Tự hào trước sự phi thường của Nguyễn Thị Oanh và các VĐV Việt Nam

Dĩ An

(Dân trí) - Nỗi đau về thể chất hay tinh thần không thể cản bước dàn vận động viên Việt Nam tiến gần hơn đến những tấm huy chương tại SEA Games 32.

Hình ảnh cô gái với dáng người nhỏ bé, kiên trì vượt qua đối thủ trên đường đua đã in sâu trong tâm trí của nhiều người dân Việt Nam từ chiều tối 9/5. Không ai khác, đó chính là vận động viên (VĐV) điền kinh Nguyễn Thị Oanh với những tấm huy chương vàng (HCV) mang về cho đất nước.

Không chỉ riêng Nguyễn Thị Oanh, tại SEA Games năm nay, các "chiến binh sao vàng" đã thực sự chạm đến trái tim người hâm mộ khi thể hiện bản lĩnh kiên cường, vượt qua nỗi đau để làm nên điều phi thường.

Cô gái "hạt tiêu" bỗng thành "siêu nhân"

Đó là cách gọi của cộng đồng mạng dành cho Nguyễn Thị Oanh sau khi xem phần thi của cô. Việc giành hai tấm HCV 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật chỉ cách nhau hơn 20 phút tại SEA Games 32 được xem là "chiến công không tưởng".

Tự hào trước sự phi thường của Nguyễn Thị Oanh và các VĐV Việt Nam - 1

Nguyễn Thị Oanh là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất từ tối 9/5 đến nay. (Ảnh: Tiến Tuấn).

Vì sự sắp xếp của ban tổ chức, cô gái sinh năm 1995 phải thi đấu nội dung tiếp theo trong cùng một bộ quần áo ướt đẫm mồ hôi.

Với sự chuẩn bị gấp gáp, nhiều người hâm mộ Việt Nam đã nghĩ rằng, Oanh sẽ khó có thể giành được tấm HCV thứ hai. Để rồi khi cô bỏ xa các đối thủ, chính bình luận viên cũng không thể tin vào mắt mình.

Nhiều người không khỏi vỡ òa cảm xúc, nước mắt tự dưng rơi vì tự hào và thấy cảm phục cô gái nhỏ bé này. Bởi họ không thể tưởng tượng nổi điều Nguyễn Thị Oanh đã làm. Một số người còn tua nhiều lần để xem lại khoảnh khắc cô bỏ xa đối thủ và về đích.

"Đẳng cấp, ý chí và nghị lực phi thường lúc vượt rào khúc cuối, chỉ sợ cô gái bị ngã nhưng may mắn là vẫn giữ vững trụ chân. Thương cô gái thi đấu hai nội dung dài liền kề, nguy cơ chấn thương là rất cao", người dùng Tuyết Trinh để lại bình luận.

"Đỉnh quá Oanh ơi, xem em chạy mà nước mắt chị rưng rưng, quá xứng đáng, tự hào về em" là lời chia vui của chủ tài khoản Ngô Mai.

Trong khi đó, một số người không giấu nổi sự vui mừng khi là đồng hương Bắc Giang với Nguyễn Thị Oanh. Việc cô lớn lên trong gia đình thuần nông, cố gắng theo đuổi niềm đam mê thể thao đến cùng thực sự trở thành niềm cảm hứng lớn cho nhiều người trẻ.

Oanh từng bị gia đình phản đối theo nghiệp thể thao. Chiều cao khiêm tốn và vấn đề sức khỏe cũng từng được cho là rào cản lớn trong sự nghiệp của cô.

Tuy nhiên, cô gái nhỏ bé này đã không bao giờ từ bỏ hy vọng. Giờ đây, không chỉ người hâm mộ trong nước, Oanh còn khiến điền kinh thế giới thán phục.

"VĐV Việt Nam đã làm nên điều phi thường" là cách hãng thông tấn AFP nói về màn thắng đầy thuyết phục của Nguyễn Thị Oanh.

Khi nỗi đau trở nên vô hình

Trong trường hợp một bộ phận trên cơ thể bị đau, nhiều người sẽ lựa chọn cách nghỉ ngơi để hồi phục. Tuy nhiên, nhiều VĐV Việt Nam đã không làm theo cách đó. Họ tiếp tục thi đấu, nén nỗi đau vì màu cờ sắc áo.

Giống như màn chiến thắng thuyết phục của Nguyễn Thị Oanh, sự xúc động mãnh liệt từ người hâm mộ Việt Nam cũng dành cho các VĐV thi đấu trong đau đớn. Một trong số đó là Đặng Thị Huyền - võ sĩ Jujitsu.

Tự hào trước sự phi thường của Nguyễn Thị Oanh và các VĐV Việt Nam - 2

Đặng Thị Huyền gặp chấn thương nặng nhưng vẫn cố thi đấu và giành huy chương đồng. (Ảnh: Chụp màn hình).

SEA Games 32 quyết định bỏ hạng cân 48kg nên Đặng Thị Huyền buộc phải thi đấu ở nội dung 52kg. Hạng cân này được nhận xét không phải là sở trường của cô. Đến trận đối đầu với VĐV Philippines, Huyền bị chấn thương nặng, phải nằm trên sân để đội ngũ y tế sơ cứu.

Dù vậy, Đặng Thị Huyền đã cố gắng thi đấu trận cuối cùng và thắng võ sĩ Singapore, giành được tấm huy chương đồng cho võ thuật Việt Nam.

Ở môn võ vovinam, Lê Thị Hiền giành được tấm HCV. Tuy nhiên, ít ai biết được cô đã thi đấu trong lúc đầu gối bị chấn thương nặng.

Ngày 8/5, cộng đồng mạng nhận được tin vui từ đội tuyển thể dục dụng cụ nam Việt Nam khi xuất sắc bảo vệ thành công tấm HCV nội dung đồng đội tại SEA Games 32. Nhưng đằng sau đó là cơn đau của VĐV Lê Thanh Tùng. Anh đã phải xịt lạnh để tiếp tục thi đấu.

Được xem như trụ cột vững chắc trong đội hình, cặp chị em sinh đôi Trương Thảo My (Kayleigh Truong) - Trương Thảo Vy (Kaylynne Truong) không khiến fan thất vọng khi cùng tuyển bóng rổ 3x3 Việt Nam giành tấm HCV đầu tiên tại SEA Games.

Say trong chiến thắng, người hâm mộ vẫn chú ý đến điểm khác thường khi lần này chỉ có cha của cặp chị em nổi tiếng ngồi trên khán đài cổ vũ.

Thực tế, Thảo My và Thảo Vy đã phải chịu nỗi đau mất đi bà ngoại trước khi thi đấu tại SEA Games 32. Vì lo chuyện gia đình, mẹ của họ đã không thể có mặt.

Lúc cùng đội tuyển bóng rổ nữ 5x5 Việt Nam đối đầu với tuyển Indonesia, Thảo Vy còn không may bị chấn thương đầu, nằm ra sàn. Chỉ nghỉ ngơi vài phút, cô đã xin được ra sân tiếp tục thi đấu.

Nỗi đau thể chất lẫn tinh thần không thể làm gục ngã cô gái 22 tuổi này.

Tự hào trước sự phi thường của Nguyễn Thị Oanh và các VĐV Việt Nam - 3

Giọt nước mắt trong chiến thắng của Thảo Vy. (Ảnh: Mạnh Quân).

Trong những video phỏng vấn ngắn, cặp chị em song sinh đã luôn thể hiện niềm tự hào khi được đứng trong đội ngũ thi đấu cho nước nhà qua vài lời tiếng Việt không sõi (Thảo My và Thảo Vy lớn lên ở Mỹ).

Trước kỳ SEA Games 32, khi trả lời tạp chí The Next Hoops, Thảo Vy nhấn mạnh: "Được đại diện Việt Nam đi thi đấu là niềm vinh dự".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm