Ứng dụng cách mạng 4.0 vào hoạt động tình nguyện

(Dân trí) - Một số giải pháp từ thực tiễn hoạt động tình nguyện đã được các đơn vị đúc kết và đề xuất với T.Ư Hội sinh viên nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động tình nguyện như: “chuyên môn hóa”, tăng tính liên kết tình nguyện, sử dụng mạng xã hội hay áp dụng cách mạng 4.0 vào hoạt động tình nguyện,...

Chiều ngày 23/10, trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức 4 diễn đàn: “Nâng cao chất lượng công tác triển khai phong trào “Sinh viên 5 tốt””; “Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục cho sinh viên”; “Sinh viên Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo” và “Phong trào tình nguyện của sinh viên Thủ đô trong thời đại mới”.

Diễn đàn có chủ đề “Phong trào tình nguyện của sinh viên Thủ đô trong thời đại mới”
Diễn đàn có chủ đề “Phong trào tình nguyện của sinh viên Thủ đô trong thời đại mới”

Trong đó, diễn đàn có chủ đề “Phong trào tình nguyện của sinh viên Thủ đô trong thời đại mới” được tổ chức tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương với sự tham gia của 89 đại biểu chính thức đại hội, 100 sinh viên tiêu biểu trong phong trào thanh niên tình nguyện.

Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của những thanh niên tiên tiến có hoạt động tình nguyện tích cực, đại diện các tổ chức tình nguyện tại các trường ĐH trên địa bàn thành phố được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, đưa ra những thực trạng còn tồn tại và giải pháp để giải quyết những vấn đề đó.

Anh Lại Thế Sơn - Phó Chủ tịch Hội sinh viên trường ĐH Xây dựng cho rằng, mô hình chiến dịch “Mùa hè xanh” trong một vài năm gần đây không có gì thay đổi nhiều, trong khi đó thời điểm hiện tại là thời kì bùng nổ của Cách mạng 4.0.

Chính vì vậy để bắt kịp, các chiến dịch “Mùa hè xanh” nên được áp dụng kết quả nền khoa học hiện đại. Ví dụ như đưa mạng xã hội vào công tác tuyên truyền, phổ cập thông tin để thu nhỏ khoảng cách giữa thanh niên miền núi và thành phố,...

Anh Trần Kiều - Chủ tịch Hội sinh viên trường ĐH Tự nhiên mong muốn cân đối lại khoảng thời gian tổ chức chiến dịch tình nguyện hè. Anh cho rằng hiện tại chiến dịch này được tổ chức vào tháng 6 và kết thúc vào cuối tháng 8, cao điểm rơi tháng 7, đây là khoảng thời gian chênh lệch với lịch học của các bạn sinh viên, đặc biệt là các trường học theo hình thức tín chỉ. Ngoài ra thời gian này thời tiết cũng không thuận lợi như mưa bão, thiên tai.

Đại diện Hội sinh viên trường ĐH Lâm nghiệp lại đưa ra một số đề xuất xây dựng quỹ hỗ trợ cho phong trào tình nguyện nhằm “khâu nối” các cơ quan, doanh nghiệp với tổ chức tình nguyện. Từ đó Hội sinh viên thành phố cho các cơ sở Đoàn trực thuộc những nguồn vốn để xây dựng chương trình hiệu quả hơn. Ngoài ra, cần phải tăng cường thêm các hoạt động tình nguyện quốc tế để có cơ hội giao lưu, hội nhập sâu rộng hơn.

Anh Trần Vĩnh Hòa - Chủ tịch Hội sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn
Anh Trần Vĩnh Hòa - Chủ tịch Hội sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn

Anh Trần Vĩnh Hòa - Chủ tịch Hội sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn nói về những tồn tại nhận thấy sau khi được trực tiếp tham gia làm tình nguyện viên cũng như giữ vai trò là điều phối tổ chức: “Thứ nhất, đa phần hoạt động tình nguyện hiện nay chưa có quy mô lớn mà mang tính tập trung, tốn kém chưa phù hợp.

Thứ hai là chưa đề cao yếu tố đặc thù tình nguyện, chưa khảo sát tốt nhu cầu của người thụ hưởng lợi ích của hoạt động tình nguyện. Chưa phát huy được hiệu quả sự đa dạng về chuyên môn của các đơn vị. Chưa giải quyết tốt vấn đề ở tại chỗ mà ham đi xa, đến những nơi vùng sâu vùng xa nhiều trong khi những nơi gần lại chưa được giải quyết tốt. Vì vậy mà mô hình hiện tại bị thiếu tính bền vững”, anh Hòa nói.

Anh Hòa cũng đưa ra 3 nhóm giải pháp đó là tập trung vào phát triển chuyên môn, đặc biệt là việc khảo sát, tránh tình trạng mang đến nơi tình nguyện những thứ nơi đó không cần, ngược lại lại làm mất đi những giá trị tốt đẹp vốn có tại đó. Tập trung đầu tư cho những mô hình tình nguyện riêng của các liên chi và câu lạc bộ. Cuối cùng là thu hút sự tham gia của các cán bộ giảng viên trẻ để đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi về mặt chuyên môn.

Các đại biểu đến từ nhiều đơn vị đã tiếp thu ý kiến đóng góp của những đại biểu nói trên, đồng thời thảo luận về tính ứng dụng của các ý tưởng trong thực tiễn. Đặc biệt ông Vũ Mão - Nguyên Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại quốc hội, Nguyên Bí thư thứ nhất BCH T.Ư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ủng hộ sáng kiến ứng dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài ra ông còn nhấn mạnh việc học ngoại ngữ cũng là việc cần được ưu tiên hàng đầu để các tình nguyện viên có cơ hội được giao lưu, học hỏi bạn bè quốc tế.

Kim Bảo Ngân