“Tự sướng” có tên trong từ điển Oxford trực tuyến
Từ điển Oxford định nghĩa tự sướng (Selfie) là ảnh tự chụp, chủ yếu bằng smartphone hay webcam rồi đưa lên mạng xã hội.
Bộ từ điển tiếng Anh nổi tiếng Oxford vừa cập nhật vào phiên bản trực tuyến một số từ và thuật ngữ công nghệ, mạng xã hội đã trở nên phổ biến, trong đó có từ “Selfie” (Tự sướng) và “Digital detox” (Cai nghiện kỹ thuật số).
Từ điển Oxford định nghĩa “Selfie” là ảnh tự chụp, chủ yếu bằng smartphone hay webcam rồi đưa lên mạng xã hội. “Digital detox” là khoảng thời gian mà người ta kiềm chế không sử dụng các thiết bị điện tử như smartphone hay máy tính để giảm căng thẳng hoặc tập trung vào giao tiếp xã hội trong thế giới thật.
Theo thống kê mới đây, “tự sướng” hiện chiếm khoảng 30% các hình ảnh được chụp bởi những bạn trẻ lứa tuổi từ 18-24.
Các chuyên gia cho rằng công nghệ và mạng xã hội là “chất xúc tác” cho một loạt các thuật ngữ mới. Sự phổ biến của các thiết bị kỹ thuật số và ứng dụng trên các thiết bị cầm tay đã tạo nên sự bùng nổ của mạng xã hội, dẫn đến sự xuất hiện hàng loạt các thuật ngữ mới mà bộ từ điển Oxford trực tuyến đã kịp thời bổ sung.
Tuy nhiên, việc cập nhật các từ lóng và thuật ngữ mới này trên từ điển Oxford cũng gặp phải sự chỉ trích của một bộ phận công chúng. Họ cho rằng có một điều kinh khủng đã xảy ra khi nhìn vào những từ ngữ mới được bổ xung vào từ điển Oxford, và coi đó là một cuộc xâm lược của những ngôn ngữ kỳ lạ và hết sức vô nghĩa.
Các nhà nghiên cứu cũng lo ngại xu hướng chụp ảnh “tự sướng” có nguy cơ gây hại đến hình ảnh và tâm lý của người chụp.
Hầu hết mọi người đều đăng tải, chia sẻ hình ảnh, thông tin của mình trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter… - nơi bạn bè hay người khác có thể “like” (thích) và “comment” (đưa ra những lời nhận xét về bức ảnh hoặc thông tin đó).
Tiến sĩ tâm lí người Anh, Jessamy Hibberd, cho rằng những bức hình được chia sẻ trên mạng là một cách mà những người trẻ tuổi tìm kiếm sự ủng hộ, chấp thuận từ bạn bè, đồng nghiệp của họ. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến một số vấn đề về sự tự tin của bản thân người chụp.
Ông cho rằng đa số các bạn trẻ đăng tải ảnh để tìm kiếm sự khen ngợi, chia sẻ, đồng cảm, nhưng nếu bức ảnh, lời tâm sự của họ không nhận được bất kỳ “like” nào hay không ai “comment”,hoặc nhận được những ý kiến tiêu cực, lời nhận xét trái chiều cũng sẽ dễ khiến họ bị tổn thương.
Trên thế giới cũng đã xuất hiện nhiều trường hợp kẻ xấu lấy ảnh rồi lắp ghép, chỉnh sửa... nhằm bôi nhọ hình ảnh khiến nạn nhân xấu hổ, tự ti đến mức tự tử. Có một sự thật rằng, hầu hết mọi người đều nhận thấy mặt tốt của các trang mạng xã hội nhưng chưa lường hết những việc xấu có thể xảy ra. Và khi vướng vào rắc rối, không phải ai cũng đủ can đảm, tự tin để đối phó với làn sóng phản ứng từ bạn bè, xã hội.
Theo Trần Ngọc
VOV online/Telegrahp và Dailymail