Trở về từ TPHCM, chàng trai Đắk Lắk tự cách ly 21 ngày căn chòi trên rẫy

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Sau khi từ TPHCM về quê tránh dịch, Hà Văn Huy đã tự cách ly tại căn chòi nằm trên rẫy của gia đình cách khu dân cư đông đúc khoảng 10km.

Hà Văn Huy (quê Đắk Lắk) làm quay phim tại TPHCM đến nay đã hơn 3 năm. Trước thời điểm dịch bệnh, công việc của anh mang đến nguồn thu nhập ổn định khoảng 25 - 30 triệu/ tháng. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, anh đã lên kế hoạch về quê, vừa tránh dịch, vừa thăm gia đình, lại có thời gian giúp bố mẹ trông nom, chăm sóc rẫy.

Trở về từ TPHCM, chàng trai Đắk Lắk tự cách ly 21 ngày căn chòi trên rẫy - 1
Hành trình về quê bằng xe máy của Văn Huy.

11 giờ trưa ngày 31/7, Huy cùng các đồng hương của mình bắt đầu xuất phát từ TPHCM về Đắk Lắk bằng xe máy, chạy liên tục theo đoàn và dừng chân nghỉ ngơi tại các điểm theo quy định. Đến 3 giờ sáng ngày 1/8 anh về đến quê nhà. Huy làm thủ tục khai báo y tế và chọn điểm tự cách ly là căn chòi trong rẫy trồng sầu riêng, cà phê, tiêu… của gia đình.

Địa điểm này nằm cách khu dân cư đông đúc khoảng 10km tại xã Ea Yông, huyện Krông Păk. Với địa hình biệt lập như vậy Huy cảm thấy an tâm cách ly, đảm bảo quy định phòng chống dịch tại địa phương.

Chàng trai Đắk Lắk tự cách ly 21 ngày nơi căn chòi giữa rẫy

Huy nhớ lại: "Đoàn mình được các chú công an dẫn đường nên rất an tâm. Đi dọc đường tụi mình cũng nhận được đồ ăn từ các anh chị tình nguyện viên ở các tỉnh. Trên đường về trời mưa, nhìn các anh chị ở chốt kiểm dịch thấy thương lắm.

Theo quy định thì người về từ vùng dịch sẽ phải cách ly 14 ngày, nhưng mình quyết định tự cách ly thêm 7 ngày nữa để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người. Do căn chòi chỉ dùng để nghỉ ngơi giữa trưa mỗi khi bố mẹ đi làm rẫy nên mình có nhờ mẹ chuẩn bị trước đồ nấu ăn, chăn màn…

Sau khi về đến nơi mình dọn dẹp, tu sửa, phát quang cỏ dại để có không gian cách ly đảm bảo. Mình mất đến 4 ngày để mọi thứ chỉn chu, gọn gàng hơn. Tự cách ly giữa rừng nên mấy ngày đầu mình cũng sợ vì không gian hẻo lánh lại không có người. Nhưng rồi sau vài ngày mình cảm thấy quen hơn".

Trở về từ TPHCM, chàng trai Đắk Lắk tự cách ly 21 ngày căn chòi trên rẫy - 2
Căn chòi nhỏ nơi Huy "sống chậm" 21 ngày.

Về lương thực, thực phẩm cứ cách 2-3 ngày mẹ Huy lại chuẩn bị đồ tươi sống mang đến căn chòi. Mỗi lần nhận đồ tiếp tế từ gia đình, mẹ và Huy chỉ có thể đứng nhìn nhau từ xa. "Mình rất nhớ gia đình nhưng vì đảm bảo sức khỏe nên nghiêm túc chấp hành cách ly để sớm về ăn cơm với bố mẹ. Chú ở rẫy kế bên cũng hay cho mình đồ ăn nên cảm nhận được tình cảm ấm áp của bà con", Huy chia sẻ thêm.

Một mình ở căn chòi giữa nương rẫy, Huy làm bạn cùng 4 chú chó để đỡ buồn. "Mỗi ngày mình thức dậy, chuẩn bị đồ ăn cho mình và 4 chú chó. Sau đó thì đi quanh rẫy kiểm tra, lượm sầu riêng rụng, mở bản nhạc nghe thư giãn và quay Vlog để lưu giữ lại những ngày đáng nhớ như thế này. Mình không ngờ những khoảnh khắc của mình lại nhận được sự quan tâm của mọi người như vậy. Mình cũng vui vì luôn nhận được những lời hỏi thăm, động viên từ người thân, bạn bè và những người không quen biết".

Trở về từ TPHCM, chàng trai Đắk Lắk tự cách ly 21 ngày căn chòi trên rẫy - 3
Huy được "tiếp tế" lương thực, thực phẩm đầy đủ trong suốt quá trình cách ly một mình.

Mỗi ngày, cứ khoảng 7 giờ tối là Huy lên giường, mắc màn cẩn thận để tránh muỗi. Buổi sáng thức dậy, hít thở bầu không khí trong lành, thời tiết dễ chịu khiến Huy cảm thấy thoải mái hơn lúc ở thành phố rất nhiều.

Ở trên rẫy Huy cũng có những kỷ niệm đáng nhớ, đó là khi nước mưa dột qua lỗ thủng trên mái chòi, rồi tiếng chó sủa khiến anh lo sợ có kẻ xấu. Nhưng rồi mọi thứ cũng qua đi, anh học cách thích nghi và tận hưởng những ngày sống yên bình, thư thái.

Trở về từ TPHCM, chàng trai Đắk Lắk tự cách ly 21 ngày căn chòi trên rẫy - 4

Căn chòi nhỏ nằm giữa bạt ngàn màu xanh cây cối của gia đình Văn Huy.

Những đoạn clip Huy đăng tải với mục đích giới thiệu đặc sản Đắk Lắk, góp phần quảng bá hình ảnh và thương hiệu đến với mọi người. Từ đó có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế gia đình, địa phương. Huy cho rằng, quãng thời gian tự cách ly là cơ hội để anh thực hiện những điều ý nghĩa.

Văn Huy quay video giới thiệu "đặc sản" quê hương là quả sầu riêng

Sống một mình giữa khu vườn rộng thênh thang, Huy đã khám phá và trở nên tháo vát trong các công việc. Từ việc nặng nhọc như làm vườn, đến tự chăm sóc bản thân, tự cắt tóc và học nấu thêm được nhiều món ăn ngon.

Dù đôi khi cảm thấy cô đơn, nhàm chán nhưng hơn hết Huy biết cách khơi dậy nguồn năng lượng tích cực, yêu đời và lạc quan. Điều này thể hiện rõ qua những khoảnh khắc mà anh tự quay lại.

Chàng trai 9X luôn quan niệm: "Sống nhiệt tình, hết mình thì mới cảm thấy cuộc sống này có ý nghĩa hơn". "Thông điệp mà mình muốn nhắn gửi mọi người là hãy tự ý thức chấp hành cách ly an toàn, góp phần vào công cuộc chống dịch, giảm áp lực cho các bác sĩ tuyến đầu, vì họ đã rất vất vả rồi. Mình tin rằng Việt Nam chúng ta sẽ sớm chiến thắng đại dịch, mọi người lại trở về cuộc sống bình thường như trước", Văn Huy nhắn gửi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm