Tự ái của 8X

(Dân trí) - Bạn là người Việt và hẳn nhiên cũng tự hào khi mang trong mình dòng máu lạc hồng. Thế rồi một ngày, bạn bị đối xử như một kẻ mạt hạng, như một nhóm người đáng khinh rẻ trong thế giới văn minh. Tự ái dân tộc của một 8X khiến bạn trăn trở không ít...

Thế hệ 8X Việt Nam được đặt ngang bằng, thậm chí có phần hơn trong các cuộc thi trí tuệ với bạn bè trong khu vực và quốc tế. Nhưng cũng có những bạn trẻ có cuộc sống gắn liền với các trung tâm thương mại quốc tế nổi tiếng, chuyên xài “hàng hiệu xịn” hẳn hoi đã để lại một vết nhơ cho lòng tự tôn dân tộc.

 

Có lẽ những người có dịp đến tham quan Hồng Kông sẽ có được cái nhìn rõ hơn với nhóm trẻ được mệnh danh là “bàn tay vàng” - biệt danh gắn cho những người có công việc chính là ngày ngày đi shopping, nhưng “not paid”.

 

Một thái độ vô cùng bất nhã khi chúng tôi, một nhóm người Việt Nam, tiếp cận một cửa hàng thời trang cao cấp của Trung tâm thương mại Time Square - Hồng Kông. Mỗi bước đi của chúng tôi được “đặc biệt chăm sóc” và khi quá tải bởi lượng khách tham quan mua hàng, thì nhân viên đã yêu cầu chúng tôi để lại tư trang trong quầy thu ngân.

 

Khi đó, mọi khách hàng đều quay lại nhìn chúng tôi như những kẻ mọi rợ trong thế giới văn minh. Có lẽ họ sợ! Họ nhìn những người Việt như những kẻ ăn cắp chuyên nghiệp và những chiếc túi của chúng tôi có thể là chất dẫn xuất giúp chúng tôi “tẩu tán” hàng hóa của họ. Thì ra, những đôi “bàn tay vàng” Việt Nam đã từng “ghi dấu” ở đây giờ “tặng” lại cho chúng tôi một thái độ khinh miệt, kỳ thị với người Việt Nam như vậy.

 

Trên một chuyến tàu điện ngầm, tôi có cơ hội nghe câu chuyện giữa hai “bàn tay vàng” “biết” nói tiếng Việt. Có lẽ họ không nghĩ tôi là người Việt Nam nên vẫn “hồn nhiên” kể về “thành quả” của một ngày lao động.

 

Cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn, mái tóc được tỉa tót khá kỹ lưỡng nhưng đang “héo” vì buộc phải mua một chiếc túi hiệu Gucci có giá khoảng 1.800 USD vì “tỉa” không trót lọt. Cô bạn còn lại có phần tươi tắn hơn khi “chiến tích” của mình là chiếc áo khoác hiệu Esprit màu đỏ chót đang mặc trên người và một đôi giày mà tôi không thể nhìn rõ nhãn hàng.

 

Cố gắng tìm hiểu thông qua một người bạn Hà Nội chuyên “giải quyết” nguồn hàng cho “những đôi bàn tay vàng” ở nước ngoài như hai cô gái trên, tôi được biết, thông thường họ là những người lưu vong, vượt biên trái phép và “sống” chính bằng nghề này. Cuộc sống của họ có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào nếu không may mắn lấy được một anh chàng nào đó. Cuộc sống “hàng hiệu” của họ cũng bấp bênh như chính chiếc thuyền đưa họ đến đây.

 

Tại sao họ làm thế? - Bạn cũng sẽ đặt ra câu hỏi này như tôi. Một câu hỏi tưởng khó tìm câu trả lời nhưng có lẽ cũng… trả lời được. Họ cũng có một vóc dáng ưa nhìn, cũng mang trong mình dòng máu như tôi và các bạn nhưng họ “ngại” lao động một cách chân chính.

 

Cuộc sống có thể dành sự thiên vị cho người này, cũng có thể hà khắc với một ai đó nhưng những “bàn tay vàng” kia có lẽ đang làm hoen ố những gì mà chúng ta đang cố gắng xây đắp, gìn giữ trong mắt bạn bè quốc tế về một Việt Nam tự cường đi lên.

 

Mai Anh