Ứng xử sao khi tình đầu tan vỡ?

Nhiều bạn tuổi mới lớn thất tình cứ mãi dằn vặt, khổ đau, học hành sa sút, thậm chí còn đánh ghen tàn bạo và hủy hoại bản thân.

Trong khi trên thực tế, với cả quãng đời dài còn ở phía trước, tình đầu không bao giờ là tình cuối.

 

Tình đầu dễ vỡ

 

Trong quá trình làm tham vấn học đường, chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Hoa nhớ nhất “thân chủ” tên B. (nữ sinh lớp 8, Q.3, TP.HCM) do cô bé này thường xuyên chia sẻ chuyện yêu đương.

 

Hôm thì nhờ giải mã ẩn ý của những bức thư hay bài thơ tình chàng gửi, hôm thì hỏi về cách xử sự của chàng. Bữa nọ, cô bé vừa bước vào phòng tham vấn thì khóc lóc thảm thiết vì bị chàng chia tay. “Tôi phải an ủi, động viên, chia sẻ suốt hai tháng ròng cô bé mới nguôi ngoai”, bà Hoa nhớ lại.

 

Một ca khác, H. (học lớp 11, Q.5, TP.HCM) đang thắm thiết cùng bạn gái thì bị mẹ nàng phát hiện, nàng nói lời chia tay khiến H. vô cùng đau khổ, học hành sa sút suốt cả học kỳ.

 

Còn T. (lớp 9, học cùng trường với H.) từng tuyên bố “không yêu ai”, nhưng rồi cũng “chết” vì một cô bé răng khểnh lớp dưới. Được ít lâu, T. đau khổ nhận ra nàng ấy không yêu mình. “Làm sao để thoát khỏi cảm giác nhớ thương hả cô?”, T. than thở cùng bà Hoa.

 

Còn thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cứ nhớ mãi ánh mắt lo âu của L. (17 tuổi, Q.6, TP.HCM). Cô bé này trước đó quen và chia tay với bạn trai cùng lớp, chàng muốn nối lại tình xưa nhưng L. không đồng ý.

 

Tức khí, chàng dọa sẽ tung “chuyện chúng mình” trước đây lên Facebook và gửi về gia đình L. những bức ảnh “mát mẻ” của nàng. “Cô bé muốn nhờ ba mẹ chuyển trường nhưng cứ lo người cũ không buông tha”, thạc sĩ Hiếu kể.

 

Nhưng đó chưa phải là những vụ thất tình buồn bã nhất của teen. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc từng nhận được lá thư của một nữ sinh lớp 8 như sau: “Em đã thương anh ấy hai năm nhưng hóa ra anh ấy quen em chỉ để gây ấn tượng với người con gái khác.

 

Sau hai năm chia tay, em vẫn không thể chịu được cảnh anh ấy tay trong tay với người khác. Em đã nhiều lần muốn tạt axít nhưng vì đạo đức nên tự nhủ không làm...”.

 

Các chuyên viên tâm lý có nhiều câu chuyện của teen về “tình cũ” đánh ghen “tình mới”. Ngược lại, một số teen khi bị “bồ đá” lại quay sang hành hạ chính mình. Họ đau khổ, dằn vặt, chán ăn, chán ngủ, học hành sa sút, thậm chí phải vào bệnh viện tâm thần. Vào tháng 4 vừa qua, báo chí còn đăng tải về một nam sinh lớp 7 ở Gia Lai đã thắt cổ tự tử chỉ vì nghi ngờ “vợ yêu” lăn tăn với một nam sinh khác.

 
Không là tình cuối
 

Không là tình cuối

 

Trong một buổi trò chuyện cùng các bạn tuổi mới lớn, thạc sĩ Trần Thị Ái Liên nhấn mạnh: “Điều nguy hiểm là teen cứ nghĩ tình đầu là tình cuối, từ đó hành xử như thể mất tất cả”.

 

Còn theo bà Minh Hoa: “Yêu ở tuổi học trò thường chỉ là thích nhau mà thôi. Do đặc thù tâm lý lứa tuổi, teen thích đấy rồi lại không thích, quen đấy rồi lại chia tay nhanh chóng. Nhiều teen yêu theo phong trào, thấy bạn bè cặp kè nên cũng muốn, thậm chí một số teen nữ còn quan niệm rằng “cặp” với các nam sinh lớp trên mới là sành điệu!”.

 

Theo thạc sĩ Khắc Hiếu, do ít trải nghiệm cuộc sống, chưa chín chắn trong suy nghĩ, lại thiếu các kỹ năng sống như thương lượng, hóa giải mâu thuẫn, quản lý cảm xúc nên một số bạn tuổi mới lớn chẳng những không nuôi dưỡng được tình đầu mà khi chia tay cũng dễ có xu hướng dùng bạo lực. “Gần như không ai dạy họ các kỹ năng đó, kể cả trong nhà trường, nên khi đụng chuyện teen chỉ biết dùng một cách duy nhất là bạo lực”, anh Hiếu nói.

 

Về phía gia đình, bà Minh Hoa cho rằng cha mẹ cần tôn trọng cảm xúc con cái; lắng nghe, chia sẻ, gợi mở để hiểu và định hướng suy nghĩ, cách ứng xử cho con. Còn theo GS.TS Vũ Gia Hiền, cha mẹ cần giải thích cho con hiểu rằng cảm xúc giới tính có thể chia ra ba cấp độ là thích, thương và yêu.

 

Trong đó thích là “món quà” cảm xúc đầu tiên, là sự rung động nhất thời và có thể thay đổi. Điều quan trọng nhất, theo ông Hiền, cha mẹ cần giữ bằng được “mối dây tình cảm” để con trẻ chia sẻ mọi chuyện với mình.

 

Ứng xử ra sao khi tình đầu trục trặc?

 

Học cách nuôi dưỡng tình yêu: quan trọng nhất là rèn kỹ năng giải quyết mâu thuẫn. Hãy đặt mình vào vị trí đối phương để hiểu tại sao người ấy làm như vậy. Việc gì thông cảm được thì hãy cho qua. Nếu việc đáng để giận, hãy chỉ giận đủ để cho người ấy nhận ra lỗi của mình và cảm thấy hối hận, sau đó hãy làm lành để hai bên hiểu nhau hơn. Đừng dùng sự chia tay như giải pháp đầu tiên cho mâu thuẫn trong tình cảm.

 

Đừng “ăn không được thì phá cho hôi”: vì đó là cách giải tỏa cảm xúc ích kỷ nhất. Cảm giác thỏa mãn hả hê chỉ là tức thời, nhưng ngay sau đó là cảm giác xấu hổ vì sự đê hèn của bản thân. Gieo gió sẽ gặt bão, hơn nữa sự trả thù không thể nào làm cho trái tim ta ngủ yên. Hãy xem sự thất bại ấy là một lần để ta có kinh nghiệm hơn, để trái tim ta chín chắn hơn, đâu cần phải làm tổn thương thêm người khác và chính mình.

 

Không gây tổn thương bản thân hoặc tự tử khi thất tình: có nhiều cách để giải tỏa cảm xúc, chọn cách này là thiếu bản lĩnh, bất hiếu và không biết yêu thương chính bản thân mình. Hãy xem chia tay là chuyện rất bình thường, đó là quá trình giúp ta tìm được “một nửa” thật sự của mình.

 

Hành xử đẹp khi chia tay: dù không còn yêu nhau nhưng vẫn giữ được tình bạn, xem lần chia tay ấy như một kỷ niệm đẹp trong đời.

 

Theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

 

Theo Thái Bình

Tuổi trẻ