Nếu quá áp lực, hãy “đổ rác” cho tâm hồn
Liên tiếp hai vụ việc cô gái trẻ nhảy lầu tự tử xảy ra trong tuần đầu tiên của tháng Mười đã khiến mọi người giật mình thảng thốt. Áp lực nào đã khiến người trẻ lựa chọn giải thoát đau khổ theo cách kinh hoàng đó?
Dại dột, túng quẫn
Khi vụ việc nữ sinh 16 tuổi nhảy lầu tự tử từ tầng 25 của một tòa nhà thuộc khu đô thị Tân Tây Đô, Hà Nội còn đang nóng bỏng thì ngay ngày hôm sau, mọi người lại bàng hoàng trước vụ việc bà bầu xinh đẹp đang mang thai đến tháng thứ bảy nhảy lầu tự tử từ tầng 16 tại khu đô thị Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội.
Chứng kiến vụ việc, ai cũng cảm thấy vừa giận, vừa thương trước hành động dại dột của hai cô gái trẻ. Ông Đặng Đình Thượng (nhân viên bảo vệ tòa nhà CT4, người trông giữ hiện trường vụ bà bầu tự tử) cho biết, người phụ nữ trẻ đẹp này đang ở nhà dưỡng thai, sống cùng chồng tại tòa chung cư này.
Họ có kinh tế khá giả, được bố mẹ cho ở riêng trong căn hộ này chứ, không phải sống chung đụng với bố mẹ chồng như nhiều nàng dâu khác. “Đứa bé không có tội tình gì cả. Mình chết đã vậy, còn kéo theo đứa con vô tội gần ngày sinh”, ông Thượng cảm thán.
Vài ngày sau khi xảy ra vụ việc nữ sinh 16 tuổi tự tử tại khu đô thị Tân Tây Đô, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội, người dân ở đây vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhắc lại. Một phụ nữ 69 tuổi, sống tại tòa nhà CT2B, đã không thể ngủ được sau khi chứng kiến vụ việc. Bà bảo: “Cứ mỗi lần nhắm mắt lại, nhìn từ cửa sổ xuống sân chung cư sâu hun hút là lại thấy sợ”.
Bà cho chúng tôi biết thêm, rất có thể do nỗi bất mãn gia đình không được suôn sẻ đã dẫn đến việc cô gái trẻ nhảy lầu tự tử.“Bố mẹ cháu đã ly hôn. Bố đi lấy vợ, mới đây mẹ lấy chồng khác. Cháu sống với mẹ đẻ và bố dượng. Người mẹ cũng hay mắng chửi cháu”, bà cho biết.
Từng trải qua việc nuôi con tuổi mới lớn, bà Xuân (chủ một quán trà đá gần khu vực nữ sinh 16 tuổi tự tử) cảm thấy sợ khi nhớ lại giai đoạn nuôi con tuổi mới lớn.
“Nhà có con tuổi mới lớn từ 13 – 19 tuổi là sợ nhất. Thời điểm đó,tâm sinh lý các cháu thay đổi, ngang ngạnh nhưng dễ bị tổn thương. Không có ai bộc bạch, nỗi ức chế là dễ tìm đến cái chết. Mấy hôm nay, cô gái trẻ đã có biểu hiện buồn chán bất thường. Bố mẹ nuôi nấng mười sáu năm trời, chưa chi đã dại dột tự tử. Tự tử là thiệt. Con chết, bố mẹ đau đớn vô cùng”.
Bà Xuân cho rằng, vụ việc này gióng lên một hồi chuông cảnh báo có quá nhiều áp lực bủa vây người trẻ trong xã hội hiện đại và những gia đình có con đang độ tuổi mới lớn cần phải quan tâm đến con cái nhiều hơn nữa.
Bà Xuân nói: “Bố mẹ cần làm bạn với con cái nhất là tuổi mới lớn, thay vì mắng mỏ. Thời xưa, chúng tôi bị bố mẹ mắng, đuổi đi, ngồi khóc hu hu trước cửa nhà nhưng không dám đi đâu. Giờ bố mẹ chỉ cần nặng lời, lỡ miệng“đuổi” là con đi ngay, họ không biết điều gì đang chực chờ con ngoài cánh cửa”…
Đằng sau ô cửa không phải là sự giải thoát
TS Tâm lý Phan Thị Huyền Trân (TP.HCM) đã bày tỏ sự lo ngại khi nói về việc người trẻ tìm tới cái chết khi không chịu được áp lực, căng thẳng trong cuộc sống: “Trong một tuần lễ, tôi nhận được mười mấy cuộc điện thoại của phụ huynh nói con họ sử dụng chất kích thích, lạm dụng thủ dâm, nghiện sex với bạn trai và một ca 13 tuổi có bầu”.
Theo TS Huyền Trân, tâm lý tuổi vị thành niên và tuổi đôi mươi có quá nhiều biến động, trong khi độ tuổi đó cũng có quá nhiều áp lực. Nếu gia đình không cho người trẻ niềm vui thì họ sẽ tìm cách giải thoát, bằng nhiều cách khác nhau.
Đó là đi tìm một người yêu, chiều chuộng mình ở bên ngoài. Đó là sử dụng chất kích thích để quên đi nỗi ức chế, trả thù cho sự không quan tâm của bố mẹ. Và một trong những cách giải thoát kinh khủng nhất, tồi tệ nhất là tìm tới cái chết.
“Ngừng lại mọi đau khổ”, đó là tín hiệu não bộ phát ra khi sự căng thẳng trở nên quá mức chịu đựng. “Ngoài ô cửa sổ kia sẽ là sự giải thoát”, người có ý định tự tử sẽ luôn nghĩ như vậy. Tất cả sẽ đẩy người trẻ đến hành động dại dột là chấm dứt cuộc sống của mình.
TS Huyền Trân cho rằng, vấn đề chính nằm ở bố mẹ, chứ không phải là các con tuổi “teen” đang rất dễ bị tổn thương và đầy biến động tâm lý. Bố mẹ cần chấp nhận đứa con của chính mình, có kiến thức để cân bằng thế giới của con: Học hành, bạn bè, vui chơi… Nắm rõ thái độ sống của con đúng hay sai để kịp thời điều chỉnh. Bố mẹ nên đưa con đến chuyên gia tâm lý để tháo gỡ khi cần thiết.
“Chính bố mẹ cũng phải ngồi với chuyên gia tâm lý để xem tâm lý của mình đã ổn chưa thì mới có thể tháo gỡ tâm lý cho con. Đừng nuôi dạy con theo sách vở, mà nuôi dạy theo chính khả năng của đứa trẻ. Đứa trẻ chính là phương pháp”, TS Huyền Trân khuyên.
Với các thanh niên độ tuổi từ hai mươi trở lên, TS Huyền Trân khẳng định, chính họ phải chịu trách nhiệm cho mạng sống của mình. “Nếu quá áp lực, bạn hãy nghĩ đến chuyện “đổ rác” cho tâm hồn. Thực ra, bạn cần hiểu mình sẽ phải sống và chiến đấu với công việc, gia đình của bạn cả cuộc đời này. Vì thế, hãy mở to mắt, vui vẻ, hạnh phúc, bình an, can đảm mà chiến đấu. Chứ không phải thu hết rác vào tâm hồn, bực dọc, ức chế, khóc lóc mà không thấy đường chiến đấu.
Sự cố, giông bão sẽ đến liên tục. Bạn vui hay không vui thì giông bão vẫn đến. Nếu bạn vui thì sẽ tỉnh táo đi qua giông bão. Nhưng nếu không vui, luôn ức chế thì sẽ gục ngã ngay trong cơn bão. “Ngoài ô cửa sổ kia sẽ là sự giải thoát”, người có ý định tự tử sẽ luôn nghĩ như vậy. Nhưng thực ra, đó không phải là một thế giới tốt đẹp hơn.
Khi bạn còn sống, còn nói được, cảm nhận được, được mọi người quan tâm, nhờ sự trợ giúp của người khác được mà bạn còn không giải quyết được cuộc sống của bạn. Thì khi chết đi, bạn không nói được, không cảm nhận được điều gì, chỉ là một linh hồn thì bạn có chắc đó là thế giới tốt đẹp không?”, TS Huyền Trân phân tích.
Ngay lúc suy nghĩ tự tử xuất hiện tức là người ta đã ở trong giai đoạn quá căng thẳng, bị trầm cảm. “Khi đó, bạn phải tìm đến chuyên gia tâm lý hoặc nhìn vào người bạn yêu thật nhiều. Yêu một người nào đấy là làm cho người đó cười, thay vì làm cho người đó khóc thật nhiều. Bạn chết đi là bạn làm nước mắt của người yêu thương bạn rơi xuống. Hãy nhớ lấy điều đó, khi có ý định dại dột”, TS Huyền Trân nhấn mạnh.
Theo Hải Đăng
Sinh viên Việt Nam