Tượng người - Người tượng
Hóa trang cơ thể với nhiều màu sắc và đứng không nhúc nhích trong 2 - 3 giờ đồng hồ liền, nhân tượng bắt đầu tạo hình dáng đẹp theo yêu cầu của khách hàng. Công việc tuy vất vả nhưng thu hút nhiều bạn trẻ tham gia, vì mang lại mức thu nhập khá cao.
Thu nhập tốt
Làm nhân tượng (còn gọi tượng sống) có nghĩa là phủ lên cơ thể một lớp bột màu, rồi cứ thế tạo dáng bất động trong nhiều giờ liền nhằm đạt hiệu ứng thị giác để thu hút sự chú ý. Để làm được nhân tượng, ngoài đòi hỏi về ngoại hình, tính kiên nhẫn, người mẫu còn phải đáp ứng một số yêu cầu đặc biệt khác, như da không mẫn cảm với các loại màu sơn, hóa chất.
Trước khi biểu diễn, người mẫu phải dành thời gian tập luyện các động tác hóa tượng, tăng tính dẻo dai. Khi trình diễn, họ phải đứng không cử động trong vòng 45 phút mới được đổi tư thế một lần. Đây thực sự là một thử thách hết sức khó khăn. Bù lại, mỗi buổi, nhân tượng có thể “cá kiếm” được khoản tiền kha khá, từ 550.000 – 600.000 đồng.
Hơn 6 năm gắn bó với nghề, anh Trịnh Hải Đăng (sinh năm 1992, cựu sinh viên trường ĐH Hùng Vương TP. HCM, trưởng nhóm “Nhân tượng Việt”) cho biết: “Người mẫu nhân tượng khi biểu diễn bất động trước đám đông phải tạo dáng vừa đẹp, vừa có hồn. Trong quá trình tạo dáng, đôi khi, mình bị ngứa hoặc bị côn trùng bò lên người nhưng cũng không dám nhúc nhích, vì nếu mình cử động sẽ khiến khán giả không còn cảm thấy bất ngờ và hào hứng nữa.
Hoặc đôi lúc, mình thật sự bối rối khi gặp tình huống “dở khóc, dở cười”. Chẳng hạn, có những khách hàng quá khích hay trêu đùa, thọc lét, véo mạnh vào người mình. Gặp tình huống đó, mình phải nhờ sự can thiệp của bảo vệ. Cùng với mức thu nhập tốt, điều khiến mình gắn bó với công việc là sự động viên, khích lệ của các bạn đồng nghiệp”.
Cũng theo anh Hải Đăng, nhu cầu sử dụng người mẫu nhân tượng trong các sự kiện ngày càng tăng, vì sự độc đáo và khả năng thu hút sự chú ý cao. Anh chia sẻ thêm, lúc trước, anh từng làm người mẫu thời trang, P.G. nhưng qua bạn bè giới thiệu, thấy công việc này thú vị nên anh đã thử và dần cảm thấy yêu thích: “Mình bắt đầu thử sức với nghể này từ năm 2012, khi có một vị khách của công ty tổ chức sự kiện mời làm người mẫu quảng cáo sản phẩm. Lúc đó, nghề này chưa thịnh lắm.
Nắm bắt được xu hướng, mình tích góp số vốn, học hỏi thêm công việc hóa trang nhân tượng và thành lập công ty chuyên cung cấp người mẫu nhân tượng cho các sự kiện. Bây giờ, người mẫu tượng không chỉ xuất hiện tại các sự kiện quảng bá, ra mắt sản phẩm, khai trương, mà còn ở các đám cưới, tiệc tùng…
Thu nhập của người mẫu tượng tùy thuộc vào quy mô của chương trình, độ khó của tượng nhưng mức phổ biến là từ 500.000 đến hơn 1 triệu đồng/buổi (2 - 3 giờ) đứng mẫu”.
Nhưng mệt người
Khó khăn nhất là phải làm mẫu ngoài trời, giữa thời tiết nắng gắt hoặc lạnh buốt. Nhiều bạn không thích ứng được, về sẽ đổ bệnh ngay và không dám làm lại lần sau.
Vũ Ngọc Quý (22 tuổi, trường ĐH Văn Hiến TP. HCM, theo đuổi nghề người mẫu nhân tượng gần 6 tháng) cho biết: “Nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, sự dẻo dai để có thể đứng tạo dáng trong nhiều giờ liền. Ban đầu, mình được mời làm nhân tượng giới thiệu sản phẩm mới cho công ty nước giải khát.
Do nước giải khát cần được bảo quản mát nên người ta bật máy lạnh chỉ 17 -18oC. Sự kiện kéo dài 3 – 4 tiếng đồng hồ. Đứng lâu, trọng lực dồn về hai gót chân nên khá mỏi. Về đến nhà, tay chân của mình lạnh buốt, ê ẩm các khớp xương”.
Vũ Ngọc Quý.
Nguyễn Thùy Linh (trường CĐ Kinh tế TP. HCM, làm nhân tượng được hơn 3 tháng) kể: “Lúc đầu, mình được người bạn thân giới thiệu công việc này. Do có kinh nghiệm làm P.G. trước đó, ngoại hình cũng tương đối phù hợp nên sau một thời gian ngắn đào tạo, mình được nhận vào nhóm người mẫu nhân tượng của công ty.
Những ngày đầu, mình phải dành thời gian từ 3 – 4 tiếng mỗi ngày tập các động tác “hóa đá”, sau đó, đến công đoạn để họa sĩ vẽ sơn lên cơ thể, tùy theo ý đồ.
Không chỉ tập các tư thế đơn giản, mình còn được hướng dẫn thử sức với những kiểu tạo dáng “không giống ai” theo đòi hỏi của phía đối tác. Mỗi lần tập xong, về đến nhà là mình nằm lăn ra, cổ mỏi, chân tay đau nhức”.
Sau mỗi buổi biểu diễn, nhân tượng còn phải trải qua công đoạn cực nhọc cuối cùng là tẩy trang lớp màu phủ trên người. Nhiều khi màu dính quá chặt, tắm cả tiếng vẫn không hết, phải để nhiều ngày mới phai dần.
Theo anh Trịnh Hải Đăng, công đoạn này cần người có chuyên môn hỗ trợ. Nếu bạn tự ý tẩy trang không theo trình tự thì bạn khó làm sạch và có thể mất nhiều thời gian. Mỗi lần tắm gội, người mẫu phải mất ít nhất nửa tiếng đồng hồ. Với nhân tượng nữ, gội đầu ít nhất cũng phải 3 – 4 lần mới hết màu dính trên tóc.
Nguyễn Thùy Linh (trái).
Nghề nhân tượng hiện trở thành công việc bán thời gian được nhiều sinh viên lựa chọn để kiếm thêm thu nhập. Một số bạn thì tham gia vì yêu thích nghệ thuật vẽ trên cơ thể (body painting).
“Trong tương lai, nghề mẫu tượng sẽ còn phát triển bởi nhu cầu xã hội đang rất cao. Mặc dù vậy, người mẫu tượng ngoài việc chăm sóc vẻ đẹp cơ thể còn phải học múa, học nhảy để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường”, Hải Đăng cho biết thêm.
Theo Bình Nguyễn
Sinh viên Việt Nam