Từ giảng đường thành nhà vô địch thế giới 3 lần liên tiếp

Trong giới võ thuật Việt Nam, có một chàng sinh viên khiến tất cả ngỡ ngàng ngưỡng mộ khi 3 lần liên tiếp vô địch thế giới. Đó là câu chuyện của Nguyễn Trần Duy Nhất.

“Truyền nhân” trở thành tuyển thủ

 

Gia đình Duy Nhất nổi tiếng đến mức, chỉ cần nhắc tên, giới mộ điệu võ thuật cổ truyền Việt Nam sẽ nhớ đến gia tộc có đến 4 thế hệ từng làm mưa làm gió ở các võ đài. Ở ngã ba Lam Anh, xã Tư Nghĩa (Lâm Đồng), người dân ở đây ai cũng có thể chỉ tường tận đường đến nhà Nhất.

 

Trong căn nhà nhỏ là vô số cúp, cờ, huy chương đủ mọi cấp độ, những kỷ vật một thời oanh liệt với nghiệp võ của thế hệ ông bà, cha chú và mẹ Nhất. Chính giữa nhà là một bức tranh chữ “Nhẫn”, treo trang trọng.

 

Kể từ khi Nhất tiếp nối truyền thống võ thuật gia đình, mỗi năm, lại có thêm những huy chương khác bổ sung vào khu trưng bày này như bằng chứng sinh động về sự nối tiếp thế hệ của một đại võ gia.

 

Những kỷ vật và bức tranh đó chính là bài học đầu tiên của Duy Nhất về tinh thần thượng võ. Ngay từ nhỏ, những câu chuyện về võ thuật đã thấm vào Nhất qua lời kể của ông nội Nguyễn Trần Diêu, một võ sư khả kính của giới võ thuật cổ truyền Việt Nam.

 
Từ giảng đường thành nhà vô địch thế giới 3 lần liên tiếp
 

Nhất kể, một trong những điều mà ông nội luôn nhắc nhở con cháu trong nhà là dù làm gì thì cũng phải biết giữ gìn gia phong và truyền thống võ thuật. Để mất đi truyền thống đó là có tội với gia đình. Ông Diêu (Tấn Hoành) từng thượng đài các võ đài miền Trung và sang đấu ở các nước Đông Dương.

 

Diêu sư phụ có hai con trai là Nguyễn Trần Diệu và Nguyễn Trần Duy, một thời nức tiếng ở miền Trung, đại diện cho võ đường Tấn Gia Quyền. Mẹ của Nhất chính là nữ võ sư Minh Ánh Ngọc, đệ tử của “Đông Dương đệ nhất quyền Anh Minh Cảnh”.

 

Sau khi đã nếm trải đủ mọi vinh quang và thách thức của võ lâm, gia đình từ miền Trung vào Lâm Đồng “quy ẩn giang hồ”. Duy Nhất lớn lên tại đây và ngay từ nhỏ đã được truyền thụ những gì tinh hoa nhất của hai võ đường nổi tiếng.

 

Sáu tuổi bắt đầu được cha mẹ và ông nội truyền thụ võ thuật, 14 tuổi, Nhất có trận đấu chính thức đầu tiên và gặt hái thành quả. Những đòn thế mà cậu con trai thể hiện đủ để cha mẹ tin rằng, võ đường Lò Tấn của gia đình tìm được “truyền nhân” với đầy đủ tố chất của con nhà tông.

 

Ông Diệu không chỉ dạy võ mà còn kể cho con trai nghe về những hiểu biết của mình về các võ phái, môn võ nổi tiếng ở Đông Nam Á mà lúc còn “hành tẩu giang hồ” đã được thỉnh giáo.

 

Lúc đó, Nhất vẫn chưa nghĩ đến việc sau này sẽ trở thành võ sĩ chuyên nghiệp. Cho đến khi trở thành sinh viên trường ĐH Thể dục Thể thao TP.HCM, cơ duyên đã đến khi môn Muay Thái bắt đầu được phổ biến tại Việt Nam. Biết tin đội tuyển Muay TP. HCM tuyển thành viên, Nhất kể với cha mẹ để nhận một lời chỉ giáo.

 

“Muay Thái là môn võ đầy sáng tạo và nó có nhiều đòn thế giống với võ cổ truyền Việt Nam mà tôi đã được học. Ba mẹ ủng hộ và động viên tôi dự thi vì hồi trẻ, ba từng lĩnh hội và cũng rất thích môn võ này”, Nhất kể. Năm đó, Nhất với các bạn cùng trường là Lê Hữu Phúc, Phan Thị Ngọc Linh khăn gói ứng thí và được tuyển.

 

Ba lần vô địch thế giới

 

Vừa học, vừa tập luyện chuyên nghiệp không phải là việc dễ dàng. Nhưng chàng sinh viên xứ Lâm Đồng đã trở thành trường hợp độc nhất vô nhị của làng võ Việt khi đoạt luôn Huy chương Vàng ở một giải đấu quốc tế mà trước đó, chưa hề dự bất kỳ giải đấu cấp quốc gia nào.

 

Ở giải tiền lẫn giải chính thức Asian Indoor Games 3, Nhất đều đánh bại đối thủ để vô địch. Cũng trong năm đó, chàng sinh viên năm thứ hai còn lấy được Huy chương Bạc SEA Games 25 khi Muay được đưa vào thi đấu.

 

Thời điểm đó, Muay Thái chỉ mới sơ khai và còn chưa có hệ thống thi đấu chính thức tại Việt Nam. Việc Duy Nhất đặt được dấu ấn tại các giải đấu khu vực trong hoàn cảnh “chân ướt chân ráo” khiến người Thái, quê hương của Muay, bắt đầu giật mình cảnh giác.

 

Chỉ sau SEA Games 25 vài tháng, ở giải Vô địch Thế giới 2010, diễn ra ngay tại quê hương môn võ này, chàng sinh viên năm thứ hai đã biến sự lo ngại của người Thái thành sự thật khi đánh bại võ sĩ chủ nhà để vô địch thế giới. Đó là thành tích ngoạn mục của Việt Nam, khiến 40 quốc gia cùng tham dự giải phải thán phục.

 

Ông Chủ tịch Liên đoàn Muay châu Á lúc đó là Santiphap Intaraphartn, người Thái Lan, đã nhận xét: “Cậu ta rất khôn ngoan và sáng tạo, chiến đấu kiên cường, tốc độ ra đòn nhanh và tiếp thu kỹ thuật tốt. Nếu được tạo điều kiện tiếp thu thêm những kỹ thuật đặc thù hiện đại của Muay, đó sẽ là tay đấm đáng gờm cho mọi đối thủ”.

 

Theo Anh Khoa

Sinh viên Việt Nam