Tuyệt bút của người con hiếu thảo

Cố Hân, 22 tuổi, người Trung Quốc, vừa tốt nghiệp đại học và tìm được việc làm ở Bắc Kinh năm ngoái. Giã từ quê nhà, một trang trại nhỏ ở Giai Mộc Tư, thành phố phía đông bắc tỉnh Hắc Long Giang, anh lên thủ đô với bao giấc mơ ấp ủ: làm việc thật tốt, mua nhà, mua xe, rước cha mẹ lên phụng dưỡng.

Nhưng những giấc mơ ấy không bao giờ thành sự thật. Tháng năm năm nay, anh phát hiện mình mắc bệnh ung thư. Cha mẹ anh phải bán nhà, vay mượn để chữa trị cho con và đang mang nợ 200.000 NDT (tương đương 24.660 USD).

 

Ra đi, Hân không chút băn khoăn về số phận mình, nhưng không đành lòng nhìn cha mẹ già ở lại kiệt lực, trắng tay, không nơi nương tựa. Cố Hân không còn cách nào khác ngoài ký thác cha mẹ già cho lòng từ tâm của mọi người. Anh để lại một tuyệt bút.

 

Ba giờ sau khi lời kêu gọi của Cố Hân được phát lên mạng, anh đã ra đi mãi mãi (ngày 25/11). Những lời trăng trối của Cố Hân đã lay động lòng trắc ẩn của công luận Trung Quốc. Theo nhật báo Thanh Niên Bắc Kinh, chỉ trong 10 ngày đã có 75.000 người hưởng ứng lời kêu gọi, sẵn sàng giúp đỡ cha mẹ anh để anh hoàn thành tâm nguyện cuối đời.

 

Xung quanh câu chuyện của người con hiếu thảo này còn có nhiều chi tiết làm người khác xúc động. Bạn bè của Cố Hân cho biết anh dự định viết 50 bức thư gửi cho cha mẹ để họ có thể đọc trong suốt cuộc đời còn lại, như thể anh vẫn còn hiện diện trên cõi đời này. Nhưng quĩ thời gian của anh quá ngắn...

 

Dưới đây là những dòng nhức nhối của Cố Hân trước khi từ giã cõi đời.

 

Hãy cứu giúp cha mẹ tôi!

 

"Khi viết những dòng này, tôi biết rằng thời gian của tôi không còn nhiều. Nếu tôi là một ông cụ 80, con cháu đầy đàn, có lẽ tôi sẽ mỉm cười rời khỏi thế gian này. Tuy nhiên, tôi không cười nổi: tôi chỉ mới 22 tuổi.

 

Cơn ác mộng bắt đầu vào cái ngày định mệnh 8/5/2005, khi tôi được chẩn đoán ung thư máu.

 

Đời người thật không công bằng. Tại sao mọi điều xui xẻo lại đổ ập lên đầu tôi? Chính cha mẹ tôi đã cho tôi niềm tin để chiến đấu với bệnh tật. Họ ba lần về quê thu xếp tiền bạc, bán đi căn nhà duy nhất, cầm 300.000 NDT giúp tôi ổn định bệnh tình trong năm tháng.

 

Đối với những công nhân bị giảm biên chế ở nông trường như cha mẹ tôi thì đây là điều không tưởng. Vậy mà chính họ giúp tôi có thêm niềm tin vào sự sống. Lúc ấy tôi có một suy nghĩ rất ích kỷ, cố chấp, bằng bất cứ giá nào nhất định phải sống.

 

Nhưng khi bệnh tình trở nặng vào tháng mười một, tế bào ung thư tăng đến 80%, sốt cao 40 độ C liên tục không giảm, miệng bắt đầu lở loét, mỗi ngày phải đối diện với số tiền viện phí, thuốc men từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn NDT, nhìn vẻ mặt lo lắng, mệt nhọc của cha mẹ, tôi hiểu ra rằng cái chết đã gần kề.

 

Thế nhưng, cha mẹ tôi vẫn chưa chịu buông xuôi, họ yêu cầu hiến thận hay bán bất cứ cơ quan nội tạng nào cho bệnh viện để kiếm tiền ghép tủy cho tôi. Tuy nhiên, khi tế bào ung thư chưa được khống chế thì không thể nào tiến hành phẫu thuật ghép tủy, mà cho dù có ghép tủy thì chi phí chóng mặt để hóa trị, phẫu thuật cũng đủ khiến chúng tôi chùn bước.

 

Hằng ngày, tôi đều rất thích nghe bài hát Hít thở sâu của ban nhạc Vũ Tuyền, viết những lời an ủi cha mẹ trên quyển tập nhật ký. “Rồi con sẽ khỏi bệnh, sẽ cùng cha mẹ hít thở bầu không khí trong lành dưới ánh ban mai”. Hằng đêm tôi đều phải giả bộ thiếp đi để cha mẹ bên cạnh có thể đi nghỉ sớm. Tôi len lén hé mắt nhìn khuôn mặt thân quen nhưng tiều tụy của họ mà lòng đau như cắt, không nén nổi những dòng nước mắt chực trào.

 

Tôi biết rằng trên thế gian này người bất hạnh không chỉ là tôi. Tôi đã thông suốt giữa sự sống và cái chết nên không còn cảm thấy tiếc nuối. Chỉ có điều nhớ ơn sâu nghĩa nặng của cha mẹ, trong lòng cứ ray rứt mãi. Nếu không có tôi họ sẽ sống ra sao?

 

Cha mẹ vì tôi mà khổ suốt cả cuộc đời, tôi không nỡ rời xa thế gian này, tôi còn phải báo hiếu, tôi còn phải phụng dưỡng tuổi già của họ. Những dòng suy nghĩ đó cứ quanh quẩn trong tâm trí tôi, xuất hiện cả trong những giấc mơ của tôi.

 

Ai sẽ giúp đỡ cha mẹ tôi, để họ có một cuộc sống không phải lo lắng chật vật vì món nợ có lẽ mấy đời vẫn chưa trả hết? Nhà cửa không còn, họ sẽ sống ở đâu? Họ không còn việc làm, chẳng lẽ họ phải đi ăn xin, lượm rác, sống đầu đường xó chợ hay sao? Nếu quả đúng như vậy chẳng thà tôi chết sớm còn hơn, dẫu biết rằng nếu cha mẹ tôi đọc được sẽ rất đau lòng. Nhưng tôi thật sự rất tiếc.

 

Ngay lúc này đây tôi cũng không mong được sống, dẫu biết rằng khi không có tôi, cha mẹ tôi cũng không thể có một cuộc sống thật sự vui vẻ. Nhưng tôi chỉ hi vọng cha mẹ tôi có thể khỏe khoắn sống vui vẻ hết tuổi già. Một khi rời khỏi thế gian này tôi sẽ nói với họ: chúc họ sống tốt, để có thể đến nhìn mặt tôi vào ngày giỗ hằng năm của tôi.

 

Vì vậy, khó khăn lắm tôi mới viết ra những dòng này. Cầu xin mọi người hãy cứu giúp cha mẹ tôi".

 

Theo Cảnh Chánh – Thanh Trúc

Tuổi Trẻ/ Soufun.com, China Daily