Từ hội “buôn dưa lê” thành “thần chém gió”

Trên mạng hiện nay xuất hiện nhiều điểm quy tụ “những đứa con thần gió” như: Chém gió bang, Hội chém gió Việt Nam, Cử nhân chém gió... Các tay “chém gió” không còn chém nhẹ hiu hiu nữa mà kỹ thuật chém đã đến cấp 12. “Chém gió” đã thành “chém bão”.

Cách đây 5 năm, khi trào lưu uống cà phê vỉa hè bùng lên, giới trẻ bỗng “tái phát hiện” thú vui khi tập trung ở các khu công cộng. Theo trào lưu này, xuất hiện các “máy nổ” trên vỉa hè với đặc điểm nhận dạng là ngôn từ “đao to búa lớn” và cử chỉ dùng tay chặt chém vào không khí để câu chuyện của mình thêm phần hoành tráng.

 

Nhưng giờ đây, khi các trang cá nhân phát triển, giới trẻ tán gẫu với nhau trên mạng xã hội nhiều hơn, cư dân mạng chuyển đổi cách gọi, những “máy nổ” giờ đây trở thành những “đứa con của thần gió”, hay đơn giản hơn - “chém gió”.

 

 “Chém” chơi mà tiếng nổi như cồn

 

Đọc lời giới thiệu thân thế trong blog của NTV., nhiều cư dân mạng đã sốc: “NTV. hùng biện, logic, lãng mạn. Đã viết hàng trăm, hàng ngàn bài báo. Thu nhập vài chục triệu mỗi tháng từ việc viết báo.

 

Nguyên tắc sống: Lễ nghĩa làm đầu. Khát vọng: Giúp một triệu người thoát nghèo. Nếu NTV. giàu có, hàng ngàn người sẽ ấm no. Nguyên tắc làm việc: Ba mẹ > Gia tộc > Gia đình > Xã hội > Bản thân. Tuổi 25, có 3 bằng đại học (Bách khoa, Sư phạm, Khoa học tự nhiên). Đại học: Khoa học tự nhiên, Luật, Sư phạm, Y Dược, Bách khoa, Ngoại thương”.

 

Hầu hết những ai cả tin mà đọc những dòng giới thiệu này cũng rất dễ “phát điên cuồng”. Chẳng ai biết thực sự anh chàng V. học gì, học bao nhiêu trường. Nhưng người bình tĩnh hơn thì chỉ đọc qua rồi nhận xét: “Con của thần gió!”

 

Luyện tuyệt chiêu “chém gió”

 

Trên mạng hiện nay xuất hiện nhiều điểm quy tụ “những đứa con thần gió” như: Chém gió bang, Hội chém gió Việt Nam, Chặt chém hội, Cử nhân chém gió. Các tay “chém gió” không còn chém nhẹ hiu hiu nữa mà kỹ thuật chém đã đến cấp 12. “Chém gió” đã thành “chém bão”.

 

Một blogger vỡ lòng cho đàn em về “chém gió học” một cách hài hước: “Trước tiên, muốn luyện thành võ công, ta phải hiểu rõ bản chất của nó. Thực ra, chém gió là hành vi nói lệch sự thật, theo chiều hướng phóng đại, nhằm đề cao bản thân hoặc một đối tượng nào đó.

 

Như vậy ta có thể thấy chém gió vốn là tuyệt kỹ có thể áp dụng với tất cả mọi đối tượng, dù là già trẻ, trai gái. Chém gió tuyệt kỹ cũng có thể áp dụng trong nhiều trường hợp như khi hội hè, đàn đúm.

 

Ngoài ra, phải tận dụng blog và Yahoo Messenger, phải hiểu biết các kiến thức về xe cộ, thời trang, tin giật gân… vì trong vòng vài phút có thể chuyển đến 6,7 chủ đề cho thêm phần hoành tráng”.

 

Không những thế tố chất cần đạt đến khi “chém gió”: Chém tự tin, chém đúng đối tượng, chém đúng lúc… Và quan trọng là phải biết phân biệt các loại “chém” trên “giang hồ” như: Chém gió cao thủ, chém gió lởm và chém gió gà - để dễ bề “trấn áp” (!?).

 

“Chém” vừa vừa phải phải

 

Với ngôi sao bóng đá, ca sĩ hay doanh nhân, biệt danh “chém gió” mà cư dân mạng đặt ra ảnh hưởng đến họ theo chiều hướng tiêu cực, gây tổn hại không nhỏ đến hình ảnh, thương hiệu. Cầu thủ bóng đá LCV., ngôi sao ca nhạc ĐVH. hay giám đốc một trung tâm an ninh mạng… không biết hên (hay xui) đã lọt vào danh sách “chém gió”.

 

Nói đi thì cũng nói lại, giới trẻ chơi mạng - nhất là các blogger – thử xem ai không ít nhiều đã từng “chém gió”? Đắc thắng khi được điểm cao, phấn khởi sau một trận đấu bóng đá thắng lợi, mua được bộ áo quần hàng hiệu… Tất cả đều là cơ hội để chủ blog lên mạng “bung xòe” tí chút.

 

Quan trọng là khi ý thức được những gì bản thân thực có, thực làm và “chém” ở mức độ vừa phải, biết dừng đúng lúc, thì việc “chém gió” cũng như một trò đùa vui, có tác dụng tích cực cho tâm lý, tạo không khí thoải mái giữa bạn bè, xả stress. Tuy nhiên, nếu “chém” mất kiểm soát, hay “chém” để huênh hoang, khoác lác thì quả là lợi bất cập hại khi nguy cơ sa vào thói hoang tưởng rất cao, chưa kể, trước sau cũng bị cư dân mạng tẩy chay, vạch mặt.

 

Theo các nhà tâm lý học, một người trẻ sống trong môi trường được tâng bốc từ nhỏ dễ có tâm lý mình hơn người, trở thành “máy nổ” hay “máy chém gió”. Họ yếu đuối, sợ bị tổn thương, sợ không được mọi người yêu quý, trân trọng. Sâu xa trong con người họ là ý thức tự vệ, tạo cho mình một vỏ bọc là người hùng, người thành đạt để che giấu nỗi sợ bị xã hội đào thải.

 

Khi ra xã hội, họ không nhận ra giá trị, con người thực của mình. Họ không có ý chế ngự người khác mà chỉ sợ người khác “bắt bài” tâm lý mình. Tuy thể hiện là “người siêu phàm” nhưng trong thâm tâm, với họ, ai cũng là người siêu phàm hơn họ. Những người này cần một chỗ dựa đáng tin cậy để giãi bày, cần thành thực đặt câu hỏi với bản thân mình để xác định được mặt mạnh mặt yếu của mình để “ít nói và khiêm tốn” hơn.

 

Theo SVVN