“Tuổi vị thành niên - Tuổi của những cơ hội”

(Dân trí) - Đầu tư hơn nữa vào vị thành niên để chống đói nghèo - Đó là thông điệp được đưa ra tại buổi họp báo công bố Báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới năm 2011 do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức sáng ngày 28/2 ở Hà Nội.

Đây là báo cáo thường niên của UNICEF nhằm theo dõi sự tiến bộ trong việc thực hiện quyền trẻ em ở các nước trên thế giới. Báo cáo năm nay có nhan đề “Tuổi vị thành niên-Tuổi của những cơ hội”, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đầu tư vào trẻ vị thành niên.
 
“Tuổi vị thành niên - Tuổi của những cơ hội” - 1
Theo đại diện UNICEF tại Việt Nam, khoảng 503.400 trẻ em và thanh thiếu niên dưới 15 tuổi tại VN phải tham gia vào các hoạt động kinh tế yêu cầu sức làm việc cao. (Ảnh minh họa)

 

Nhiều thách thức ở trẻ vị thành niên

 

Tại buổi họp báo, bà Lotta Sylwander, Đại diện UNICEF tại Việt Nam phát biểu: Việt Nam có 26,7 triệu vị thành niên và thanh niên độ tuổi từ 10 đến 24, chiếm khoảng 1/3 dân số. Các em đang phải đối mặt với nhiều thách thức bao gồm kinh tế không đảm bảo, HIV/AIDS, biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa nhanh. Các thách thức này sẽ lớn hơn trong thập kỷ tới, vì vậy các em cần được trang bị các kỹ năng và kiến thức để vượt qua.

 

Bà cho biết, khoảng 503.400 trẻ em và thanh thiếu niên dưới 15 tuổi tại Việt Nam phải tham gia vào các hoạt động kinh tế yêu cầu sức làm việc cao và 633.400 trẻ em phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày.

 

Khoảng 283.700 trẻ em và trẻ vị thành niên từ 0-15 tuổi bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, nhiều trong số này đối mặt với nguy cơ lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, theo điều tra quốc gia lần thứ 2 về thanh niên và vị thành niên việt Nam (SAVY II ), chỉ có 42,5% thanh niên trong độ tuổi 15-24 có hiểu biết toàn diện về đường lây truyền HIV so với mục tiêu quốc gia là 95% trong năm 2010.

 

Bên cạnh đó, cũng theo SAVY II, thanh thiếu niên ở độ tuổi 15-24 chiếm đa số lượng người di cư ở Việt Nam, chủ yếu là di cư đến các khu vực thành thị và phần lớn trong số này là nữ. Điều này đã góp một phần quan trọng thúc đẩy sự gia tăng dân số đô thị trong những năm gần đây.

 

Nạn buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và các sản phẩm khiêu dâm trẻ em hiện đang lan rộng. Các báo cáo chính thức tại Hà Nội, Tiền Giang, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh cho thấy hiện tượng phụ nữ hành nghề mại dâm ở nhóm trẻ tuổi ngày một gia tăng, và 2% lao động tình dục là người chưa thành niên.

 

Tỷ lệ nạo phá thai ở vị thành niên là 2,2% trong tổng số các ca nạo phá thai năm 2010 (theo Báo cáo về sức khỏe sinh sản của Bộ Y tế năm 2010). Trong khi đó, khoảng 1/3 thanh niên và vị thành niên Việt Nam còn gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản.

 

Đầu tư cho trẻ vị thành niên là thực sự cấp thiết

 

Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh tại buổi họp báo: Việt Nam đang nỗ lực thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trước thời hạn 2015, vì vậy cần phải đưa vấn đề an sinh và quyền của trẻ vị thành niên trở thành không thể thiếu trong các chương trình nghị sự.

 

Đây cũng là cách làm hiệu quả nhất để củng cố những kết quả đạt được có tính lịch sử trong công cuộc bảo vệ trẻ em ở Việt Nam như giảm một nửa tỉ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi; tạo cơ hội đến trường, sử dụng nước sạch và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu trẻ em.

 

Đặc biệt, theo các đại biểu, đầu tư vào trẻ vị thành niên có thể giúp đẩy nhanh cuộc đấu tranh chống đói nghèo, HIV/AIDS và bất bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, tình dục sớm và bạo lực trẻ em.

 

“Các ban ngành liên quan ở tất cả các cấp của Việt Nam cần phối hợp để đảm bảo rằng tuổi vị thành niên là tuổi của những cơ hội. Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong một nỗ lực chung thuộc sáng kiến Một Liên Hiệp Quốc”, bà Lotta Sylwander nhấn mạnh.

 

Nam Hằng