Tuyên dương 10 tài năng trẻ giải Quả Cầu Vàng và 10 nữ sinh tiêu biểu

(Dân trí) - Tối 12/12, T.Ư Đoàn tổ chức lễ trao giải thưởng Quả Cầu Vàng và phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực Khoa học công nghệ năm 2020.

Tuyên dương 10 tài năng trẻ giải Quả Cầu Vàng và 10 nữ sinh tiêu biểu - 1

Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Bùi Quang Huy và Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai trao Giải thưởng khoa học công nghệ thanh niên Quả Cầu Vàng cho các tài năng trẻ xuất sắc. Ảnh: Dương Triều

Giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên Quả Cầu Vàng là Giải thưởng uy tín trong lĩnh vực khoa học công nghệ dành cho các cá nhân xuất sắc không quá 35 tuổi, do Trung ương Đoàn chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hàng năm nhằm phát hiện, tôn vinh các tài năng trẻ xuất sắc tiêu biểu trên 5 lĩnh vực: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ y - dược, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, công nghệ vật liệu mới.

Theo Ban tổ chức, so với những năm trước, số lượng hồ sơ của các ứng viên đang học tập, công tác ở nước ngoài tăng lên, xuất hiện nhiều cơ sở nghiên cứu, đào tạo uy tín ở nước ngoài như: Canada, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, chất lượng hồ sơ tốt và có nhiều thành tích xuất sắc.

Nhiều cá nhân là chủ nhiệm đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia, có đề tài ứng dụng thực tế đem lại hiệu quả cao, có nhiều công trình khoa học chất lượng cao thuộc danh mục Q1, có nhiều bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích đã được công nhận, nhiều giải thưởng, huy chương trong nước và quốc tế... 

Năm 2020, Ban tổ chức Giải thưởng nhận được 51 hồ sơ ứng viên, trong đó, lĩnh vực Công nghệ sinh học (8 hồ sơ), Công nghệ môi trường (10 hồ sơ), Công nghệ y - dược (9 hồ sơ), Công nghệ thông tin và truyền thông (12 hồ sơ) và Công nghệ vật liệu mới (12 hồ sơ).  Trong 51 ứng viên có 37 tiến sĩ, 7 thạc sĩ; 1 học sinh, sinh viên; ứng viên nhỏ tuổi nhất sinh năm 2003 (17 tuổi).

10 cá nhân nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2020:
1. TS. Huỳnh Thế Thiện, SN 1988, Nghiên cứu sau tiến sĩ, Viện Công nghệ Quốc gia Kumoh, Hàn Quốc
2. TS. Nguyễn Hoàng Chinh, SN 1990, Nghiên cứu viên, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, TPHCM.

3. TS. Hồ Thanh Tâm, SN 1989, Giảng viên, Viện Sáng kiến Sức khỏe Toàn cầu, Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng         

4. TS. Lý Quang Việt, SN 1985, Nghiên cứu sau tiến sĩ, Trung tâm Quốc gia hợp tác quốc tế nghiên cứu về kỹ thuật và khoa học màng lọc, Trường Đại học Công nghiệp Thiên Tân, Trung Quốc

5. TS. Đặng Đức Huy, SN 1988, Giáo sư tập sự (Assistant Professor), Trường Đại học Trent, Canada     

6. TS. Trần Văn Huy, SN 1985, điều phối viên Hợp tác Quốc tế, Hiệp hội Ngành nước Úc           

7. TS. BS Phạm Lê Duy, SN 1987,  Bệnh Viện Đại học Y Dược TPHCM

8. TS. BS Đào Văn Tú, SN 1985, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lâm sàng, Bệnh viện K Hà Nội

9. TS. Nguyễn Phan Thắng, SN 1987, Giáo sư tập sự (Assistant Professor), Trường Đại học Gachon, Hàn Quốc  

10. TS. Đoàn Lê Hoàng Tân, SN 1987, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử, Đại học Quốc gia TPHCM

Phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành phối hợp tổ chức từ năm 1999 nhằm tuyên dương những nữ sinh viên có thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở 4 lĩnh vực: công nghệ thông tin, điện, điện tử và cơ khí. 

Tuyên dương 10 tài năng trẻ giải Quả Cầu Vàng và 10 nữ sinh tiêu biểu - 2

Các nữ sinh nhận Phần thưởng nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ năm 2020. Ảnh: Dương Triều

Từ 32 hồ sơ gửi về, Ban tổ chức giải thưởng đã xét chọn ra 20 nữ sinh viên xuất sắc nhất để trao Phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Trong số các nữ sinh được vinh danh có một số nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng bằng nỗ lực phi thường đã vượt lên nghịch cảnh đạt thành tích học tập xuất sắc.

Em Lê Trần Kim Thảo, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Quảng Nam là học sinh khuyết tật 61%; em Phan Thị Mai, Khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng là sinh viên thuộc diện hộ nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng đã cho thấy nghị lực vươn lên trong cuộc sống của các em, đặc biệt là những nỗ lực khi tham gia những ngành khoa học công nghệ mà số lượng sinh viên nữ còn hạn chế.

Nữ sinh Phan Thị Mai ngoài thành tích học tập xuất sắc, mà cô còn tham gia nhóm nghiên cứu và chế tạo thiết bị phòng chống dịch Covid-19.

M.C

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm