do”; là “tia nắng đúng chín giờ vào lọt khe cửa sắt”; là anh thợ khoá “một giờ sáng còn ăn cơm”; là anh xe ôm, hai giờ - vắng hoe - buồn bã. Lối nói mộc mạc bằng những hình ảnh rất thật ấy té ra lại “tố cáo” rất hữu hiệu một sự thật khác về Vàng Anh, một sự thật khác trong cô đơn thẳm sâu của một người đàn bà.

 

Cám ơn VB và cám ơn cái lý do “vớ vẩn” nào đó làm cho Vàng Anh xồng xộc chạy ra Hà Nội, rồi để chị một mình lạnh lẽo, để chị có tập thơ này.

 

Theo Huy Đức
Sài Gòn Tiếp Thị

 

Gửi VB

 

Chúng ta là cá và nước
Cá bơi và nước trôi

 

Chúng ta là bánh mì và chả lụa
Bán riêng và ăn chung

 

Chúng ta - hai kẻ ghét Hà Nội
Lại bồn chồn khi vào đến Cửa Ô
Sợ đường ra Nội Bài ngang qua những ruộng bắp
Lá ngày đông còn lưa thưa.

 

Chúng ta - hai vốc cát Quảng Trị
Hai ly trà đá Sài Gòn
Hai cái đầu tưởng lạnh như băng
Vào một ngày rất bình thường
Bị làn gió nhẹ góc hồ Gươm
thổi cho
xiêu vẹo.

24/12/2002

 

 

Ngủ

 

Nào cần gì phải đi xa
Lên giường nhắm mắt, cũng là đi chơi
Có khi mộng cũng núi đồi
Cũng sông, cũng biển, cũng thời trẻ thơ
Có khi gặp lại bất ngờ
Mấy người thiên cổ, mấy giờ cố nhân
Cần gì phải cất bước chân
Chỉ nghiêng mép chiếu đã gần đã xa

 

Lang thang hồn trước cửa nhà
Kịp về đúng lúc con gà gáy trưa.

 

 

Đã đến Huyền Mi. Bình an

 

đã bỏ vali vào tủ
và mắc quần áo lên
đã thử các công tắc đèn
chọn một màu vàng ấm nhất
đã xin lễ tân phích nước
pha bình trà cúc hăng hăng
đã vùi mình vào trong chăn
nghe tiếng còi tàu đang tới
u u
âm âm
rầm rập
rầm rầm
xa dần
xa dần
rồi
mất
đã mở tung cửa và tắt đèn cởi áo
nhìn xuống đường
đối diện có anh thợ khóa
một giờ sáng còn ăn cơm

hai giờ xe ôm buồn bã
ba giờ xung quanh ngủ cả
đóng băng cả những ánh đèn
ngày mai sẽ viết thư thêm...
giờ nằm im và ngửa cổ
cho đầu thõng xuống cạnh giường
để phòng nước mắt có chảy
chầm chậm
ngược dòng

tuôn.

 

2001

 

Trích thơ Phan Thị Vàng Anh
(Theo Tuổi Trẻ)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm