“Trường ca” ngủ vùi của sinh viên
“Nếu không phải đến lớp cho đủ số tiết học chắc tụi em sẽ ngủ chẳng muốn dậy” - Nguyễn Thành Cao, Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính thú nhận.
Ngủ ở nhà chưa đã...
9 giờ kém một sáng nắng ấm, phòng của Nguyễn Thành Cao (KTX Học viện Tài chính) chỉ có 2 người vừa tỉnh, nhưng vẫn nằm trong chăn tán chuyện với nhau. Sở dĩ Cao phải dậy sớm trong khi các bạn vẫn chìm trong mộng là vì thua bài.
Cao kể: “Phòng có 12 người, chủ yếu học vào buổi chiều. Tối qua tụi em chơi bài đến hơn 12h, sau đó lại tiếp tục tán gẫu. Em muốn ngủ thêm quá nhưng phải dậy đun nước nấu ăn sáng cho cả phòng”.
Cao khoe tài ngủ của các thành viên phòng mình như một... niềm tự hào: Đứa nào học chiều thì đêm ngủ cho tới trưa, học sáng về thì ngủ từ trưa cho tới bữa tối. Nếu trời mưa mát mẻ, tụi em ngủ liền tù tỳ, trọn cả... 3 ca”.
Tôi tỏ vẻ nghi ngờ, Cao bảo: “Chị cứ thử đi hết hành lang này, lên tầng trên hay sang dãy B6, B7... đều như nhau cả thôi” “Chắc chỉ trong KTX mới có “phong trào” này chứ?” “Bọn bạn em thuê nhà ở ngoài cũng ngủ khủng khiếp. Tụi em xa nhà, sinh hoạt chẳng theo nề nếp, giờ giấc nào cả” - Cao đáp.
Sự xuất hiện của tôi khiến mấy cậu chàng SV cùng phòng tỉnh sớm hơn thường lệ. Một cậu ở giường tầng trên ngó cái đầu bù xù xuống cau có: “Nhập gia thì phải tùy tục thôi”. Rồi các cậu thi nhau đưa ra lý do của việc ngủ: Đó là cách tránh phải tiêu pha khi ra đường, cuối tháng hết tiền, ngủ “trốn” được bữa sáng. Thậm chí, nếu ngủ 3 ca, cả ngày dồn vào ăn 1 bữa...
Phái mày râu thừa nhận với nhau, con gái chăm chỉ nên dành thời gian học tập nhiều hơn chắc chắn sẽ ngủ ít.
Tìm đến khu KTX Mễ Trì, lúc 3 giờ chiều, gõ tới 2 hồi mà cánh cửa phòng 104 vẫn im lìm. Ngó qua khe cửa sổ, 3 nàng đang ngon giấc.
Chờ thêm 10 phút cộng 1 hồi gọi cửa, nghe tôi giới thiệu, T.T.H vừa mở cửa vừa dụi mắt phân trần: “Tối qua mấy đứa tụi em đứa thì đi chơi khuya nên bây giờ tắt đèn cho dễ ngủ, vả lại tầng 1 cũng tối quá nên chẳng biết giờ giấc thế nào nữa”.
Cách đó mấy bước chân, phòng 109, 111 cũng tối như bưng, cửa đóng im lìm. Leo lên tầng 3, một cô gái ở phòng 307 thắp đèn cá nhân đọc sách vui vẻ cho biết: “Nếu thi thì phải thức học thôi. Được nghỉ học như 2 chị này thì ngủ... tẹt ga. Họ ngủ suốt từ tối hôm qua tới giờ đấy, trừ 1 giờ đồng hồ vệ sinh cá nhân và ăn trưa!”.
...Lên giảng đường ngủ tiếp
12h30 trưa, tôi cùng Vũ Tuấn Khải (ĐH Thương mại) có mặt trên giảng đường. 15 phút đầu, cô giáo trẻ điểm danh, ai nấy hô “có” thật to. Chỉ sau 20 phút giảng bài, 5-6 cánh tay đưa lên miệng che cơn ngáp. Vài cậu ngồi bàn trên đưa tay giật giật tóc cho tỉnh ngủ. Tôi ngó đồng hồ, còn 18 phút nữa là hết tiết đầu.
Một cậu bên cạnh không cưỡng nổi, tay nguệch ngoạc mấy đường rồi buông bút, 2 tay đưa lên trán “ngụy trang” cho đôi mắt nhắm nghiền. L.C.H ngồi cạnh tôi có mái tóc bết chặt vì lâu ngày chưa gội rũ xuống bàn, yên vị với giấc ngủ trưa.
Chuông nghỉ giải lao, H vẫn ngáy ngon lành. Vào tiết thứ 2, H lơ mơ dụi mắt. Khi cậu ta ngẩng lên, trên trán hằn vết đỏ. Tỉnh ngủ, cậu ta quay sang tôi bắt chuyện: “Sáng nay mình đã ngủ tới gần 9 giờ mà vẫn chưa đã mắt. Cơn buồn ngủ mà đến thì không thể cưỡng lại được!”.
Biện bạch cho hành vi của mình, H nói: “Tớ còn chăm chỉ tới lớp đấy. Nhiều bạn khác chỉ đến điểm danh rồi về... khò”. Một thực tế được nhiều SV thừa nhận: Nếu thầy cô không quá khắt khe thì một người đi học có thể điểm danh hộ 2-3 người khác, nhất là bạn cùng phòng. Thậm chí, với nhiều thầy cô chỉ điểm danh tiết đầu thì khi kết thúc buổi học, quân số trong lớp chỉ còn vơi nửa.
Cảnh SV gục mặt xuống bàn mươi, mười lăm phút không còn hiếm trên giảng đường. Ngủ nhiều có sướng? Khi trò chuyện với nhiều cựu SV đạt “thành tích cao” trong việc ngủ, hầu hết họ đều cho rằng đó là thói quen không nên có.
Trần Nguyễn Ngọc hiện đang công tác ở một cơ quan báo chí tại Hà Nội hối tiếc về quãng thời gian vô bổ của mình: “Không kể ngày nào cũng dậy muộn, riêng thứ Bảy, Chủ nhật ngủ triền miên luôn, chỉ khi nào dạ dày gào thét, người nhũn ra vì đói mới phải dậy”.
Đó cũng là nguyên nhân khiến cho kết quả học tập của Ngọc không được như mong muốn. Sau 3 năm bạn cùng lớp ra trường Ngọc mới lấy được bằng tốt nghiệp. Còn đối với Đình Thành (Công ty Cổ phần Thương mại X.V) vốn là đệ tử của thần ngủ khi nhận tấm bằng tốt nghiệp phải rất vất vả để “nạp” lại kiến thức cho những kỳ thi tuyển lao động.
Trúng tuyển rồi, Thành lại khổ sở để rèn luyện, chấn chỉnh theo giờ giấc, nề nếp mới. Bây giờ cậu mới thấm câu nhắc nhở của các cụ xưa: “Đời người có một gang tay/ Ai hay ngủ ngày còn được nửa gang”.
Theo Phương Hiếu
Tiền Phong