Trung úy Nhật Quang: Kỳ duyên với điều tra viên

(Dân trí) - Ra trường HVCS năm 2007, trung úy trẻ Nguyễn Nhật Quang “mặn” duyên ngay với đội 5 – phòng PC47, chuyên tham gia truy bắt tội phạm ma túy. Mỗi chuyên án dần trở thành niềm đam mê của chiến sĩ Quang từ lúc nào không biết.

Thử sức mình

 

Gia đình không có ai theo nghề cảnh sát, bản thân trung úy Quang cũng không tự chọn nghề này cho mình. Vốn yêu thích học xây dựng nhưng ban đầu Quang thi đỗ trường ĐH Khoa học Tự nhiên (khoa Toán).

 

Như một kỳ duyên, chiến sĩ trẻ được nghề chọn mình. Ngày vào Đội 5 cũng là ngày anh tham gia làm chuyên án buôn bán ma túy nổi tiếng Lương Ngọc Lập.

 

Trung úy Nguyễn Nhật Quang chia sẻ: “Mình ra trường, chân ướt chân ráo đã được đi đánh ngay chuyên án ma túy lớn với 1.253 bánh hê-rô-in do Lương Ngọc Lập cầm đầu, khi vụ án đi vào giai đoạn 2.

 

Ngày đầu tiên đi làm án, mình cũng hơi run nhưng tự nhủ phải thử sức mình. Càng đi sâu vào chuyên án, mình thấy càng đam mê, dù có lúc căng thẳng nhưng thú thật làm án, logic như giải 1 bài toán khó. Nếu tìm ra được đáp số thì mình cảm thấy rất hưng phấn để làm tiếp công việc”.

 
Trung úy Nhật Quang: Kỳ duyên với điều tra viên

Trung úy Nhật Quang (trái) - Một trong 10 gương mặt tiêu biểu CA thủ đô.
 

Đến với nghiệp làm án, với vị  trí điều tra viên đã 5 năm, chiến sĩ trẻ Nhật Quang tham gia điều tra 6 vụ án gồm 23 bị can ở các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Phòng, Nghệ An…

 

Anh kể: “Hồi tháng 3/2011, trong vụ bắt đối tượng ma túy ở Lạng Sơn, khí hậu vùng cao lạnh buốt, lại thêm mưa. 2 ngày trời, đi phục kích dưới thời tiết mưa lạnh, cũng may, sang ngày thứ 3 thì đối tượng xuất hiện.

 

Nhằm đúng lúc chúng sơ hở nhất, vào khi mấy tên đó đi ăn sáng, không phòng bị gì trên người thì mình cùng đồng đội tóm gọn cả bọn. Vào khám nhà, thu được 1 khẩu súng và 2 viên đạn cùng nhiều mã tấu. Những đối tượng này rất manh động và nguy hiểm nên nếu không tính đến phương án đánh bất ngờ thì rất dễ bị chúng đánh trả”.

 

Xác định tính nguy hiểm của loại tội phạm ma túy, cùng với địa bàn hoạt động rộng và phức tạp trong khi sức người có hạn nên mỗi chuyên án đều được trung úy Quang cùng đồng đội nghiên cứu tỉ mỉ nhiều phương án, tính toán tất cả các tình huống xảy ra để chọn lấy cách làm án tối ưu nhất.

 

Không đi bắt thì không biết làm gì!

 

Những câu nói vui đùa kiểu này thường được các anh nói với nhau mỗi khi thở phào xong một chuyên án.

 

Trung úy Quang hóm hỉnh: “Vụ đi bắt đối tượng hồi tháng 10/2010, ở bản Loong Luông, Mộc Châu, Sơn La, khi thấy mình là người lạ mặt trà trộn cùng người dân bản, phát hiện thấy có kẻ lạ mặt, họ quây xúm quanh lại mình, hỏi mình là ai, ở đâu…

 

Vòng người vây kín cùng những ánh mắt hăm dọa và những câu hỏi dồn dập làm mình thấy hơi run nhưng phải trấn tĩnh trả lời, mình là cán bộ địa chính thuộc phòng tài nguyên của huyện. Nếu không có công an huyện giúp mình cùng giải thích thì chắc hôm đó mình không ra khỏi được bản”.

 

Yêu nghề, yêu những chuyên án đến nỗi bạn gái còn phải giận dỗi vì đi làm không ở bên

cạnh người yêu vào những ngày trọng lễ.

 

Mùng 8/3, trong khi các bạn trai khác đưa người thương của mình đi dạo phố, sắm những món quà ý nghĩa để dành tặng nhau thì chiến sĩ trẻ Nhật Quang chỉ có thể gửi tin nhắn tình cảm cho bạn gái.

 

“Nghĩ làm nghề này, nhiều và nhiều lắm bạn gái hay vợ con phải chịu ấm ức, thiệt thòi. Bạn gái mình thích được hưởng không khí phố phương những ngày Lễ tình nhân, ngày Quốc tế phụ nữ hay Noel nhưng chẳng mấy khi mình thực hiện được mong ước cho cô ấy.

 

Giọng bạn gái mình buồn mỗi khi gọi điện cho mình vào những ngày lễ đó, nhưng vẫn động viên mình cố gắng làm xong việc để sớm trở về bên cô ấy…”, trung úy Nhật Quang chia sẻ.

 

Chiến sĩ Quang bộc bạch thêm, làm án khó giống như mình giải bài toán khó, có sự logic, bởi có dữ kiện để tìm manh mối đi đến chân tướng sự thật. Làm án cũng muôn hình muôn vẻ, có lúc cũng phải vò đầu bứt tai cả đêm vì đối tượng nhưng khi chuyên án thành công, cảm giác của mình như có gì đó được giải tỏa.

 

Làm án không đơn giản chỉ đưa được đối tượng vào trại giam là xong mà sự cảm hóa từ tấm lòng mỗi chiến sĩ cảnh sát để từ đó giúp đối tượng hướng thiện và đôi khi, chính nhờ họ vụ án tiếp tục được mở rộng điều tra, bắt thêm đối tượng.

 

Thanh Xuân