Tự sự của một cô gái nhiễm HIV

Th. sinh ra và lớn lên trong một gia đình gốc Hoa. Th. là đứa cháu gái duy nhất của dòng họ, gia đình chỉ toàn là cháu trai. Có lẽ vì thế mà tình thương của gia đình dành cho cô rất nhiều.

Từ bé, Th. đã sống trong sung sướng, cưng chiều. Cô chẳng phải làm bất cứ việc gì, đi học về ăn cơm xong là Th. lại theo mấy đứa bạn học cùng trường đi chơi. Quần áo lúc nào cũng tươm tất và phẳng lì. Mẹ thường hay bảo cô: “Con gái mà sung sướng lúc nhỏ, lớn lên sẽ khổ lắm đó”. Th. cười to và nũng nịu nói với mẹ: “Lớn lên con không lấy chồng ở với mẹ và nội, thì làm gì mà khổ được nè?”.

 

Năm tháng dần qua, Th. đã 17 tuổi! Th. không đẹp rực rỡ như bông hoa hồng nhưng khuôn mặt cô luôn toả ra một cái gì đó khiến người đối diện thích ngắm nhìn, một cái mũi cao cao giống mẹ, vì mẹ cô là con lai Pháp. Đôi mắt hai mí và đặc biệt khi cô cười luôn xuất hiện một cái đồng điếu sâu hoắm, những người bạn của mẹ khi đến nhà chơi thường hay trêu Th.: “Bà có cô con gái dễ thương quá! Tụi mình làm sui đi!”. Nghe như thế, Th. chỉ biết bẽn lẽn đứng sau lưng mẹ và miệng cười tủm tỉm.

Th. càng lớn, tình thương của gia đình dành cho cô cháu gái duy nhất càng nhiều, đồng thời sự quản thúc tăng theo. Th. đi đâu cũng phải thưa gởi và không bao giờ cô được đi chơi quá 9 giờ tối. Bạn bè gọi điện cho cô cũng khó khăn vì phải trải qua hàng loạt câu hỏi “Là ai? Ở đâu? Tên gì? Kiếm Th. có chuyện gì?...” của gia đình.

Lúc đầu Th. cũng thấy vui vui vì cô biết cô là cục cưng của bà nội nên mới như thế. Nhưng càng ngày Th. càng thấy khó chịu và ngột ngạt trong chính ngôi nhà của mình. Lúc nào Th. cũng nghe một câu nói mà cô chú dành cho. Cô nghe quen đến thuộc lòng nguyên văn câu nói đó: “Con là đứa cháu gái duy nhất của gia đình, lại là chị lớn nhất trong nhà, con phải làm gương cho các em, gia đình đặt rất nhiều kỳ vọng vào con. Tương lai của con sẽ có cô Tư và cô Năm lo cho con. Con sẽ đi nước ngoài với cô Tư con nhé?”.

 

Cô Tư và cô Năm là hai người thương Th. nhất. Từ nhỏ, Th. đã gọi hai người là má Nga và má Lan. Th. rất giống má Nga, mỗi lần má Nga chở Th. đi chơi là ai cũng tưởng Th. là con của má Nga. Má Nga vui lắm và càng thương Th. hơn.

 

Một lần Th. bị đánh đòn oan lúc đang học bài, nghe tiếng khóc của Th., bà nội từ nhà sau tất tả chạy lên, thấy đứa cháu cưng mắt đỏ hoe, và trên mặt còn in năm dấu tay mà ba cô vừa mới để lại, bà nội giận lắm, bà giãy nảy và la thật lớn: “Đứa nào dám đánh cháu của tao. Con nhỏ đang học bài mà cũng đánh nữa. Cháu của tao tao chưa khi nào đánh nó một roi thế mà tụi bây… Quá lắm rồi!”. Đang đau và tức vì bị đánh oan lại nghe bà nội bênh vực mình, Th. càng khóc to hơn. Nội phải dỗ mãi. Thế là ngày hôm đó nội bắt Th. ở suốt ngày trong phòng với nội, nội giận ba nội chẳng ăn cơm, bác Hai, cô Tư với ba năn nỉ suốt cả buổi chiều nội mới nguôi ngoai cơn giận.

 

Một hôm đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 17, Th. nhận được món quà hết sức bất ngờ. Đi học về, Th. vừa bước vào cửa đã gặp ngay một thân hình đàn ông cao to đang đứng xoay lưng lại và lúi húi cắm cây đèn cầy vào chiếc bánh sinh nhật trên bàn. Th. biết chắc đó là chiếc bánh dành cho cô, nhưng người đàn ông ấy là ai mà sao tự nhiên thế nhỉ? Khẽ cau mày, tằng hắng giọng, Th. hỏi: “Ưm… chú là ai thế?”. Người đàn ông đó xoay lưng lại. Th. reo to: “A, chú Út, chú về hồi nào vậy, sao cháu không biết gì hết vậy?”. Chú Út mỉm cười trả lời: “Chú về lúc sáng, gia đình dành cho con sự bất ngờ đó! Vui không nè”.

 

Chạy đến ôm chầm lấy chú, Th. nói: “Vui chứ, có chú về là con vui rồi”. Mà Th. vui cũng phải, Th. đã xa chú gần tám năm rồi còn gì. Mỗi dịp tết và sinh nhật của Th. chú đều gởi quà về, cô thích cái gì là chú cho ngay cái ấy! Cô nghĩ bây giờ chú về Việt Nam ở luôn rồi cô sẽ được nuông chiều nhiều hơn.

 

Vậy là hàng ngày chú Út đưa đón Th. đi học, bất cứ đi đâu chú Út cũng chở Th. đi. Từ ngày có chú Th. ít đi chơi với đám bạn của mình, không phải là cô không muốn đi với bọn nó mà tại chú Út không cho cô đi nữa, lúc chưa có chú Út cô bị quản thúc một, còn bây giờ phải gấp đôi, lúc đầu Th. thấy thích, nhưng càng ngày về sau Th. càng thấy khó chịu và bực bội.

 

Buổi trưa ngày hôm đó, một ngày mà Th. không quên được, đi học về đám bạn rủ Th. đi chơi patin ở công viên Tao Đàn, đó là môn thể thao mà Th. rất thích. Điện thoại về nhà nói dối là phải ở trường học thêm, Th. đi chơi với bạn cho đến 7 giờ tối cô mới về đến nhà. Xui cho Th. là chú cô biết được việc Th. nói dối để đi chơi, thế là một trận khẩu chiến giữa cô và chú Út xảy ra.

 

Lúc đó nhà cô đi dự đám cưới nên không có ai bênh vực Th. cả. Chú Út là người nóng tính nên hậu quả mà Th. phải chịu sau trận cãi vã ấy là nguyên cây đàn guitar đập vào tay, những sợi dây đàn cứa vào cánh tay trái của Th. làm nó sưng phù lên và một dòng máu đỏ chảy dọc theo cánh tay. Th. sững người, tiếng nói như tắt nghẹn vì đau đớn. Cô vừa khóc vừa nói qua nước mắt: “Từ nhỏ đến lớn con chưa bao giờ bị đánh như vậy, ngay cả ba mẹ cũng chưa làm thế đối với con, biết là con sai khi đã nói dối nhưng cũng không đáng bị đánh như vậy”. Nói xong, Th. bước nhanh vào phòng, đóng sầm cửa lại và khóc một mình, vừa khóc cô vừa nghĩ ra một quyết định. Nghĩ là làm. Cô với lấy va li đồ trên nóc tủ và bỏ vài bộ quần áo vào đó, không một lời nhắn nhủ để lại.

 

Th. xách va li đi ra khỏi nhà trong sự không hề hay biết của bất cứ ai trong gia đình. Cô nhủ thầm: “Mình đã lớn, đủ sức khoẻ để tìm việc gì đó nuôi sống bản thân cũng như là đang thoát khỏi sự kìm cặp của gia đình”. Nhưng chính bản thân Th. không thể ngờ được cuộc sống ngoài xã hội vốn dĩ quá phức tạp và không màu hồng như cô nghĩ, việc ra đi hôm nay của Th. là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời…

 

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

(còn nữa)