Tương phản... Huế thương

Suốt mấy ngày lang thang ở Huế, chợt giật mình nhận ra, Huế vẫn còn một điều ít đổi thay nhất. Con người xứ Huế. Vẫn cách nói nhẹ nhàng, từ tốn, khoan thai (có hơi điệu một tí?!). Và con gái Huế, vẫn mái tóc thề trải trên bờ vai nhỏ tha thướt với tiếng “Dạ” nhẹ như gió thoảng mà sao lại ngọt ngào quyến rũ quá thể.

Lâu lắm rồi tôi mới lại về thăm Huế. Dọc đường từ sân bay Phú Bài về thành phố, đã thấy dường như Huế khác hơn, mới hơn, nhà cửa san sát, đủ kiểu đủ dáng; không như cách đây vài năm, vắng vẻ, đồng không mông quạnh.

Chiều, đạp xe đi khắp cố đô. Ngó nghiêng. Huế mới thật. Nhiều biệt thự, quán xá, nhà hàng, xe máy... Cuộc sống người dân có vẻ khá hơn. Có điều lạ, những công trình tư nhân mọc lên nhanh chóng, trong khi những công trình lớn của Nhà nước vẫn còn ì ạch. Nếu so với những thay đổi ở Đà Nẵng mấy năm qua, Huế chắc còn lâu lắm mới theo kịp?

Tối, la cà cùng bạn bè đến cà phê Góc Phố (1 Võ Thị Sáu) để "cho biết không khí ở quán cà phê Huế và TPHCM có khác nhau không?" (như lời của mấy người bạn Huế). Quán trang trí đẹp, hiện đại mà ấm cúng, thân thiện. Đặc biệt có chương trình giao lưu văn nghệ, khiêu vũ vào các tối thứ ba, năm, bảy, chủ nhật. 20 giờ khách đã bắt đầu đông.

Không ồn ào, náo nhiệt như những quán hát với nhau ở TPHCM. Khách vào kêu nước uống, nghe bạn bè hát (có dàn nhạc sống hẳn hoi), ai thích thì ra sàn nhảy. Vừa uống cà phê (hoặc nước ngọt, nước chanh...), vừa được nghe nhạc hay có thể làm ca sĩ, mỗi người chỉ tốn 10.000 đồng. Cực rẻ. Có lẽ chỉ ở Huế mới có giá này?

Hỏi anh Tưởng - chủ quán: Bỏ vốn không nhỏ để đầu tư, với giá nước uống rẻ thế thì bao giờ mới lấy lại vốn? Anh cười: "Mặt bằng ở Huế là rứa, lấy giá cao hơn sẽ không có khách. Mình chịu khó lấy công làm lời, có khách đông sẽ không đến nỗi mô".

Làm quen mấy người bạn trẻ ngồi bàn bên cạnh, tôi hỏi: "Sàn nhảy ở Huế có thuốc lắc không?". Người bạn trẻ vội trả lời ngay: "Không có mô chị. An ninh ở Huế tốt lắm. Ai mà chơi loại đó thì chỉ mấy ngày là bị bắt ngay. Công an họ nắm lý lịch hết". Nếu quả thật như vậy, thì thật là may cho Huế.

Hôm sau, một mình tôi đạp xe qua Vỹ Dạ. Một thôn Vỹ nằm êm ả, yên bình bên dòng sông Hương, được bao phủ bởi màu xanh ngát của cánh đồng và những mảnh vườn nho nhỏ trước mỗi ngôi nhà ba gian mái ngói rêu phong, vẫn còn nguyên trong ký ức của người xa Huế như tôi. Nhưng trước mặt tôi giờ đây, Vỹ Dạ đã quá đổi thay.

Ruộng đồng, mảnh vườn nhỏ, hàng cau xanh tít tắp dường như đã nhường chỗ cho nhà lầu, biệt thự và cả chung cư. Chao ôi còn đâu hình ảnh "vườn ai mướt quá xanh như ngọc, lá trúc che ngang mặt chữ điền"? Tôi bỗng thấy hụt hẫng. Cứ tiếc mãi cái vẻ đẹp quê mùa nhưng đằm thắm, nên thơ của một thôn Vỹ.

Không biết có phải vì những ngôi nhà hiện đại, khang trang mang đầy vẻ sung túc, đủ đầy đã quá đỗi quen mắt (hơi dư thừa nữa) nên tôi đâm tiếc nuối? Hay vì tôi thích sống trong hoài niệm nên cứ mãi ngẩn ngơ trên đường về?

Suốt mấy ngày lang thang ở Huế, chợt giật mình nhận ra, Huế vẫn còn một điều ít đổi thay nhất. Con người xứ Huế. Vẫn cách nói nhẹ nhàng, từ tốn, khoan thai (có hơi điệu một tí?!). Và con gái Huế, vẫn mái tóc thề trải trên bờ vai nhỏ tha thướt với tiếng "Dạ" nhẹ như gió thoảng mà sao lại ngọt ngào quyến rũ quá thể.

Hình như rất hiếm thấy cô gái nào cắt tóc ngắn, càng không thấy ai "bạo gan" nhuộm tóc nâu, đỏ, vàng hoặc mặc quần trễ rốn, hở lưng, dù cách ăn mặc cũng mô-đen lắm. Bỗng thấy lòng lâng lâng một niềm vui khó tả như là người vừa được tặng một món quà rất quý giá. Cầu mong sao nền nếp ấy vẫn còn mãi với thời gian để cho những ai xa quê cứ vấn vương một nỗi nhớ một tình yêu Huế.

Theo Tố Tâm
Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm