Từ “chuyên gia phá đồ” tới HCV chế tạo người máy cứu hộ

(Dân trí) - Với “Người máy cứu hộ LVT2”, Hoàng Duy Khánh đã đoạt HCV tại triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng chế trẻ và triển lãm quốc tế về kiểu dáng công nghiệp lần thứ 24 năm 2013 tại Malaysia.

 

Thông tin cá nhân

 

Họ và tên: Hoàng Duy Khánh

 

Ngày sinh: 1995

 

Cựu học sinh trường THPT Lương Văn Trị

 

Hiện đang học năm thứ nhất khoa Cơ khí điện tử và nhiệt lạnh trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

 

Thành tích:

 

- Giải khuyến khích học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật lí năm lớp 11.

- Giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật lí lớp 12.

- Giải khuyến khích học sinh giỏi cấp tỉnh cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay casio môn Vật lí lớp 12.

 

- Giải nhì cuộc thi sáng tạo kĩ thuật thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn 2008 – 2009 với sản phẩm ”Ống nhòm kì diệu", giải nhì 2012 – 2013 với sản phẩm "Người máy cứu hộ LVT2" và sản phẩm "Cùng bé tập đọc", giải khuyến khích với sản phẩm “Đoạn đường thông minh”.

 

- Giải nhất cuộc thi sáng tạo kĩ thật thanh thiếu nên, nhi đồng tỉnh Lạng  Sơn giai đoạn 2011-2012 với sản phẩm "Máy gieo hạt mini DK".

 

- Huy chương vàng tại triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng chế trẻ châu Á năm 2013(IEYI 2013) và triển lãm quốc tế về kiểu dáng công nghiệp lần thứ 24 năm 2013 (ITEX 2013) tại Malaysia với sản phẩm "Người máy cứu hộ LVT2".

 

Sở thích: nhảy hiphop, chế tạo đồ

 
Duy Khánh trình diễn robot tại trường cấp 3.
Duy Khánh trình diễn robot tại trường cấp 3.
 

Chuyên gia… “phá đồ”

 

Ngay từ lúc 3,4 tuổi, Khánh đã phá tung hầu hết các đồ chơi hay đồ đạc trong nhà như xe ô tô, tivi, đài, quạt,… Cũng nhờ tính cách hiếu động và sự tò mò đối với đồ điện tử, Khánh liên tục mày mò với những vật dụng xung quanh và cho “ra lò” nhiều sản phẩm. Khi còn học cấp 1, bạn đã làm ra những cái đèn.

 

Học cấp 2, Khánh biết tạo ra quạt, các mỏ hàn điện. Trước khi làm ra mỏ hàn, bạn đã thường xuyên tự quấn các nam châm điện. Sau khi quan sát, thấy nam châm điện nóng rất nhanh nên Khánh đã thay dây đồng và phần lõi trong đó để dùng điện lớn hơn, đồng thời tạo ra những mỏ hàn sáng và nóng rực lên.

 

Cho đến lớp 9, ban đầu Khánh chế tạo ra một cái ống nhòm chơi cho vui nhưng không ngờ cô giáo nộp lên đã giành giải nhì tỉnh cho cuộc thi sáng tạo kĩ thuật. Từ lúc đó, được các giáo viên tích cực khích lệ, bạn đã liên tục sáng chế ra nhiều máy móc khác nhau và đoạt nhiều giải thưởng lớn của tỉnh, quốc gia.

 

Trong một lần thấy bác gieo hạt ở vườn, Khánh nảy ra ý tưởng làm một cái máy có thể thay thế con người. Sau những giờ học, Khánh đã tìm những miếng sắt cũ bỏ đi ở các xưởng cùng với nguyên, vật liệu mua từ số tiền thưởng cuộc thi trước đó  làm cái máy.

 

Sau một tuần, bạn đã hoàn thành xong máy gieo hạt hiệu quả, công suất gấp 6 lần người bình thường với chi phí 3,5 triệu đồng. Thầy Khánh đem đăng ký sản phẩm đi thi và đoạt giải nhất tỉnh.

 

Tiền mừng tuổi, tiết kiệm cùng giải thưởng các cuộc thi Khánh không tiêu pha lãng phí mà để dành để mua các nguyên, vật liệu cho công việc chế tạo của mình. Bên cạnh đó, vì biết Khánh thích thú với việc chế tạo, hàng xóm cũng thường cho đồ đạc hỏng như: vợt muỗi, đèn pin, quạt...

 

Bạn chia sẻ: “Mặc dù bình thường học tập chiếm nhiều thời gian nhưng chế tạo máy đã trở thành niềm đam mê của mình. Được làm thứ bản thân thích, Khánh cảm thấy rất vui vẻ, thoải mái tinh thần nên để cân bằng thời gian hai việc này không quá khó khăn”.

 

Vì lo con sáng chế bị ảnh hưởng đến học tập, thỉnh thoảng bố mẹ Khánh cũng phản đối, đặc biệt là giai đoạn ôn thi đại học. Nhưng bằng niềm đam mê của bản thân, bạn đã thuyết phục được bố mẹ.

 
Niềm đam mê khoa học giúp Khánh có được những thành quả bước đầu.
Niềm đam mê khoa học giúp Khánh có được những thành quả bước đầu.
 

Được cử đi triển lãm quốc tế với “Người máy cứu hộ”

 

“Từ những người thợ ở hầm lò, mình muốn chế tạo ra người máy có thể thay thế con người, đặc biệt là ở những môi trường độc hại. Chỉ cần sản phẩm nào có thể giúp đỡ được con người, mình rất muốn làm.

 

Người máy đã nhiều người chế tạo nhưng chưa từng có khả năng đu từ trên cao xuống thấp nên mình muốn tạo sự đột phá cho bản thân, đồng thời có thể giúp ích phần nào trong việc ứng dụng trong các sản phẩm bằng cách nỗ lực hoàn thành”, Khánh nói.

 

Sau khi thi học kỳ xong, cùng thầy hiệu trưởng xuống Hà Nội mua nguyên, vật liệu và tìm xưởng hỗ trợ, Khánh bắt tay vào làm. Mặc dù không cần vẽ mô hình ra giấy, chỉ làm theo ý tưởng, định hình trong đầu, Khánh hoàn thành sản phẩm chỉ trong một tháng, trong đó thời gian trên xưởng mất khoảng 15 ngày.

 

Ban đầu Khánh làm tay và các ngón, sao cho 2 cánh tay có thể xoay được các khớp như con người, sau mới làm thân, đầu và vỏ. Cuối cùng bạn làm phần di chuyển để người máy có thể bước tiến - lùi, trái - phải.

 

Trong các công đoạn, Khánh cho biết phần nối mạch điện khó và phức tạp nhất. Bạn chia sẻ: “Người máy của mình có những 16 – 17 động cơ và sử dụng các công tắc đảo chiều chuyển động nên tốn rất nhiều dây điện và chỗ nối phức tạp. Khánh phải thức trắng một đêm mới nối xong các mạch điện”.

 

Sau khi đạt giải trong nước, sản phẩm của Khánh đã được chọn đi triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng chế trẻ và triển lãm quốc tế về kiểu dáng công nghiệp lần thứ 24 năm 2013 tại Malaysia. Và với “Người máy cứu hộ LVT2”, Hoàng Duy Khánh đã đoạt HCV cho đoàn Việt Nam.

 

Một điều thú vị không kém, khi vẫn đang trong thời gian ôn thi đại học, Khánh đã làm “Đoạn đường thông minh” để gửi tới cuộc thi sáng tạo toàn quốc cùng với “Người máy cứu hộ” và đoạt giải khuyến khích.

 

Đây là hệ thống cảnh báo sương mù cho những đoạn đường cong hoặc nguy hiểm. Khi xe đi vào khu vực nhiều sương mù hạn chế tầm nhìn sẽ có dải đèn led bên đường sáng lên, từ đó giảm tốc độ cho an toàn. Hay đoạn đường cua, gấp khúc, có xe khác cùng chiều, nhờ đèn led sáng lên, tài xế sẽ điều chỉnh tốc độ.

 

Sau khi trở về từ Malaysia, chỉ còn 10 ngày để ôn thi đại học nên Khánh phải tập trung vào việc học và làm bài tập qua các video. Cuối cùng, bạn đã đỗ vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tiếp tục theo đuổi niềm đam mê sáng chế kỹ thuật.

 

Hoàng Dung