Tuổi trẻ Bình Định với bảo tồn văn hóa cồng chiêng
(Dân trí) - Nhằm bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc và tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh thanh niên, tối 10/10, Tỉnh đoàn Bình Định tổ chức Liên hoan cồng chiêng thanh niên dân tộc, các CLB, đội, nhóm thanh niên tôn giáo lần thứ nhất năm 2018.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện nhân kỷ niệm 62 năm ngày truyền thống Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam do Tỉnh đoàn Bình Định tổ chức.
Tham gia biểu diễn cồng chiêng có 5 đơn vị đến từ các huyện: An Lão, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn và huyện Vĩnh Thạnh đã đem đến cho khán giả một không khí hấp dẫn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người đồng bào.
Đặc biệt là tiết mục cồng chiêng vô cùng độc đáo của người đồng bào Hre huyện vùng cao An Lão hay tiếng cồng chiêng của các bạn hội viên thanh niên dân tộc Chăm, Ba na đang sinh sống trên địa bàn huyện Vân Canh và huyện Vĩnh Thạnh.
Ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh hiện tại, ở cả 6 xã, 1 thị trấn có người Bana sinh sống, mỗi địa phương đều có 1 CLB cồng chiêng do ĐVTN tổ chức, sinh hoạt. Cách bảo tồn này đang tạo sinh khí mới cho cồng chiêng Vĩnh Thạnh, hứa hẹn về một đội ngũ nghệ nhân trẻ, qua đó góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Anh Đinh Văn Hiền, Phó Bí thư Đoàn xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Thạnh) - thành viên CLB cồng chiêng thanh niên làng M6, chia sẻ: “Tại 3 làng Bana của xã, cồng chiêng hiện vẫn được sử dụng thường xuyên, không chỉ vào dịp Tết Nguyên đán, lễ hội truyền thống như đâm trâu, cầu mùa… mà cả mỗi cái đám hỏi, đám cưới trong làng. Do vậy, CLB rất có “đất diễn”, vừa được sinh hoạt năng khiếu vừa góp phần phục vụ cộng đồng. Trước khi tự nguyện tham gia, các thành viên đều ý thức đây là việc làm ý nghĩa, vì bản sắc của dân tộc mình”.
Dịp này, Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bình Định đã trao tặng Giải thưởng 15-10 và “Thanh niên sống đẹp” cho 14 gương cán bộ Hội, hội viên, thanh niên tiêu biểu trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động do Hội phát động.
Doãn Công