Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi ngày càng gia tăng

Khánh Vân

(Dân trí) - Theo thống kê của CDC Mỹ, hơn 1/3 số người bị "đột quỵ nhẹ" đều không được điều trị dứt điểm và trở nặng chỉ trong vòng một năm.

Ngày 12/3 vừa qua, người mẫu Hailey Bieber đã chia sẻ trên Instagram cá nhân rằng cô vừa trải qua các dấu hiệu của chứng đột quỵ khi đang ăn sáng với chồng.

Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi ngày càng gia tăng - 1

Hailey Bieber đã chia sẻ bệnh trạng của mình trên trang Instagram cá nhân vào ngày 12/3 (Nguồn: IG haileybieber).

Các bác sĩ đã phát hiện một cục máu đông nhỏ trong não của cô, đây cũng chính là nguyên nhân gây nên việc thiếu oxy. Hailey cũng cho biết cục máu đông đã tự tiêu và cơ thể cô bình phục trong vòng vài giờ.

Mặc dù Bieber đã bình phục, nhưng cục máu đông kia có thể dẫn đến đột quỵ do tai biến mạch máu não - nguyên nhân gây ra phần lớn các ca đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ của giới trẻ đang có xu hướng gia tăng. Dưới đây là những thông tin cơ bản mà bạn cần biết về đột quỵ ở người trẻ.

Có ba loại đột quỵ chính

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi máu bị tắc nghẽn qua động mạch đưa máu lên não. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, đây là kiểu đột quỵ phổ biến và thường gặp phải.

Kiểu đột quỵ thứ hai là "đột quỵ nhẹ", hay còn gọi là "cơn thiếu máu tạm thời", cũng gây ra bởi cục máu đông. Nhưng khác với kiểu đầu tiên, những cơn đột quỵ này chỉ chặn dòng máu từ não trong một khoảng thời gian ngắn, thường là 5 phút.

Dù không kéo dài quá lâu, nhưng "cơn thiếu máu não tạm thời" là lời cảnh báo về những cơn đột quỵ nặng về sau. Theo thống kê của CDC, hơn 1/3 số người bị "đột quỵ nhẹ" đều không được điều trị dứt điểm và trở nặng chỉ trong vòng một năm.

Đột quỵ do xuất huyết là kiểu thứ ba, xảy ra khi một động mạch trong não bị rò rỉ máu hoặc vỡ. Máu bị rò rỉ gây áp lực lên các tế bào não và làm tổn thương chúng. CDC cho biết, huyết áp cao và chứng phình động mạch là hai nguyên nhân có thể dẫn tới đột quỵ.

Tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ ngày một tăng cao

Theo số liệu Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) công bố hồi tháng 2 vừa qua, trong vòng 30 năm qua, tỷ lệ đột quỵ ở những người từ độ tuổi 49 trở xuống tiếp tục gia tăng ở các bang miền Nam và vùng Trung Tây của nước này. Ngược lại, số người từ 75 tuổi trở lên bị đột quỵ lại giảm.

Audrey C. Leasure, tác giả chính của nghiên cứu và là sinh viên trường Y thuộc Đại học Yale (Mỹ), cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng y tế cộng đồng sẽ xem xét để quan tâm hơn tới nhóm dân số trẻ, đặc biệt ở những khu vực có tỷ lệ đột quỵ gia tăng. Để giảm tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ, chúng tôi cần phát triển các biện pháp can thiệp phù hợp".

Phát hiện này xuất phát từ "Gánh nặng bệnh tật toàn cầu" (GBD) năm 2019 - nghiên cứu có quy mô lớn, được bình duyệt về xu hướng sức khỏe trên toàn thế giới. Năm 2019 đã ghi nhận 460.000 ca đột quỵ, và 2/3 trong số đó do thiếu máu cục bộ.

Theo AHA, trong năm 2016, trung bình cứ 3 phút 30 giây lại có một người chết vì đột quỵ. Các yếu tố gây nên đột quỵ (chẳng hạn như huyết áp cao hay tiểu đường mức độ 2) đang trở nên phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi và trung niên.

Theo Đại học Johns Hopkins (Mỹ), một số nguyên nhân khác gây ra đột quỵ có thể kể tới như bệnh tim, tiểu đường, béo phì, hút thuốc và cholesterol cao. Nguy cơ đột quỵ sẽ tăng theo độ tuổi, và tỷ lệ những người Mỹ gốc Phi tử vong hoặc để lại di chứng do đột quỵ cao hơn so với người da trắng.

Nhận biết các dấu hiệu của chứng đột quỵ

Theo Cleveland Clinic, các triệu chứng đột quỵ có thể viết gọn thành: BE FAST.

Nhà thần kinh học Blake Buletko khuyên rằng mọi người cần nhận biết, ghi nhớ các dấu hiệu. Ông chia sẻ: "Ta sẽ không thể lường trước được và loại trừ bản thân khỏi việc "không bị đột quỵ".

Balance (Cân bằng): Đề phòng việc mất thăng bằng đột ngột.

Eyes (Mắt): Lưu ý tình trạng mất thị lực ở một hoặc cả hai mắt.

Face (Khuôn mặt) : Để ý tình trạng sụp mí, không cân đối ở một bên mặt.

Arms (Cánh tay): Lưu ý nếu một cánh tay hoặc bên chân trông yếu hoặc tê.

Speech (Lời nói): Lưu ý xem có nói lắp bắp hoặc không rõ ràng hay không.

Time (Thời gian): Hãy nhanh chóng gọi cấp cứu nếu thấy ai đó gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong số này.

Theo www.npr.org