Trót “thầm thương trộm nhớ” anh Việt kiều

Càng ngày trong lòng mình càng thêm rối bời, mình đã cố gắng lao vùi vào học tập nhưng mình không thể quên được ý nghĩ linh tinh trong đầu óc mình. Mình gặp anh ấy trong một lần tình cờ khi đó mình chỉ 17 tuổi trong khi anh đã 30 nhưng anh vẫn rất trẻ...

Anh là cháu của người bà con bên chồng dì Sáu mình, đang sinh sống tại Mĩ. Anh là người ít nói nhưng anh rất thích sự vui vẻ, hòa đồng, chính những thứ đó đã làm tim mình ngã gục. Mỗi lần trông thấy anh thì tim mình nhảy loạn xạ.

 

Anh và mình cùng chung sở thích đó là yêu nghiên cứu. Suốt ngày ngoài giờ học ra mình chỉ nghĩ đến anh. Có lẽ mình yêu anh mất rồi. Trong khi đó dì mình cứ vô tình trêu ghẹo mình với anh làm mình càng thêm ngại ngùng.

 

Làm sao cho anh ấy hiểu mình đây khi mình đã chôn giấu nó gần 2 năm trời? Liệu anh ấy có tin một cô bé con lại yêu anh không? Làm sao để nói vói anh ấy? Mình không hiểu nổi mình nữa, đầu óc mình đang rối tung, mình cần giải quyết nó sớm, giúp mình với (Kim Phi, Cần Thơ)

 
Trót “thầm thương trộm nhớ” anh Việt kiều
 

Tình yêu là thỏi nam châm ở người này và là cục sắt ở người kia thì tự nó luôn hút nhau. Song nếu không may nó lại là hai thỏi nam châm thì chỉ khi nào trái dấu nó mới hút nhau, còn cùng dấu nó lại đẩy nhau.

 

Bạn ở tuổi 17 còn quá trẻ và còn nhiều việc phải làm, phải học, nhưng bạn đã bị thỏi nam châm kia hút, và nếu vậy bạn sẽ là sắt. Là sắt thì luôn thụ động vì nó không có từ tính, nhưng bạn lại làm trái quy luật và muốn “sắt có từ tính” là điều không thể có, trừ khi bạn để nhiễm từ. Đây là vấn đề ngộ nhận về tình cảm.

 

Bạn phải trả lời là “yêu anh ấy” hay “yêu Việt kiều”. Bạn đừng tự ái mà nhìn thẳng vào sự thật này. Nếu yêu anh ấy có thể kiểm soát được tình cảm vì anh ấy đã 30 trong khi bạn mới 17.

 

Còn nếu yêu Việt kiều thì khó kiểm soát cảm xúc lắm, vì hy vọng vào người chồng Việt kiều rồi mình sẽ sang Mỹ. Đây là vấn đề phải xem lại cảm xúc để thấy đâu là thật và hãy đối mặt với sự thật.

 

Chính bạn đã nhầm “sắt” với “nam châm” nên bạn tin rằng anh ta bị chinh phục và cuối cùng thì không phải thế. Quả là bạn bức xúc về mối quan hệ này lắm. Nhưng bạn nhớ người xưa dặn “trâu đi tìm cọc, đâu có chuyện cọc đi tìm trâu”.

 

Bây giờ mà bạn nói ra tình cảm của bạn với anh ấy mà bị anh ấy từ chối thì sẽ thế nào? Đây là vấn đề tế nhị. Bạn tỏ tình cảm qua nét mặt, ánh mắt trong các lần gặp gỡ đủ để anh ấy biết “cô gái si mê mình”, nhưng anh ta không nói gì? Nếu yêu, anh ta sẽ nói, vì tuổi 30 đủ bản lĩnh tình cảm. Vậy là anh ta chưa yêu bạn.

 

Bây giờ bạn phải học để chứng minh cho anh ta biết “ta không cần Việt kiều đâu”, không cần người đàn ông như anh - cần học làm được như vậy là lợi đôi đường : được việc học và cũng “dằn mặt” anh ta.

 

Chỉ có con đường học mới khẳng định được vị trí và vị thế của mình, nếu không bạn sẽ bị anh ta coi thường và kiêu ngạo đáng ghét.

 

Cách giải quyết tốt nhất là xem thường tình cảm của anh ta và mặc nó đến thì nó tự đi, anh ta không đủ tầm hiểu biết tình cảm của bạn hoặc coi thường tình cảm của bạn cũng đều chứng tỏ anh ta là người không yêu bạn.

 

Chúc bạn sáng suốt.

 
Trót “thầm thương trộm nhớ” anh Việt kiều
 

Người mà em đang quen có hoàn cảnh không may mắn, ba mẹ ly hôn từ bé. Em quen anh ta nhung đến giờ em chưa xác định được là em yêu con người anh ta hay la thương hại anh ta nữa. Hãy cho em lời khuyên. (Hoàng Đoan, Tân Châu - Tây Ninh)

 

Người ta có 5 giai đoạn của cảm xúc tình cảm: mến, thích, yêu, thương và nghĩa tình. Năm giai đoạn này có những diễn biến tâm lý khác nhau và đan xen nhau nên dễ nhầm lẫn.

 

Nếu mà thích thì cảm xúc “muốn có” xuất hiện, nó thường lôi kéo tâm lý vào hiện tượng mà mình quan tâm, thậm chí nó luôn theo đuổi mình như cái bóng. Lúc thích thì nhớ ở diện rộng, tức là cái gì cũng nhớ về họ mà chưa có chiều sâu (nét chính).

 

Thương có rất nhiều nghĩa như mẹ thương con, thương người đồng cảnh ngộ, thương hại …. Nếu mà thương hại thì luôn đi với cảm xúc “coi thường”. Yêu cũng có nhiều nghĩa như yêu vạn vật, con vật … yêu con người, yêu đôi lứa. Yêu đôi lứa luôn có cảm xúc gần gũi thể xác.

 

Trong trường hợp của bạn, bạn đã liên hệ thương với hoàn cảnh của người đó chỉ ở mức “ba mẹ bạn ly hôn” nên chưa rõ nét là thương hại, vì ly hôn mà cuộc sống của bạn ấy vẫn đầy đủ thì chưa đủ rung động đến mức thương hại.

 

Thương hại chỉ xuất hiện khi người kia kém mình về vấn đề nào đó, nhất là về kinh tế, tiền bạc. Nếu bạn ấy có ba mẹ ly hôn mà lại có điều kiện kinh tế khá giả thì không thể có sự thương hại ở đây.

 

Nếu có thương thì chỉ là thương hoàn cảnh chứ chưa phải là thương hại. Còn nếu bạn yêu thì tự trong bạn luôn nhớ về người kia và xuất hiện cảm xúc gần thể xác. Bạn tự phân tích tiếp tục để nhận ra xem mình có cảm xúc gì nhé.

 

Ba và mẹ mình ly hôn đã lâu, mình thì đi học xa, em mình được ba nuôi dưỡng, còn mẹ mình mắc chứng rối loạn thần kinh nên không thể tự sống một mình. Và gần 3 năm trước, trước khi đi học xa mình đã bàn với bên ngoại là để mẹ mình sống cùng cậu, cho đến khi mình học xong thì sẽ về nhà của gia đình mình ở và chăm sóc cho mẹ.

 

Mẹ mình sống ở nhà cậu một thời gian, phần vì chuyện học, đi làm thêm, và khó khăn mình chẳng lắm khi gọi về hỏi thăm mẹ. Nhưng mỗi khi về quê thăm mẹ thì lại nghe mợ mình hay kể những hành vi do căn bệnh của mẹ mình gây ra làm ảnh hưởng tới những người xung quanh, mình vì thương mẹ mà không muốn những người xung quanh không thích mẹ nên mình khuyên mẹ cố gắng hơn.

 

Tất nhiên một thời gian dài, mợ và cậu đều không thích mẹ mình, con của cậu mợ lại không lễ phép với mẹ mình, thậm chí mình còn biết mợ mình dạy con những lời nói thiếu tôn trọng để nói với mẹ mình. Mình thấy tức và buồn lắm nhưng chẳng biết làm sao cả.

 

Mình khuyên mẹ mình cố gắng ở đó cho tới khi mình học xong, chỉ còn một năm nữa thôi. Nhưng mẹ mình khóc và không chịu ở, mẹ hay đi sang nhà hàng xóm ở để tránh bị nhà cậu nói ra nói vào. Mình thấy thương mẹ lắm, có cách nào giúp mình không? (Huỳnh)

 

Cuộc sống của người ta có các mối quan hệ khác nhau và trong mối quan hệ ấy mọi người đều tìm cách chia sẻ thì mới tồn tại. Nếu có người này chia sẻ còn người kia thì không sẽ dẫn tới mâu thuẫn. Vì vậy nguyên tắc đồng thuận vẫn là nguyên tắc sống chung tốt nhất.

 

Trong những người sống chung, nếu có một người tính khí bất thường thì những người còn lại phải chịu đựng, song sự chịu đựng của con người luôn bị giới hạn, nhất là khi mối quan hệ không quá sâu đậm như mẹ con, anh em … thì nhất định xung đột sẽ xảy ra.

 

Trường hợp của bạn, mẹ bạn bị “rối loạn thần kinh nên không thể sống một mình”. Như vậy mẹ bạn phải lệ thuộc vào cậu của bạn, song với người cậu còn có ruột thịt nên có thể chịu đựng khi mẹ bạn bị rối loạn thần kinh, còn mợ bạn không có được tình cảm với mẹ bạn như cậu của bạn. Còn những người con của cậu mợ thì chưa đủ nhận thức về ruột thịt. Đây là vấn đề khó cho gia đình nhà cậu bạn.

 

Đối với mẹ bạn, bạn có khuyên gì nữa thì bệnh “rối loạn thần kinh” làm sao nghe được. Bạn cứ hình dung bạn là mợ bạn thì bạn sẽ làm gì? Bạn hãy đặt mình vào hoàn cảnh của cậu mợ để thấy cái khó, cái mà cậu mợ bạn đã phải chịu đựng vì chị mình.

 

Bạn không nên tức, mà phải cám ơn cậu mợ mình đã giúp mẹ mình, mặt dù chưa như ý nhưng cũng còn có chỗ để mẹ bạn sống, để bạn đi học và làm thêm.

 

Bạn hãy nói chuyện với mợ của mình về mẹ để mợ thông cảm và nhờ lời nói của bạn mà mợ bạn có thêm tình cảm với mẹ bạn, và vấn đề không phải một năm nữa thôi mà là ơn suốt đời cậu mợ đã lo cho mẹ mình.

 

Bạn cũng nói với hàng xóm về mẹ để mọi người hiểu, nếu không mọi người sẽ đổ dồn lên cậu mợ thì quả là “làm ơn mắc oán”.

 

Bạn hãy về làm theo hướng dẫn và nhớ gọi điện về thăm mợ, và nhờ những người con của mợ giúp đỡ mẹ. Có như  vậy thì mới giúp cậu mình khỏi bị áp lực thương chị mà khó với vợ con của cậu...

 

 

GS.TS. Vũ Gia Hiền tư vấn

 

Theo Mực Tím